Share

Biden kêu gọi Triều Tiên đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân; Triều Tiên hồi đáp bằng tên lửa đạn đạo

Tổng thống Joe Biden đã nói rõ rằng ông đang có một chiến lược khác với chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump khi nói đến Triều Tiên: Không có động thái lớn, mà muốn Bình Nhưỡng ngồi xuống bàn đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân, theo The Western Journal.

CNBC cho hay, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 5, ông Biden nói: “Nếu Triều Tiên đáp ứng cam kết, thì tôi sẽ gặp Kim. Và cam kết phải là cuộc thảo luận về kho vũ khí hạt nhân của ông ấy”.

Trong khi đó, vào tháng 8, đặc phái viên Hoa Kỳ về Triều Tiên Sung Kim nói với chính quyền của ông Kim rằng Hoa Kỳ sẵn sàng – và, thậm chí rất mong muốn – gặp gỡ Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa, theo hãng tin AP.

“Tôi tiếp tục sẵn sàng gặp gỡ người đồng cấp Triều Tiên ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào”, ông Sung Kim nói.

Bình Nhưỡng đã không lên lịch cho đề xuất của Hoa Kỳ. Trái lại, Nikkei Asia đưa tin ngày 20/10, Triều Tiên tuyên bố rằng, vào thứ Ba ngày 19/10, họ đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo SLBM phóng từ tàu ngầm, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự vào thời điểm Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang thảo luận cách gây áp lực buộc Bình Nhưỡng phải đối thoại.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết tên lửa mới có nhiều công nghệ tiên tiến, bao gồm chuyển động kéo – một cơ động bất thường được thiết kế để tránh bị đánh chặn. Đây là lần thứ hai Bình Nhưỡng thử nghiệm SLBM từ tàu ngầm, lần trước đó cách đây 5 năm.

KCNA cho biết, Viện Khoa học Quân sự đã báo cáo thành tích đáng tự hào và vinh dự của họ với Đảng rằng, họ đã thử nghiệm thành công một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới một lần nữa. Viện thông báo rằng, SLBM mới sẽ đóng góp vào tiến bộ công nghệ quân sự của đất nước cũng như hoạt động dưới biển của Hải quân của Triều Tiên.

Japan Times mô tả tên lửa của Triều Tiên được phóng với “tốc độ điên cuồng của các cuộc thử nghiệm vũ khí” và cảnh báo Bình Nhưỡng nên ngừng “các hành động gây bất ổn hơn nữa”.

Japan Times cũng cho biết đã có hai vụ phóng chứ không phải một – mặc dù cả hai đều rơi ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, bao gồm khu vực cách bờ biển 200 hải lý. “Tốc độ điên cuồng” này bao gồm cả vụ thử tên lửa siêu thanh vào tháng 9, theo Bloomberg. Đây là một trong ba hệ thống vũ khí mới mà nước này đã thử nghiệm. Các tên lửa siêu thanh là đáng lo ngại nhất, vì chúng có khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Sau vụ thử tên lửa phòng không vào tháng 9, ông Kim Jong-un nói rằng, đề xuất đối thoại hạt nhân của chính quyền Biden là một “thủ đoạn” và Hoa Kỳ là “mối nguy hiểm cơ bản” đối với thế giới.

Về cuộc thử nghiệm hôm thứ Ba ngày 19/10, điểm hạ cảnh của tên lửa xuống mặt biển đã gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn đến một đồng minh khác của Hoa Kỳ trong khu vực là Nhật Bản, nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quan trọng vào ngày 31/10.

Thủ tướng Fumio Kishida đã hủy bỏ các sự kiện vận động trong ngày và quay trở lại Tokyo để chỉ đạo cuộc thử nghiệm.

“Sự phát triển công nghệ tên lửa và hạt nhân đáng chú ý của Triều Tiên là điều mà chúng ta không thể bỏ qua”, ông nói với các phóng viên vào cuối ngày, theo Japan Times.

“Trong tình huống này, tôi đã đưa ra chỉ thị để sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia của đất nước Nhật Bản, bao gồm cả việc xem xét lựa chọn có được khả năng tấn công các căn cứ của đối phương”.

Vụ phóng diễn ra khi các quan chức cấp cao của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản gặp nhau tại Washington để thảo luận về cách đưa Triều Tiên đi vào bàn đàm phán phi hạt nhân hóa. Sung Kim, đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về Triều Tiên, sẽ tới Hàn Quốc vào cuối tuần để gặp các quan chức Seoul về vấn đề này.

Theo Japan Times, ông Sung Kim nhắc lại Hoa Kỳ “không có ý định thù địch” và đã “sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên về các vấn đề nhân đạo.

Ông Sung Kim nói, “Chúng tôi sẽ tìm cách ngoại giao với Bình Nhưỡng để đạt được những tiến bộ hữu hình nhằm tăng cường an ninh của Hoa Kỳ và các đồng minh. Điều này bao gồm việc xem xét khả năng tham gia với Triều Tiên để giảm căng thẳng”. 

Tuy nhiên, đây có thể là một bước đột phá khác trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên – và đó sẽ là đòn giáng mạnh vào chính sách của chính quyền Biden đối với Triều Tiên, đặc biệt là ngay sau cuộc rút quân thảm khốc ở Afghanistan.

Với việc phóng tên lửa đạn đạo ngày 19/10 và trước đó hồi tháng 9, Triều Tiên chắc hẳn sẽ không quay lại bàn đàm phán để đáp ứng lời kêu gọi của chính quyền Biden. Động thái này không phải là một dấu hiệu tốt.

Cho dù chính quyền Biden có thể không muốn can dự với Bình Nhưỡng như cách mà cựu Tổng thống Donald Trump đã làm, Bình Nhưỡng muốn tham gia vào thế giới theo cách họ đã từng làm – và điều đó ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

Một lần nữa, có vẻ như luận điệu cứng rắn của Biden đã và đang đi ngược lại thực tế.

https://www.ntdvn.com/the-gioi/biden-keu-goi-trieu-tien-dam-phan-ve-giai-tru-vu-khi-hat-nhan-trieu-tien-hoi-dap-bang-ten-lua-dan-dao-265004.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *