Share

Tại sao Trung Quốc quyết “không sống chung với COVID” dù gặp nhiều thách thức?

Làm chặt như Trung Quốc

Cuối tuần trước, một cặp vợ chồng già ở Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong lúc đang đi du lịch ở miền Bắc nước này. Sự việc làm dấy lên một cuộc chạy đua truy vết khắp nhiều tỉnh và khu vực, và trở thành ví dụ mới nhất về những thách thức mà Bắc Kinh phải đối diện khi duy trì chính sách “zero COVID”.

Trong vòng 3 ngày kể từ khi phát hiện cặp đôi dương tính ở tỉnh Tây An, hàng trăm người tiếp xúc gần cùng 5 bạn đồng hành của cặp đôi này – sau cũng dương tính với COVID-19 – đã được xác nhận. Trong vòng 72 giờ đồng hồ đó, nhiều thành phố phải thực hiện xét nghiệm diện rộng, nhiều điểm du lịch hút khách mà cặp đôi từng đi qua cũng phải đóng cửa để khử khuẩn.

Thông tin chi tiết về những chuyến bay nội địa mà cặp đôi từng đi, khách sạn mà họ từng ở, cả những nhà hàng vịt quay, tiệm mỳ mà họ từng ghé qua trên hành trình đều được giới truyền thông Trung Quốc đăng tải. Người dân còn được yêu cầu thông báo xem những nơi họ đến có trùng lặp với cặp đôi nọ hay không.

Tất cả đều là một phần trong chiến dịch khẩn cấp của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Nhưng việc áp dụng những biện pháp mạnh tay như vậy đã trở thành điều thường thấy trong những tháng gần đây, bởi các đợt bùng phát dịch và ca nhiễm lác đác – thường là do chủng Delta – cũng thường xuyên xuất hiện.

“Những đợt bùng phát ngày càng xảy ra nhiều hơn và bất ổn hơn” – Jin Dongyan, Giáo sư đến từ khoa Y trường ĐH Hong Kong, nói – “Vấn đề là liệu những đợt bùng phát nhỏ này có khả năng trở thành đợt bùng phát lớn hay không.”

Tính đến nay thì kiểu phản ứng “đồ sộ” của Trung Quốc dường như có tác dụng, khi cuối cùng đã ngăn chặn được dịch lây lan và trở lại con số “zero” ca nhiễm COVID-19 – đây cũng là mục tiêu cuối cùng của chính phủ Trung Quốc, trong khi họ đang phản đối việc áp dụng chính sách mà ngày càng nhiều quốc gia đang áp dụng: “Sống chung với COVID”.

Nhưng vụ việc về cặp vợ chồng già nhiễm COVID-19 mới nhất – mà đến nay vẫn chưa tra ra được nguồn lây – đã cho thấy việc ngăn chặn nhanh chóng các đợt bùng phát dịch khó khăn đến mức nào, tầm ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế khi mà mỗi lần có dịch, nhiều thành phố lại phải tổ chức xét nghiệm quy mô lớn. Trung Quốc cũng không gom các ca nhiễm không triệu chứng trong bản báo cáo số ca nhiễm hàng ngày, mặc dù vẫn ghi nhận chúng.

Trung Quốc không có dấu hiệu cho thấy họ đang thay đổi chính sách chống dịch trong ngắn hạn, nhưng nhiều chuyên gia nói rằng thách thức gắn liền với chính sách “zero COVID” là rất lớn: Những chuyến bay từ những nơi có diễn biến dịch nghiêm trọng tiếp tục đến Trung Quốc mặc dù đã được kiểm soát chặt, đường biên giới trên đất liền dài cũng khiến nước này gặp nhiều rủi ro, đó là còn chưa kể các biến chủng mới, sự bảo vệ giảm dần của vaccine và cả những ca nhiễm bị lọt…

“May mắn là tính đến nay họ vẫn giữ nó trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ thì vẫn luôn còn đó” – ông Jin nói.

https://viettimes.vn/tai-sao-trung-quoc-quyet-khong-song-chung-voi-covid-du-gap-nhieu-thach-thuc-post151500.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *