Nhà báo Hàn Ni đề nghị Đoàn luật sư TP.HCM không tiếp nhận đơn khiếu nại của bà Nguyễn Phương Hằng
Theo nhà báo Hàn Ni, các sự việc liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng là hoạt động dân sự, không liên quan đến nghiệp vụ luật sư. Nên nhà báo Hàn Ni yêu cầu Đoàn luật sư TP.HCM không tiếp nhận đơn khiếu nại này.
Chiều 13/11, trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni (sinh 1977, công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng) cho biết, vừa làm việc với Đoàn luật sư TP.HCM về đơn khiếu nại của bà Nguyễn Phương Hằng (sinh 1971 – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam). Bà Hằng khiếu nại về “tư cách hoạt động hành nghề luật sư” đối với nhà báo Hàn Ni.
Khiếu nại nhà báo hành nghề… luật sư
Trước đó, vào ngày 11/9, bà Nguyễn Phương Hằng gửi đơn khiếu nại lên Liên đoàn luật sư Việt Nam về “tư cách hoạt động hành nghề luật sư” của nhà báo Hàn Ni. Trong đơn, bà Phương Hằng cho rằng, “không biết lý do gì, nhà báo – luật sư Hàn Ni đã can thiệp vào việc bà Hằng đang làm, là lên án cái xấu, lên án các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số thần y, nghệ sĩ…” (?)
“Bằng công cụ trang Facebook, trang YouTube đăng tải hàng loạt bài viết, clip phân tích chuyên sâu về cá nhân tôi và Công ty cổ phần Đại Nam trong các hoạt động sản xuất, hoạt động thiện nguyện Quỹ từ thiện Hằng Hữu, nhà báo – luật sư Hàn Ni đã kêu gọi cộng đồng mạng, các đồng nghiệp nhà báo tấn công tôi và Công ty cổ phần Đại Nam” – bà Hằng viết trong đơn.
Theo bà Nguyễn Phương Hằng, hành vi của nhà báo – luật sư Hàn Ni có dấu hiệu “vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”.
Từ đó, bà Hằng yêu cầu Liên đoàn luật sư Việt Nam xác minh việc nhà báo Hàn Ni có đăng ký hành nghề tại Liên đoàn luật sư Việt Nam hay không. Việc Hàn Ni vừa là phóng viên công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng, vừa đăng ký hành nghề luật sư thì có đúng quy định pháp luật? Hàn Ni đang hành nghề luật sư nhưng “có lời lẽ kích động, cổ vũ khởi kiện tập thể trái phép, sử dụng báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật” – bà Hằng đã viết trong đơn như vậy.
Với những hành vi này, bà Nguyễn Phương Hằng đề nghị xem xét và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với nhà báo – luật sư Hàn Ni.
Nhà báo Hàn Ni nói gì về quy kết của bà Nguyễn Phương Hằng?
Nhà báo Hàn Ni cho biết, tại buổi làm việc với Đoàn luật sư TP.HCM vào ngày 13/11, Hàn Ni đã yêu cầu đơn vị này không tiếp nhận đơn khiếu nại của bà Nguyễn Phương Hằng. Vì nhà báo Hàn Ni cho rằng, đây là hoạt động dân sự giữa Hàn Ni và bà Phương Hằng, không liên quan đến nghiệp vụ luật sư, để Đoàn luật sư TP.HCM phải can thiệp.
Nhà báo Hàn Ni nói: “Tôi không có bất kỳ giao dịch nào với bà Hằng, trong tư cách là người hành nghề luật sư mà tôi đang hoạt động (với tư cách là một công dân). Như vậy, đây chỉ là câu chuyện dân sự và tôi không có bất cứ hợp đồng dịch vụ pháp lý nào liên quan đến bà Hằng. Ngoài ra, khiếu nại khác với tố cáo. Khiếu nại là phải gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Hằng, nhưng những gì tôi nói không ảnh hưởng đến quyền lợi của bà ấy. Giả sử bà Hằng làm đơn tố giác thì được” – nhà báo Hàn Ni cho biết.
Nhà báo Hàn Ni cũng cho biết thêm, lý do lên tiếng về những sự việc liên quan đến bà Phương Hằng. Theo đó, vào ngày 3/9, bà Hằng phát sóng trực tiếp và vu khống Hàn Ni. Trong đó có thể kể đến việc bà Nguyễn Phương Hằng nói Hàn Ni tống tiền doanh nghiệp; sử dụng “thân tín” bảo vệ cho ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM); nói xấu một Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông; sử dụng hình ảnh của vợ chồng Hàn Ni và vu khống rằng Hàn Ni làm gái…
“Tất cả những thông tin này đều do bà Nguyễn Phương Hằng bịa đặt, vu khống, nói sai sự thật” – Hàn Ni khẳng định.
Ngoài ra, về yêu cầu trong đơn khiếu nại của bà Nguyễn Phương Hằng, nhà báo Hàn Ni cho biết, việc đảm đương hai chức danh vừa là phóng viên, vừa là luật sư của Hàn Ni không trái với quy định của pháp luật.
Theo đó, những ai là cán bộ, công chức, viên chức thì không được làm luật sư. Nhưng, nhà báo Hàn Ni là người lao động, làm việc cho báo Sài Gòn Giải Phóng bằng hình thức ký hợp đồng lao động, không thuộc diện viên chức, công chức; nên không thuộc đối tượng bị cấm hành nghề của luật sư. Đồng thời, cơ quan báo chí nơi Hàn Ni công tác đã có văn bản xác nhận gửi Đoàn luật sư TP.HCM về việc này từ lâu.
Về vấn đề vi phạm đạo đức nghề luật sư như bà Phương Hằng nêu, nhà báo Hàn Ni cho biết chỉ nói sự thật và hoàn toàn không cung cấp thông tin hoặc sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng để bịa đặt, xuyên tạc, công kích bất kỳ cá nhân nào.
Quy trình giải quyết có công bằng?
Một vấn đề khác mà nhà báo Hàn Ni quan tâm, là quy trình giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyễn Phương Hằng tại Đoàn luật sư TP.HCM.
Theo Hàn Ni, đơn khiếu nại của bà Nguyễn Phương Hằng được giao cho Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua – khen thưởng của Đoàn luật sư TP.HCM giải quyết. Trong khi đó, người này là cấp dưới của luật sư Hồ Nguyên Lễ – người bảo vệ quyền lợi cho bà Nguyễn Phương Hằng.
“Tôi và bà Phương Hằng là các bên đối kháng nhau. Trong khi đó, luật sư Hồ Nguyên Lễ – Chủ tịch Hội đồng thi đua – khen thưởng, cũng là luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Hằng. Nay bà Hằng khiếu nại tôi và ông Lễ phân công cho cấp dưới của mình giải quyết. Như vậy, liệu quy trình giải quyết có khách quan hay không?” – nhà báo Hàn Ni nói.
Phóng viên Dân Việt đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Trung – Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM – để trao đổi về quy trình giải quyết khiếu nại, cũng như vấn đề thiếu khách quan mà nhà báo Hàn Ni đề cập. Tuy nhiên, ông Trung từ chối trả lời.
Ông Trung cho biết, Hội đồng thi đua – khen thưởng, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM đang giải quyết sự việc, nên không cung cấp thông tin gì thêm trong việc này.