Hướng đi nào cho chiến lược hạt nhân của Mỹ thời Tổng thống Biden?
Theo tác giả Francesca Giovannini, một chiến lược hạt nhân theo chủ nghĩa thực tế phòng thủ sẽ là cách tốt nhất để kết hợp các chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống Joe Biden.
Tờ National Interest cho biết hồi tháng 9 đã tổ chức một hội thảo về chính sách hạt nhân và kiểm soát vũ khí dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Rất nhiều học giả được đặt câu hỏi: “Liệu ông Biden có tận dụng cơ hội năm nay khi Mỹ công bố chiến lược hạt nhân, hay còn gọi là Báo cáo Đánh giá vị thế hạt nhân (NPR), để xác định lại vai trò của vũ khí hạt nhân trong hoạch định an ninh Mỹ hay không? Chính sách Mỹ nên thay đổi thế nào để đối phó với nguy cơ phổ biến hạt nhân mà nước Mỹ đang phải đối mặt?”. Và bài viết dưới đây là trả lời của Francesca Giovannini* – một trong số các học giả.
NPR năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chính quyền của tổng thống Mỹ thứ 46.
Các đồng minh và đối thủ của Mỹ đang chờ đợi Washington công bố NPR với trạng thái xen lẫn giữa giữa dè chừng, mâu thuẫn và hoài nghi.
Đối với một số nước, NPR sẽ không đi xa đến mức đem lại nhiều bảo đảm về an ninh. Nhưng có nước lại cho rằng NPR mang nhiều tham vọng lớn hoặc sẽ củng cố những thành kiến cùng nỗi sợ hãi sâu sắc về chủ nghĩa bá quyền của Mỹ và sự trở lại không thể tránh khỏi của tâm lý nghi kỵ thời Chiến tranh Lạnh.
Để điều hoà những kỳ vọng của các bên liên quan, chính quyền Tổng thống Joe Biden nên hướng tới việc đưa ra một Bản báo cáo đánh giá dựa trên phân tích rõ ràng nhưng phải hài hòa giữa giọng điệu và vị thế.
NPR nên hướng theo cái mà các nhà lý thuyết quan hệ quốc tế gọi là “chủ nghĩa hiện thực phòng thủ”.
Cùng với việc mô tả một cách sinh động và không do dự về một thế giới đang lâm vào khủng hoảng, NPR nên đưa ra lập luận rằng, việc quay trở lại vị thế răn đe hạt nhân cổ điển là chiến lược hiệu quả nhất đối với Mỹ.
NPR của ông Biden nên gồm những gì?
Tác giả Francesca Giovannini cho rằng NPR mới nên bao gồm 4 nội dung như sau – để tạo ra sự an toàn và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Trước tiên, NPR cần xác định vai trò cụ thể trong giới hạn nào đó của răn đe hạt nhân.
NPR dưới thời chính quyền Tổng thống Trump đã mở rộng đáng kể khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để răn đe hoặc để trả đũa “các cuộc tấn công chiến lược phi hạt nhân quan trọng” và các cuộc tấn công vào “dân thường hoặc cơ sở hạ tầng”.
Ngược lại, Tổng thống Biden đã nhiều lần phát tín hiệu ý định thu hẹp phạm vi vũ khí hạt nhân trong thế trận phòng thủ rộng lớn hơn của Mỹ. Năm 2019, ông Biden tuyên bố rằng “mục đích duy nhất của kho vũ khí hạt nhân Mỹ là để răn đe – và nếu cần, trả đũa – một cuộc tấn công hạt nhân”.
Vai trò cụ thể, được xác định rõ ràng của vũ khí hạt nhân cần phải là phần đầu tiên và là trọng tâm trong tài liệu NPR.
Ngoài ra, vị thế hạt nhân của Mỹ trong thế kỷ XXI nên được dẫn dắt bằng sự kiềm chế, thận trọng và có tính toán kỹ vì hai lý do.
Thứ nhất, kinh nghiệm của chính quyền tổng thống Trump cho thấy rõ việc phụ thuộc nhiều hơn vào vũ khí hạt nhân đã không biến thành lợi thế địa chiến lược lớn hơn. Ở cả Đông Á và lục địa Âu-Á, các nỗ lực kinh tế và ngoại giao vững chắc cùng với việc đầu tư vào các vũ khí phi hạt nhân chiến lược có thể là một cách tiếp cận nhiều hứa hẹn hơn để ngăn chặn việc sử dụng sức mạnh hạt nhân.
Thứ hai, việc theo đuổi một vai trò lớn hơn của vũ khí hạt nhân sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư lớn vượt xa việc hiện đại hóa hạt nhân đơn giản. Tại một thời điểm nào đó, điều này có nghĩa là phải nối lại các hoạt động thử nghiệm các loại đầu đạn hạt nhân mới hoặc khôi phục hoạt động của cơ sở hạ tầng hạt nhân rộng lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực và ngân sách đầu tư vào công nghệ quân sự mới vốn linh hoạt và đa năng hơn.
Tiếp theo, cần dừng việc theo đuổi các vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp.
NPR năm 2018 phản ánh mối lo ngại của chính quyền Tổng thống Trump rằng các đối thủ của Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân với sức công phá thấp để tấn công các mục tiêu, nhanh chóng làm giảm leo thang cuộc khủng hoảng và hạn chế thiệt hại kéo. Đó là lý do dẫn tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân công năng thấp để chống lại nhận thức sai lầm rằng khả năng răn đe tại khu vực của Mỹ có “lỗ hổng” có thể khai thác được.
Vào thời điểm đó, đề xuất về đầu đạn W76-2 làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt giữa các chuyên gia hạt nhân. Những nghi ngờ về lợi ích thực tế của vũ khí hạt nhân sức công phá thấp so với những vũ khí thông thường đã dẫn tới lo ngại về khả năng tính toán sai lầm cũng như nguy cơ hạ thấp ngưỡng cho phép sử dụng hạt nhân.
Các cuộc tranh luận tương tự cũng tái diễn vào thời điểm hiện tại, nếu chính quyền ông Biden chọn tiếp tục xác định vị thế hạt nhân giống như người tiền nhiệm.
Tệ hơn nữa, những hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra trong nội bộ đảng Dân chủ ủng hộ Tổng thống Biden. Một động thái hướng tới việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân hiện tại sẽ được xem là không phù hợp với nhu cầu của nước Mỹ.
Động thái này cũng sẽ bị cho là đi ngược lại hoàn toàn đối với chương trình nghị sự mà ông Biden hướng tới, đó là chứng minh hiệu quả của nền dân chủ qua việc duy trì lợi thế công nghệ và sáng tạo của Washington và đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như các chương trình phúc lợi
Thứ ba, NPR cần bao gồm việc thúc đẩy các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí có thể kiểm chứng.
NPR năm 2018 cho thấy việc kiểm soát vũ khí là một quá trình đáng thất vọng và đi ngược lại lợi ích của Mỹ.
Lời kêu gọi của NPR 2018 về các thỏa thuận kiểm soát vũ khí “có thể kiểm chứng và có thể thực thi” đã bị coi là một cản trở đối với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí trong tương lai.
Vì vậy, chính quyền Tổng thống Joe Biden nên nhấn mạnh vào khả năng kiểm chứng, nhưng coi nó như một công cụ mạnh mẽ để xây dựng lòng tin. Đơn cử như sáng kiến ba bên nhằm tăng cường việc kiểm chứng tại các bãi thử hạt nhân ở Nevada, Novaya Zemlya (Nga) và Lop Nur (Trung Quốc). Sáng kiến này sẽ khuyến khích sự hợp tác giữa các nhà khoa học và mở ra những hướng đi mới cho hợp tác kiểm soát vũ khí trong tương lai.
Cuối cùng, việc điều chỉnh vị thế hạt nhân của nước Mỹ phải phù hợp với các ưu tiên về kinh tế-xã hội của tổng thống Joe Biden.
Ông Joe Biden lên nắm quyền với thông điệp làm cho chính sách đối ngoại phù hợp với tầng lớp trung lưu.
Mặc dù thông điệp đáng khen ngợi, việc thực hiện một chính sách như vậy đòi hỏi sự trung thực, minh bạch và những đánh đổi chính trị. Hiện chi phí ước tính cho quá trình hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ là gần 1,2 nghìn tỷ USD và nước Mỹ không hề có kế hoạch trang trải các chi phí đó.
Để có thể trở thành tài liệu đáng tin cậy, NPR của chính quyền Biden cần phải đưa ra những ý tưởng để trang trải các chi phí này, ít nhất là trong điều kiện bình thường.
Tổng thống Biden có thể xem xét liệu quan hệ đối tác công-tư có giúp Washington đạt được các mục tiêu hiện đại hóa của mình hay không. Một cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ tạo thêm cơ sở tin tưởng cho một kế hoạch đang được xem là “chỉ có trong chuyện cổ tích”.
Kiềm chế không có nghĩa là suy yếu
Có ít nhất ba lý do giải thích tại sao cách tiếp cận theo chủ nghĩa hiện thực phòng thủ sẽ là hiệu quả nhất đối với chính quyền Mỹ hiện nay.
Đầu tiên, Tổng thống Joe Biden phải hòa giải những chia rẽ sâu sắc về ý thức hệ trong Đảng Dân chủ nếu ông muốn chương trình nghị sự trong nước của mình được thông qua. Dưới thời chính quyền mới, những cân nhắc về kinh tế và xã hội trong nước thúc đẩy các quyết định chính sách đối ngoại. Do đó, một NPR “diều hâu” đi ngược lại với chương trình nghị sự “Tái thiết Trở lại Tốt hơn” (3B) chắc chắn sẽ không có lợi cho chính quyền ông Biden.
Thứ hai, Mỹ sẽ được hưởng lợi từ việc giảm leo thang căng thẳng và giảm thiểu rủi ro. Ngày nay, chương trình nghị sự hạt nhân là một trò chơi nhiều người tham gia, nơi mà sự phụ thuộc lẫn nhau và sự tương tác chiến lược làm phức tạp thêm các nhận thức và tính toán.
Lo ngại giữa các đồng minh của Mỹ rằng họ sẽ bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu Nga – Trung Quốc đang gia tăng.
Trong khi ra chỉ dấu về một cam kết tối đa đối với an ninh của các đồng minh, Mỹ cần đồng thời răn đe và xoa dịu các đối thủ. Một vị thế hạt nhân kiềm chế hơn sẽ cho phép Mỹ chuyển trạng thái cạnh tranh với Trung Quốc sang những tình huống có lợi hơn, bao gồm cả lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Cuối cùng, với vị thế hạt nhân kiềm chế, Mỹ sẽ danh chính ngôn thuận đòi lại quyền lãnh đạo đối với các chính phủ dân chủ trên toàn thế giới trong việc theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Trong thời đại đầy bất ổn này, Mỹ chỉ có một cơ hội duy nhất để định hình cách thức cạnh tranh toàn cầu trong tương lai. Vì vậy, bằng cách lựa chọn kiềm chế vị thế hạt nhân, Mỹ sẽ có thể đặt ra các điều kiện để trở lại một hệ thống quốc tế có trật tự hơn, khi cạnh tranh tồn tại trong ranh giới của luật pháp quốc tế và các giá trị nhân đạo.
https://vietbao.vn/huong-di-nao-cho-chien-luoc-hat-nhan-cua-my-thoi-tong-thong-biden-279181.html