Share

Hàng nghìn người Haiti rời Colombia đến Hoa Kỳ

Tại thị trấn bãi biển Necocli của Colombia, hàng nghìn người di cư Haiti sống trong một phố lều tạm bợ trong lúc chờ băng qua Vịnh Uraba vào Panama thông qua Darien Gap. Trong bối cảnh Necocli luôn là điểm dừng chân trên các tuyến đường caravan đến Hoa Kỳ, số lượng người di cư đã tăng đột biến kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng Một.

Các ước tính của địa phương cho thấy có khoảng 20,000 người di cư sống trong khu trại này.

Việc vượt qua Panama là một bước nhỏ trong hành trình dài mà, đối với đa số người, khởi hành từ Brazil hoặc Chile, với mục tiêu cuối cùng là vượt biên vào Hoa Kỳ.

Anh Ysmay Cherimont, 27 tuổi, một người di cư Haiti đã sống trong khu trại lều này được một tháng, nói với The Epoch Times về kế hoạch của mình: “Tôi sống ở Valparaiso [Chile] bốn năm trước khi đến Colombia. Thật không tốt khi sống ở đó. Quá khó khăn và quá đắt đỏ. Tôi muốn sống ở Hoa Kỳ”.

Anh giải thích rằng cũng như nhiều người khác, ban đầu anh di cư đến Chile vì có các chính sách nhập cư dễ dàng được áp dụng ở đó trước năm 2018. Một cuộc di cư ồ ạt của người Haiti rời khỏi đất nước đã diễn ra sau trận động đất 7.0 độ vào năm 2010 đã tàn phá cơ sở hạ tầng của quốc gia này rồi Cơn bão Matthew vào năm 2016 còn khiến tình huống phức tạp thêm.

Tổng thống Chile Sebastián Piñera đã khởi xướng các cải cách nhập cư khắt khe hơn vào năm 2018 đã khiến người di cư khó nhập cảnh hơn. Theo anh Cherimont, vì số lượng người nhập cư nộp đơn xin sinh sống và làm việc ở Chile, nên có thể mất đến vài tháng để được cấp thị thực tạm thời để làm việc tại đó.

Khi được hỏi làm cách nào để mua sắm phương tiện cho hành trình đến Hoa Kỳ, anh Cherimont cho hay: “Gia đình tôi gửi một ít tiền và tôi cũng làm việc”, anh vừa nói vừa chỉ vào một chiếc bàn nhỏ bày bán các mặt hàng, gồm những thứ như bình xịt bọ, áo mưa, băng keo trong để đóng gói, và đèn pha. Anh Cherimont cũng tâm sự rằng nếu vượt biên được tới Hoa Kỳ, anh muốn sống ở Boston.

“Tôi muốn học đại học tại đó và tôi cũng thích [các đội] thể thao của Mỹ ở đó”.

Anh Cherimont cũng nói rõ là có gia đình sống ở Boston và Miami.

Báo cáo cho thấy có từ 60,000 đến 85,000 người Haiti hiện đang trên đường đến Hoa Kỳ khiến cho các thị trấn biên giới của Hoa Kỳ rơi vào tình trạng báo động cao. Tháng trước, thành phố biên giới Del Rio, Texas, đã quay cuồng với dòng chảy của gần 15,000 người Haiti đã cắm trại đông đảo dưới một cây cầu quốc tế, sau đó phần lớn trong số này (hơn 12,400 người) đã được thả vào Hoa Kỳ.

Trò chuyện với The Epoch Times, hàng chục người Haiti cũng cho biết đã rời Haiti nhiều năm trước và đã đến sống ở Chile hoặc Brazil. Ở phía Mexico của biên giới Hoa Kỳ, nơi những người nhập cư bất hợp pháp chuẩn bị vượt qua Rio Grande vào Hoa Kỳ, mỗi ngày có thể tìm thấy hàng đống thẻ căn cước và hộ chiếu bị vứt đi. Nhiều người đã được bảo rằng không có giấy tờ tùy thân sẽ khó bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ hơn.

Rời Colombia bằng mọi giá

Những người di cư muốn từ Necocli vượt qua Darien Gap và tiếp tục dọc theo tuyến caravan này đến biên giới Hoa Kỳ phải mua một trong hai loại vé thuyền.

Lựa chọn đầu tiên được vận hành bởi một dịch vụ phà chính thức thường đưa khách du lịch đến Capurgana, nằm ở lối vào của rừng rậm Darien và có giá 45 USD. Tuy nhiên, những người di cư được yêu cầu phải đợi ít nhất 30 ngày để được di chuyển do tình trạng khả dụng của tàu. Vé thứ hai có thể có giá tới 400 USD Mỹ, nhưng mang tới [cơ hội] hấp dẫn bằng chuyến đi nhanh hơn qua Vịnh Uraba. Một người di cư có thể rời đi ngay trong ngày hôm sau, nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng để di chuyển ngay lập tức trong đêm khuya — dịch vụ thuyền này do những kẻ buôn bán ma tuý Colombia vận hành.

Ông Jorge, 51 tuổi, yêu cầu không công bố tên đầy đủ của mình vì e ngại bị trả thù, là một người nhập cư Venezuela, đang làm việc như kiểu một người giữ hòa bình trong khu trại di trú này.

“Chúng tôi không có kẻ trộm trong trại này. Không có hiếp dâm, không có tội phạm. Nếu ai đó phạm tội”, ông nói với The Epoch Times, rồi chững lại và đưa cây dao rựa lên để nhấn mạnh, “họ sẽ bị trừng phạt”.

Nói đến việc vào Panama bất hợp pháp thì ông Jorge là một chuyên gia và là người biết rõ về cách những kẻ buôn bán ma túy điều hành các chuyến tàu đêm này. Ông Jorge cho biết, đưa những người di cư đi bộ xuyên rừng Darien là một ngành kinh doanh tay trái đang phát triển nở rộ của những kẻ buôn người.

“Họ đến, đôi khi lúc 3 giờ sáng hoặc muộn hơn, và quý vị phải sẵn sàng lên đường. Ai cũng biết điều này. Nếu không thì quý vị phải chờ. Chuyện đó không thể lên lịch trước được [bởi vì cảnh sát]”.

Ông Jorge cho biết chiếc thuyền đêm đang hấp dẫn nhiều người vì chi phí trung bình từ 400 USD trở lên để sống ở Necocli trong một tháng. Tuy nhiên, vé thuyền đắt cũng có thể là một nguy hiểm. Ông giải thích rằng hôm 11/10, một trong những chiếc thuyền đi chui băng qua vịnh đã bị lật trong đêm, khiến 3 người di cư Haiti thiệt mạng và 20 người khác bị mắc kẹt. Những người sống sót đã được Hải quân Colombia giải cứu.

“Tất cả họ đều muốn đến Hoa Kỳ”, ông Jorge nói, cùng lúc khua tay chỉ về hướng vô số các túp lều đang đóng đô tại bãi biển này.

Anh Avis Joseph, 30 tuổi, một người Haiti di cư mới chỉ sống trong khu trại được một tuần, cho biết anh rất nóng lòng muốn rời đi.

“Tôi muốn đi [qua Darien Gap] càng sớm càng tốt”, anh Joseph nói với The Epoch Times. Anh cho biết có thể mất tới 15 ngày để đi qua được khu vực này, tùy thuộc vào số trẻ em và số người đi lại khó khăn trong đoàn lữ hành. Anh Joseph cho biết những “hướng dẫn viên” giúp người di cư vào Panama bất hợp pháp muốn giữ mọi người đi cùng nhau hơn.

Anh Joseph cho biết anh đã rời Haiti vài năm trước. Sau bốn tháng sống ở Chile, anh chuyển đến thành phố Manaus của Brazil, rồi anh đã sống ở đó trước khi đến Colombia. Khoảng một phần ba số người di cư sống ở Necocli đến từ Brazil, quốc gia có chính sách nhập cư nhân hậu đối với người Haiti. Dù vậy, di cư đến Hoa Kỳ vẫn là cơ hội rất đáng mơ ước đối với hầu hết những người di cư này, kể cả anh Joseph.

“Tôi muốn sống ở Orlando. Mẹ tôi đang sống tại đó, và bà có thể giúp tôi làm thủ tục giấy tờ [nhập cư]”, anh nói.

Trợ giúp Necocli đối phó với dòng người nhập cư

Vào tháng Tám, Hội Chữ Thập Đỏ Colombia (CRC) đã vào cuộc để tạo điều kiện hỗ trợ các nguồn lực căn bản cho trại di cư và giúp đỡ cơ sở hạ tầng đang gặp khó khăn của thị trấn này, chủ yếu là bằng nguồn cung cấp nước sinh hoạt hạn chế.

Ông Jorge Ignacio, điều phối viên trưởng của Hội Chữ Thập Đỏ Colombia tại Antioquia, nói với The Epoch Times: “Hệ thống nước sinh hoạt rất mong manh ngay cả trước khi những người di cư [đến], ở toàn bộ vùng Necocli”.


Ông Ignacio cho biết những người di cư không có vòi hoa sen và nhà vệ sinh, đồng thời không có hệ thống [giải quyết] chất thải hay hệ thống thoát nước của thành phố tại khu trại này, điều này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng. Những người di cư cải tạo nhà tiêu bằng cách đào các hố lộ thiên trên bãi biển và phủ bạt để cho kín đáo.

Về sau, các nhân viên của Hội Chữ Thập Đỏ đã điều trị cho những người di cư, nhiều người trong số đó là trẻ nhỏ, bị mắc các bệnh liên quan đến vệ sinh và các rối loạn về da. Ông Ignacio và nhóm của ông đã cung cấp nhiều tiện nghi khác nhau cho người di cư bao gồm cả các dịch vụ y tế cơ bản, mạng không dây, trạm sạc điện thoại, các lớp học giáo dục và, tư vấn tâm lý.

“Chúng tôi cũng trả tiền để đưa các xe chở nước vào để họ [người di cư] có nước sinh hoạt”, ông Ignacio nói, đồng thời chỉ vào một số bể chứa lớn, di động được đặt cách nhau trong trại.

Điều phối viên truyền thông cho nhóm của ông Ignacio, cô Carmen Quintero, đã điều trị cho nhiều phụ nữ và trẻ em bị bệnh đến lều dã chiến của tổ chức này hàng ngày.

“Tôi không cảm thấy an toàn khi làm việc ở đây”, cô nói với The Epoch Times. “Không có gì là an toàn về tình huống này cả”.

Cô cũng tâm sự rằng tổ chức Chữ Thập Đỏ cảm thấy quá tải, khi mô tả hàng dài người di cư chờ đợi dịch vụ của họ mỗi ngày mỗi khi cơ sở này mở cửa vào lúc 7:30 sáng.

Người dẫn đường dưới nhiều cái tên khác nhau

Ngồi trên bến thuyền gần trại di cư, ông Jorge giải thích việc những kẻ buôn ma túy Colombia không chỉ cung cấp dịch vụ phà qua vịnh mà còn hoạt động như những người dẫn đường ra sao.

“Họ đến đây [tới trại này] và hỏi xem có ai muốn vượt qua Darien không”, ông nói. Ông Jorge cho biết những người di cư phải trả tới 5,000 dollar Mỹ để thực hiện chuyến hành trình từ rừng Darien đến phía Mexico của biên giới Hoa Kỳ.

“Các hướng dẫn viên này phải chi trả cho mọi người dọc trên đường đi”, ông Jorge trả lời, khi được hỏi tại sao việc này lại quá đỗi đắt đỏ như vậy.

Những kẻ tổ chức di cư lậu, hay “người dẫn đường” như cách ông Jorge gọi họ, được biết đến ở nhiều vùng của Châu Mỹ Latinh là “những con sói đồng cỏ”. Ở Necocli, những con sói đồng cỏ này chỉ trực tiếp đi quảng bá dịch vụ của họ và họ phải kín đáo vì gần thị trấn này có lực lượng thủy quân dày đặc.

Trở lại trại, anh Cherimont tiếp tục bán các mặt hàng cho những người di cư khác được bày trên bàn của mình và cho biết anh dự định ở lại thêm một tháng nữa để gom góp thêm tiền trước khi vượt qua vùng Darien Gap này. Khi được hỏi tại sao anh lại muốn nhập cư vào Hoa Kỳ, anh cười và nói: “Đó là giấc mơ. Được sống trên đất Mỹ là một giấc mơ”.

https://etviet.com/hang-nghin-nguoi-haiti-roi-colombia-den-hoa-ky_246144.html

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *