Share

Tại Sao Kính Sợ Đức Chúa Trời Là Một Điều Tốt?

Một số người sẽ cảm thấy lạ là tại sao chúng ta phải ‘sợ’ Chúa. Chắc chắn Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành và nhân từ, công bình và chính trực – thì có gì phải sợ? Nhiều người giải thích ý tưởng sợ Chúa ở đây chỉ đơn giản là một sự tôn trọng và biết ơn, kính sợ và tôn quý. Nhưng có chắc rằng đó không phải là cảm giác sợ sệt thực sự? Từ kính sợ Chúa đã được giải thích khá xa với ý nghĩa thực tế và làm cho từ đó ít đáng sợ hơn nhiều.
Tuy nhiên, sự kính sợ Đức Chúa Trời thật sự là nền tảng cho một mối quan hệ đúng đắn với Ngài. Khi cái nền xây không đúng chỗ, toàn bộ ngôi nhà nằm trên mặt đất rung chuyển. Đây là lý do tại sao chúng ta đã nhiều lần được nhắc nhở trong Kinh Thánh rằng sự kính sợ Chúa phải đi trước – bởi đó là khởi đầu của mọi sự:
Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan; Người nào vâng giữ điều răn Ngài được thông sáng. Sự ca ngợi Ngài còn đến đời đời. (Thi-thiên 111:10)
Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu tri thức, còn kẻ ngu muội xem thường sự khôn ngoan và lời khuyên dạy.  (Châm-ngôn 1:7)
Sự kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhận biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng. (Châm-ngôn 9:10)
Nếu bạn muốn trở nên khôn ngoan và hiểu biết trong đức tin của mình, trước hết bạn phải kính sợ Đức Chúa Trời. Sự kính sợ Chúa không chỉ là nền tảng để có một đời sống thuộc linh lành mạnh, mà lời Chúa còn hứa hẹn vô số lợi ích khi chúng ta bắt đầu bước đi một cách đúng đắn.
Có vẻ ngược đời nhưng lại là sự thật: kính sợ Chúa giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi khác
Bất cứ ai được tái sinh và đi từ vương quốc tối tăm sang nước sáng láng đều biết rất rõ ở đây có những điều trái ngược so với phía bên kia. A. W. Towzer diễn đạt điều đó như thế này:
Không có gì phải khó hiểu ở đây cả. Người tin Chúa thực sự cảm thấy tình yêu cao cả đối với Đấng mà mình chưa bao giờ nhìn thấy, trò chuyện một cách quen thuộc mỗi ngày với Đấng mà mình không thể nhìn thấy, mong đợi được lên thiên đàng nhờ những gì mà Đấng đó đã làm cho mình, tự trút bỏ bản thân để được trọn vẹn, thừa nhận mình sai để có thể được xưng mình phải, chấp nhận đi xuống để được nâng lên, mạnh mẽ nhất khi mình yếu đuối, giàu có nhất khi mình nghèo khổ và hạnh phúc nhất khi mình cảm thấy tồi tệ nhất. Chết đi để có thể sống, chấp nhận từ bỏ để có được, cho đi để có thể giữ lại, nhìn thấy điều không thấy được, nghe thấy giọng nói mà không ai nghe được và biết được những điều vượt trên mọi sự hiểu biết của con người xác thịt.
Trong vương quốc dường như đầy mâu thuẫn này, thì việc sợ đúng đối tượng, chính là cách duy nhất cung cấp cho chúng ta lối thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi khác.
Chúng ta có thể phản đối ý tưởng rằng mình phải sợ Chúa, nghĩ rằng sợ hãi là tiêu cực, nhưng cũng giống như cách chúng ta “đi xuống để được đưa lên”, trước tiên chúng ta phải bước vào sự kính sợ để được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi. Chúa Giê-xu giải thích điều này cho chúng ta theo cách như sau:
Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn, nhưng thà sợ Đấng có thể hủy diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.  (Ma-thi-ơ 10:28)
Nhưng Ta chỉ cho các con biết phải sợ ai: Phải sợ Đấng mà khi đã giết rồi, còn có quyền ném xuống hỏa ngục. Đúng vậy, Ta bảo các con, phải sợ Đấng ấy! (Lu-ca 12:5)
Khi chúng ta đánh giá đúng lẽ thật rằng Chúa là Đấng duy nhất có thể hủy diệt chúng ta mãi mãi, thì tất cả những nỗi sợ hãi khác phải lùi lại phía sau. Chúa thật đáng kinh sợ – đặc biệt là đối với những kẻ thù của Ngài. Ngài là Đấng duy nhất và – KHÔNG MỘT AI KHÁC – có đủ thẩm quyền để giải cứu bạn khỏi tay Ngài. Ngài là tuyến phòng thủ cuối cùng và nếu bạn gặp rắc rối với Ngài, thì đó là dấu chấm hết dành cho bạn. Nhưng bởi ân điển của Ngài, Ngài đã biến chúng ta, những kẻ từng nghịch với Ngài trở thành bạn hữu của Ngài. Giờ đây chiến binh đáng sợ này đứng về phía chúng ta. Khi bạn nắm được lẽ thật này thì bạn được giải phóng.
Đức Giê-hô-va bênh vực tôi, tôi chẳng sợ, loài người sẽ làm gì tôi? (Thi-thiên 118:6)
Nếu bạn chưa nắm bắt được điều này, hãy cầu xin Chúa giúp bạn. Sự hiểu biết về Ngài rằng Ngài là ai và Ngài có thể làm được gì, quyền tể trị mà Ngài thực sự nắm giữ trên nhân loại, dẫn đến niềm an ủi khôn tả khi chúng ta nhận ra rằng Đức Chúa Trời này đã tha thứ cho chúng ta khỏi mọi tội lỗi của mình. Chính Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi sự trừng phạt và đã nhận chúng ta làm con cái của Ngài. Giống như nhiều khía cạnh của đời sống trong Đấng Mê-si, hạ mình xuống trong sự khiêm nhường, chuẩn bị tinh thần để đón nhận những thực tại này, mở ra những đấu trường rộng lớn cho sự tự do và niềm vui mà tâm trí con người không thể hiểu hết được.
Việc hạ thấp và giảm bớt sự kính sợ Chúa cũng giống như việc chúng ta tự bắn vào chân mình. Chúng ta sẽ bỏ lỡ những điều lớn lao nếu làm như vậy. Kính sợ Đức Chúa Trời không chỉ là vấn đề thích hay không thích một đặc tính của Ngài hoặc đánh giá cao quyền năng kỳ diệu của Ngài. Chúng ta càng kính sợ Đức Chúa Trời, đánh giá cao vị trí đích thực của con người trước mặt Đức Chúa Trời, thì cuộc sống của chúng ta càng tràn ngập phước hạnh. Những ai tự lừa dối bản thân rằng Chúa chỉ là một ông thần hiền lành ở xa tít trên trời kia, sẽ gây tổn hại lớn cho chính họ.
Sự thánh khiết, thanh sạch và quyền năng
Sự kính sợ Chúa đúng đắn dẫn chúng ta đến sự thánh khiết khi chúng ta tìm cách vâng lời và làm vui lòng Đức Chúa Trời. Những người nam và người nữ kính sợ Chúa mong muốn được trong sạch trước mặt Ngài, và những người có tấm lòng trong sạch sẽ được nhìn thấy Đức Chúa Trời, theo bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu trong Ma-thi-ơ 5.  Như có lời đã nói, những ai kính sợ Chúa, nghe được tiếng Chúa. Ngài phán với những người ở gần tấm lòng Ngài, những người vui thích trong đường lối Ngài.
Nếu bạn tìm kiếm cụm từ “kính sợ Đức Chúa Trời” trong Kinh Thánh và ghi lại những lợi ích được đề cập trong mỗi tham chiếu, bạn sẽ được khích lệ rất nhiều. Một người bạn của tôi nói rằng sự kính sợ Chúa nhắc nhở chúng ta phải vâng lời Ngài. Khi chúng ta vâng lời Chúa, thì những ân phước lớn lao sẽ là kết quả, bởi vì đường lối của Ngài là đúng đắn và chân thật, cũng như vì lợi ích của chúng ta. Dưới đây là một số ví dụ từ Kinh Thánh về những lợi ích mà những người kính sợ Đức Chúa Trời được hứa ban cho:

  • Một nguồn sự sống (Châm-ngôn 14:27)
  • Lòng thương xót của Đức Chúa Trời từ thế hệ này sang thế hệ khác (Lu-ca 1:50, Phục-truyền 5:29)
  • Sự sống, sự thỏa nguyện, và sự bảo vệ khỏi mọi tai họa (Châm-ngôn 19:23)
  • Được làm bạn hữu với Chúa (Thi-thiên 25:14)
  • Nơi nương cậy vững chắc cho bản thân và một nơi ẩn náu cho con cái (Châm-ngôn 14:26)
  • Phước lành (Thi-thiên  112:1, 128:1-4, Châm-ngôn  28:14)
  • Chúa hành động trong chúng ta (Phi-líp 2:12-13)
  • Sự giàu có, tôn trọng và sự sống (Châm-ngôn  22:4)
  • Được an toàn khỏi cạm bẫy của loài người (Châm-ngôn  29:25)
  • Tri thức về Đức Chúa Trời (Châm-ngôn  2:1-6)
  • Giúp tránh xa điều ác (Châm-ngôn 16:6) và tội lỗi (Xuất-hành 20:20)
  • Người nữ nào kính sợ Chúa sẽ được khen ngợi (Châm-ngôn 31:30)
  • Chúa sẽ nghe tiếng kêu cầu của chúng ta và giải cứu chúng ta (Thi-thiên  145:19)
  • Được ích lợi và được bảo tồn sự sống (Phục-truyền 6:24)
  • Chúa dành sự nhân từ cho người kính sợ Ngài (Thi-thiên  31:19)
  • Chúng ta thừa kế sự công chính đến từ đức tin (Hê-bơ-rơ 11:7)
  • Thiên sứ của Chúa đóng trại xung quanh và giải cứu chúng ta (Thi-thiên 34:7-9)
  • Chúng ta sẽ chẳng thiếu thốn gì (Thi-thiên 34:7-9)
  • Chúa là sự cứu giúp và cái khiên của chúng ta (Thi-thiên  115:11)
  • Sự bảo vệ thiên thượng (2 Sử-ký 17:10)
  • Được đẹp lòng Chúa (Thi-thiên 147:10-11)
  • Được phước trong công việc và gia đình (Thi-thiên 128:1-4)
  • Chúa thương xót chúng ta như cha thương xót con cái mình (Thi-thiên 103:13)

Nhưng liệu chúng ta có kính sợ Chúa mà không vì bất kỳ lợi ích gì chăng?
Sa-tan hỏi Đức Chúa Trời trong chương đầu tiên của sách Gióp, “Lẽ nào Gióp kính sợ Đức Chúa Trời vô cớ sao?” Thử thách ở đây là để xem Gióp có được thúc đẩy bởi phần thưởng đến từ việc kính sợ Đức Chúa Trời, hay bởi tình yêu thương chân thành và vô điều kiện – chứ không vì bất kỳ lợi ích gì. Chúng ta có thể không bao giờ hiểu được tại sao cuộc sống lại diễn ra theo cách như vậy cho đến khi chúng ta được nhìn thấy Chúa mặt đối mặt trong vinh quang, và dù thế nào đi nữa thì Ngài vẫn xứng đáng với tình yêu và sự vâng phục của chúng ta
Vậy, hỡi Y-sơ-ra-ên, bây giờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đòi ngươi điều chi? há chẳng phải đòi ngươi kính sợ Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, đi theo các đạo Ngài, hết lòng hết ý kính mến và phục sự Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi. (Phục-truyền 10:12)
Lời khuyên này từ sách Phục-truyền cũng tương tự như trong Mi-chê:
Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao? (Mi-chê 6:8)
Xung quanh chúng ta, đức tin đang dần trở nên hiếm hoi vì người ta mong đợi Đức Chúa Trời cư xử theo cách mà họ nghĩ là Ngài nên làm. Những câu Kinh Thánh này làm rõ rằng công lý, tình yêu thương và lòng thương xót đều nằm trong kế hoạch của Đức Chúa Trời – chúng là một phần trong tính cách bất biến của Ngài – và chúng ta không được để bị lừa bởi những lời nói ra nói vào của người khác. Có rất nhiều điều trong Kinh Thánh khiến bạn phải chớp mắt kinh ngạc, nhưng kế hoạch của Đức Chúa Trời là trọn vẹn và công lý của Ngài thì không chê vào đâu được. Sự kính sợ Đức Chúa Trời công nhận quyền của Đức Chúa Trời trên ngôi phán xét và tin tưởng vào quyết định của Ngài như sự tin tưởng của trẻ thơ. Ngài biết Ngài đang làm gì. Nếu đức tin của bạn được xây dựng trên loại nền tảng đó, bạn sẽ không dễ dàng bị lung lay.
Biên tập: Eunice Tu
Nguồn: oneforisrael.org

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *