Xe tăng hạng nặng IS-3: Vũ khí “địa chính trị” của Liên Xô cuối Thế chiến 2
Được đưa vào trang bị vào tháng 3-1945, IS-3 là xe tăng hạng nặng mạnh nhất của Liên Xô thời bấy giờ, có ý nghĩa “địa chính trị” quan trọng trong bối cảnh kết thúc Thế chiến 2 và mở ra thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh.
Xe tăng mang tên Joseph Stalin
Xe tăng hạng nặng IS-3 (Joseph Stalin-3), vốn đặt theo tên của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, được đưa vào sản xuất một tháng trước khi Berlin thất thủ và không có đủ thời gian để trực tiếp tham gia vào cuộc chiến. Tuy vậy, các chuyên gia tin rằng, chính chiếc xe bọc thép này, ở một mức độ nhất định, đã góp phần kết thúc chiến tranh.
IS-3 là mẫu xe tăng hạng nặng của Liên Xô, được sản xuất từ năm 1943-1953. Phương tiện này được tạo ra trên cơ sở xe tăng IS-2, là phiên bản trực tiếp của xe tăng KV (Klim Voroshilov) trước chiến tranh (vốn được chế tạo tại nhà máy Kirov ở Leningrad). Nhà thiết kế chính là Joseph Kotin và Mikhail Balzhi.
Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945), nhà máy Kirov được sơ tán đến vùng Chelyabinsk. Những chiếc xe tăng IS-2 từng bị phá hủy trong chiến dịch Korsun-Shevchenko vào tháng 2-1944. Sau đó, các nhà thiết kế đã phát triển và chế tạo IS-3. So với IS-2, xe tăng mới có hỏa lực mạnh mẽ hơn và khả năng sống sót cao hơn.
Dòng xe tăng mới này nhanh chóng được giới thiệu cho lãnh đạo tối cao của Liên Xô tại Điện Kremlin. Nguyên soái J.Stalin đã đến kiểm tra và kết luận: “Với những chiếc xe tăng này, chúng ta sẽ sớm kết thúc chiến tranh. Đây là xe tăng của chiến thắng”.
Bọc thép hạng nặng
Trong Chiến tranh Vệ quốc, các phương tiện chiến đấu, theo quy định chung, được phát triển theo hướng dẫn của Ủy ban Quốc phòng Nhà nước (GKO) của Liên Xô. Mẫu xe tăng IS-3 ở Chelyabinsk bắt đầu được sản xuất trên cơ sở sáng kiến ban đầu như một dòng máy kéo, với tên mã “Kirovets-1”.
Khi phát triển IS-3, GKO đã được xem xét, nghiên cứu về thiệt hại chiến đấu của xe tăng Xô viết trong trận chiến vòng cung Kursk. Các ý kiến tập trung vào các thành phần phía trước của thân xe và tháp pháo. Do đó, ở IS-3, thiết kế của giáp mũi xe đã được cải tiến và làm mới, nhằm làm tăng đáng kể khả năng bảo vệ của giáp so với tăng IS-2.
Tháng 12-1944, thân xe và tháp pháo IS-3 đã vượt qua đợt thử nghiệm khi bị bắn bằng đạn xuyên giáp từ pháo tự hành Hornisse của Đức Quốc xã và ISU-122 của Liên Xô từ khoảng cách 600-800m. Kết quả pháo kích vào thân xe IS-3 cho thấy lợi thế rõ ràng về khả năng sống sót của xe tăng mới so với dòng IS-2. Và mô hình hiện đại hóa của xe tăng “Joseph Stalin-3” nhanh chóng được áp dụng.
Về đặc tính hoạt động của IS-3, xe có trọng lượng chiến đấu 45,8 tấn, chiều dài 9,85m, chiều rộng 3,2m, chiều cao 2,44m. Xe được trang bị pháo 122mm D-25T, súng máy 12,7mm DShK và súng máy DTM 7,62mm. IS-3 có tốc độ 40km/giờ, có khả năng cơ động hơn 190km. Kíp lái gồm 4 người.
Mẫu xe tăng IS-3 được đưa vào chế tạo mà không làm giảm khả năng sản xuất các sản phẩm xe tăng chủ lực khác của Liên Xô lúc bấy giờ. Cuối tháng 10-1944, nguyên mẫu đầu tiên của xe tăng IS-3 mới đã được xuất xưởng. Từ tháng 2 đến tháng 3-1945, có hàng chục xe tăng IS-3 đã được chế tạo và đưa vào mặt trận.
Vũ khí địa chính trị của Liên Xô
Mặc dù, xe tăng IS-3 chưa tham gia đánh trận trong Thế chiến 2, nhưng nó đóng vai trò địa chính trị quan trọng và khẳng định vị thế của Liên Xô. Ngoài tham gia cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ vào ngày 24-6-1945, IS-3 còn tham gia vào cuộc diễu binh chiến thắng của Lực lượng Đồng minh, diễn ra vào ngày 7-9-1945 tại Berlin.
Theo kế hoạch, cuộc duyệt binh sẽ do quân đội Liên Xô dẫn đầu, tiếp theo sau là quân đội Pháp, Anh và Mỹ. Và theo trình tự, các xe bọc thép cũng được xếp vị trí tương ứng. Nhưng J.Stalin cho rằng, đội hình xe tăng của Liên Xô nên xuất hiện vào cuối cuộc duyệt binh. Đồng thời, sẽ giữ bí mật đến phút cuối cùng về sự tham gia của xe tăng hạng nặng IS-3 tại lễ duyệt binh này.
Tại buổi lễ, trên bục danh dự có đại diện Tổng tư lệnh các lực lượng quân Đồng minh: Phó tư lệnh Lực lượng Quân đội Anh, Tướng Brian Robertson; Tư lệnh Nhóm lực lượng Liên Xô tại Đức, Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov; Tư lệnh Tập đoàn quân 3 Hoa Kỳ, Tướng George Patton và Chỉ huy lực lượng quân đội Pháp tại Đức, Tướng Marie-Pierre Koenig. Mỗi người trong số họ đã có bài phát biểu trang trọng. Sau đó, cuộc diễu binh do Tướng Eric Nares của quân đội Anh và Nguyên soái G.K. Zhukov của quân đội Liên Xô chỉ huy.
Dẫn đầu lực lượng diễu binh là trung đoàn hợp nhất của Liên Xô, thuộc Sư đoàn bộ binh 248 tiến công vào Berlin, do Trung tá Georgy Lenev chỉ huy. Theo sau là các đơn vị của trung đoàn hỗn hợp Pháp thuộc Sư đoàn bộ binh số 2. Tiếp đến là trung đoàn hỗn hợp, thuộc Lữ đoàn bộ binh 131 của quân đội Anh. Và cuối cùng là trung đoàn phối hợp của Sư đoàn 82 Nhảy dù Hoa Kỳ.
Về phương tiện chiến đấu, cuộc diễu binh được mở đầu bằng 24 xe tăng và 30 xe bọc thép của Sư đoàn thiết giáp số 7 của Anh. Tiếp theo là quân đội Pháp, với 6 xe tăng hạng trung, 24 xe bọc thép chở quân và 24 xe bọc thép của Trung đoàn 3 Jaeger và Sư đoàn 1 thiết giáp. Phía sau là quân đội Hoa Kỳ, với 32 xe tăng và 16 xe bọc thép từ Tập đoàn Kỵ binh cơ giới số 16.
Cuộc duyệt binh được hoàn thành với 52 xe tăng hạng nặng IS-3 từ Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 2 của Liên Xô. Chỉ huy là Tư lệnh Lữ đoàn xe tăng cận vệ 49, Anh hùng Liên Xô, Thiếu tướng Tikhon Abramov.
Đây được xem là cuộc biểu dương lực lượng quan trọng, có ý nghĩa “địa chính trị” đặc biệt, vì Liên Xô đã gây bất ngờ cho các đồng minh của mình. Lực lượng 52 xe tăng IS-3 tham gia chiến dịch Berlin đặc biệt này được nhà lãnh đạo Stalin gọi là “đội quân xe tăng tốt nhất thế giới”.
Trong chiến dịch này, 52 xe tăng IS-3 nhanh chóng được chuyển đến Berlin, và là lần đầu tiên chúng xuất hiện trước công chúng. Những chiếc xe tăng mới của Liên Xô đã gây bất ngờ hoàn toàn cho công chúng có mặt tại cuộc duyệt binh ở Berlin. Sự xuất hiện mạnh mẽ của xe tăng IS-3 cho thấy rõ sức mạnh của ngành công nghiệp quân sự Liên Xô và sức mạnh của Lực lượng vũ trang Liên Xô. Và tốt nhất là không nên đối mặt với họ trên chiến trường.
Vào thời điểm đó, không quốc gia nào sở hữu những chiếc xe bọc thép uy lực như vậy. Cuộc duyệt binh hầu như không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông phương Tây, nhưng nó đã được thảo luận rộng rãi trong giới quân sự.
Mặc dù có rất nhiều ưu điểm kỹ thuật, IS-3 cũng có một số điểm hạn chế, do được thiết kế và chế tạo “quá nhanh” trong giai đoạn chiến tranh. Giữa năm 1946, các xe tăng IS-3 bắt đầu ngừng sản xuất hàng loạt. Tổng cộng có hơn 2.300 xe tăng hạng nặng này đã được chế tạo, sau đó nó đã được hiện đại hóa và hoạt động dưới tên gọi IS-3M cho đến những năm 1990. Ngoài ra, có hơn 200 chiếc IS-3 đã được Trung Quốc mua sử dụng và hơn 100 chiếc xe tăng loại này đã được chuyển giao cho Ai Cập.
Lần đầu tiên IS-3 tham chiến vào tháng 6-1967 trên bán đảo Sinai. “Xe tăng địa chính trị của Liên Xô” cũng từng phục vụ trong quân đội Triều Tiên, Iraq, Syria và các quốc gia khác. Ở nước Nga hiện đại, IS-3 chỉ còn xuất hiện trong các viện bảo tàng, và trở thành một biểu tượng lịch sử của lực lượng xe tăng Nga-Xô.