Share

Tổng thống Biden liên tưởng chính sách của Trung Quốc với vụ thảm sát người Do Thái

Trong một bài phát biểu hôm thứ Sáu (15/10), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tưởng chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh với nỗi kinh hoàng của thảm sát Holocaust xảy ra hơn bảy thập kỷ trước, theo tờ South China Morning Post đưa tin.

Holocaust là tên gọi của cuộc diệt chủng đối với 6 triệu người Do Thái ở châu Âu trong Thế chiến II do phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra. Đức Quốc xã gọi đây là “Giải pháp tối hậu cho vấn đề Do Thái”.

Liên tưởng tới sự kiện khủng khiếp này, Tổng thống Biden phát biểu: “Đáng buồn thay khi nhìn quanh thế giới ngày nay, chúng ta không thể nói rằng bóng ma của sự tàn bạo đã ở sau mãi mãi.”

“Chúng ta thấy được các kiểu mẫu như vậy vẫn nhan nhản khắp mọi nơi, diễn ra thậm chí ngay thời khắc mà chúng ta đang thảo luận đây – đó là sự đàn áp và sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương”, trích phát biểu của Tổng thống Biden tại Trung tâm Nhân quyền Dodd ở Đại học Connecticut.

Kể từ khi nhậm chức tổng thống, ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chính quyền của ông sẽ coi nhân quyền là trụ cột trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ – bao gồm cả trong quan hệ với Trung Quốc. 

Như một minh chứng hùng hồn, Washington thời gian qua đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức Trung Quốc, cáo buộc những người này dính líu tới việc “đàn áp” người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Riêng Bộ Ngoại giao Mỹ gọi đây là tội diệt chủng. 

Đáp lại các cáo buộc, chính quyền Trung Quốc khẳng định những “trại cải tạo” dành cho các nhóm dân tộc chỉ là các trung tâm đào tạo nghề. Chúng giúp người thiểu số hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống tốt hơn. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh đây là “chuyện nội bộ” của Trung Quốc và yêu cầu phương Tây ngừng can thiệp.

Cũng liên quan đến Khu tự trị Tân Cương, theo lời kể của một phóng viên AP News, Bắc Kinh hiện đã chuyển hướng chính sách, để biến Tân Cương thành “địa chỉ du lịch độc lạ”. Hàng rào thép gai chằng chịt xung quanh các tòa nhà trong thành phố đã biến mất, học sinh cũng thôi mặc đồng phục bán quân sự. 

Tuy nhiên, theo Sputnik News, không có lý do gì để tin rằng Trung Quốc đã chấm dứt đàn áp vũ lực đối với người Duy Ngô Nhĩ. Ngày 6/10 vừa qua, cuộc phỏng vấn với một thám tử Trung Quốc đào tẩu được công bố. Người này kể người Duy Ngô Nhĩ tiếp tục bị tra tấn trong các nhà tù, bị đánh đập, bị tra điện và lạm dụng. 

https://fbncvietnam.com/tong-thong-biden-lien-tuong-chinh-sach-cua-trung-quoc-voi-vu-tham-sat-nguoi-do-thai

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *