Hé lộ “thuật ẩn thân” của tàu ngầm Trung Quốc, lợi hại như thế nào?
Trong tuần trước, cả thế giới được dịp chấn động với những màn phô diễn không lực của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), từ cuộc dàn quân kỷ lục trên vùng trời Đài Loan, cho đến cả buổi triển lãm khí tài hàng không hoành tráng Airshow China 2021 vào những ngày cuối tháng 9 tại thành phố Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông. Hàng loạt máy bay hiện đại có trong biên chế không quân Trung Quốc như máy bay tiêm kích tàng hình J-20, máy bay gây nhiễu radar thế hệ mới J-16D, máy bay vận tải Y-20, máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay không người lái WZ-7… cũng đều có cơ hội khoe mình trước công chúng thế giới. Thế nhưng, đó chỉ là một phần trong cuộc chạy đua khí tài. Còn có cuộc so găng trên biển cả, cũng là một “đấu trường” mà Trung Quốc dành rất nhiều tâm huyết.
Theo báo cáo mới công bố gần đây, cũng như theo các nhà phân tích quân sự, Trung Quốc không chỉ sửa đổi và nâng cấp các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) để tăng khả năng tàng hình và giảm tiếng ồn, mà còn nâng cấp “thuật ẩn thân” để che giấu số hiệu của tàu ngầm. Đồng tác giả báo cáo là Eric Genevelle, tác giả Bách khoa toàn thư về tàu ngầm của Pháp và Richard W. Stirn, một cựu kỹ thuật viên tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ.
Điều có khả năng khiến cho Hoa Kỳ lo ngại là hiện tại Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phát triển hai loại SSBN, đó là Type 092 và Type 094, với phiên bản nâng cấp sau này được cho là có thể bắn tên lửa đạn đạo với tầm bắn hơn 10.000 km, có khả năng tấn công vào đất liền Hoa Kỳ.
Một báo cáo và các nhà phân tích cho biết việc thiết kế lại sẽ làm cho tàu ngầm hoạt động yên tĩnh hơn và có thể ẩn số hiệu nhận dạng để gây nhầm lẫn cho người quan sát.
Cụ thể hơn về cách mà một chiếc tàu ngầm Trung Quốc “ẩn thân”. Đó là Trung Quốc đã cố gắng tạo ra sự mơ hồ về số lượng tàu ngầm mà Trung Quốc đang sở hữu, cũng như có thiết kế thân tàu trùng lặp để gây ra sự nhầm lẫn. Nếu một điệp viên quan sát một chiếc tàu ngầm số hiệu “409” ở vùng biển này, họ sẽ không nghĩ rằng có một chiếc “409” khác lại đang tuần tra ở một vùng biển khác. Báo cáo cho biết Hải quân PLA hiện đang in mã “409” làm cờ hiệu trên bốn thân tàu SSBN Type 094 của họ. Ngoài ra, một số thân tàu hạt nhân của nước này đã bị dỡ bỏ kể từ khi chiếc đầu tiên hạ thủy vào năm 1970, nhưng Trung Quốc không công bố bao nhiêu chiếc đã được ngừng hoạt động cho đến nay.
Báo cáo cho biết thêm, “thuật ẩn thân” kiểu này cũng đang được nhiều quốc gia sử dụng. Bên cạnh đó, ngoài việc che giấu mã hiệu thân tàu, Trung Quốc thậm chí còn giả mạo ảnh để che giấu các chi tiết nhận dạng của họ, khiến các nhà quan sát khó đếm số lượng SSBN thực của Hải quân PLA.
Các thủ đoạn đánh lừa tương tự đã được ghi nhận từ thời Trung Quốc dùng SSBN Type 092 thế hệ cũ. Thời điểm đó, Bắc Kinh chính thức công bố chỉ có “một chiếc”, với số hiệu thân tàu là “406”. Tuy nhiên, ít nhất hai tàu ngầm Type 092 với các kích thước và thiết kế thân tàu khác nhau được phát hiện có chung số hiệu thân tàu “406”.
Theo South China Morning Post, một người trong quân đội cho biết Trung Quốc từng sở hữu tới 4 chiếc Type 092, có số hiệu thân tàu là “406”.
Tuy nhiên theo Lu Li-Shih, cựu giảng viên Học viện Hải quân ở Cao Hùng ở Đài Loan cho biết việc sử dụng số hiệu thân tàu giả hoặc thậm chí che giấu số hiệu này chỉ nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho kẻ thù, nhưng chiêu thức này sẽ trở nên vô nghĩa trong các trận hải chiến, vì thân tàu sẽ biến mất khi tàu lặn xuống vùng nước sâu.
https://fbncvietnam.com/he-lo-thuat-an-than-cua-tau-ngam-trung-quoc-loi-hai-nhu-the-nao