Share

Triệu dân Mỹ xuống đường để phản đối tính áp đặt đang xuất hiện tại Hoa Kỳ

Từ việc tẩy chay trên mạng xã hội cho đến các quy định bắt buộc chích vaccine trên toàn quốc, một hệ thống tín dụng xã hội khắc nghiệt và đầy tính áp đặt đang xuất hiện ở Hoa Kỳ.

Như tôi từng nêu trong bài viết trước, dưới danh nghĩa “bảo đảm an toàn y tế” trước virus Trung Cộng, phương Tây đang trông ngày càng giống Trung Quốc hơn. Thông qua các chỉ thị chính trị hoặc lệnh của tòa án, chúng ta đang từ bỏ các quyền của mình nhân danh an toàn y tế.

Hãy nhớ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đạt được những năng lực về công nghệ – từ nhận dạng khuôn mặt đến camera, thiết bị ghi âm, thiết bị định vị GPS và các thiết bị khác — để tạo ra một hệ thống giám sát kỹ thuật số nhằm giám sát, theo dõi, nhận dạng, bắt giữ, giam giữ và loại bỏ những cá nhân có lẽ hoặc có thể gây ra mối đe dọa cho Đảng này. Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc đang ngày càng tân tiến và thâm nhập sâu rộng hơn trên khắp đất nước này.

Con đường dẫn đến đàn áp
Kết quả là, các công dân Trung Quốc đã trở thành những tù nhân thực sự trên chính đất nước của họ. Dưới con mắt theo dõi gắt gao và đầy thịnh nộ của nhà cầm quyền cộng sản này, người dân bị phong tỏa tài khoản ngân hàng, bị đóng băng thẻ tín dụng, bị sa thải – tất cả chỉ bởi vì một dòng tweet bất cẩn, một bài đăng thiếu thận trọng trên mạng xã hội, hoặc thậm chí chỉ bởi vì đã đọc được điều không nên [đọc] trên internet.

Nhưng hậu quả thậm chí còn xa hơn thế. Nhờ những tay chân của lực lượng cảnh sát, những người không đủ điểm tín dụng xã hội có thể bị bắt tại một sân ga hoặc thậm chí là tại một góc phố, bị tống lên một chiếc xe tải, và bị gửi đến một trại tù. Nghe giống như một bộ phim dở tệ, nhưng thật đáng buồn, đó hoàn toàn là một thực tế ở Trung Quốc.

Điều này đưa chúng ta đến với hệ thống tín dụng xã hội mới nổi của Mỹ, nơi mà tư tưởng sai lầm có thể khiến quý vị bị xóa sổ.

Hệ thống tín dụng xã hội: Mặt hàng xuất cảng lớn nhất của Trung Quốc
Với tư cách là người Mỹ, chúng ta đã khẳng khái lên án xã hội đầy rẫy áp bức của Trung Cộng. Ít nhất, một số người trong chúng ta đã thực sự làm vậy, và đó là điều đúng đắn.

Nhưng có người lại hoàn toàn không nghĩ thế. Thật ra, nhiều người Mỹ đã coi quan niệm cho rằng phải tẩy chay những đồng bào của mình, những người có tư tưởng đạo đức truyền thống, có lòng yêu nước và tư tưởng chính trị theo phái bảo tồn truyền thống là bình thường, công bằng và tốt đẹp.

Và đây chỉ là khởi đầu của hệ thống tín dụng xã hội dường như đang phát triển nhanh chóng tại Hoa Kỳ. Còn nhiều khía cạnh khác nữa về hệ thống này mà người ta không thể nhận ra, nhưng động lực thúc đẩy ở đây chính là đại dịch virus Trung Cộng và chiến dịch chích ngừa vốn được sinh ra từ đó. Có một số biểu hiện xảy ra cùng lúc đã gắn liền với chiến dịch đó.

Một là hệ tư tưởng “thức tỉnh” hay “văn hóa xóa sổ” hiện đang có mặt trên khắp các hãng thông tấn, giới học thuật và thậm chí cả trong các lĩnh vực công và tư trong nền kinh tế của chúng ta. Phong trào văn hóa phổ biến này không chấp nhận tranh luận hay bất đồng quan điểm, mà đòi hỏi sự đồng nhất về hệ tư tưởng trong mọi ngóc ngách xã hội. Giá trị truyền thống của người Mỹ về tự do trao đổi ý kiến đã bị nuốt chửng bởi vẻ đạo mạo của sự thức tỉnh này và bởi sự lên án về mặt đạo đức đối với phần còn lại trong chúng ta.

Chẳng hạn, các kênh truyền thông thiên tả dường như không còn để tâm đến việc đưa tin nữa, mà thay vào đó, họ hứng thú hơn với việc khiến người dân Mỹ bị chia rẽ. Để làm điều này, họ công khai bêu riếu những công dân không chích ngừa. Và tất nhiên, như đã đề cập trong bài viết trước đây của tôi, các đại công ty công nghệ truyền thông xã hội thường xuyên cản trở việc tự do biểu đạt ý kiến, đặc biệt là những ý kiến phản đối nghị trình chính trị và văn hóa thức tỉnh thông qua “các thẩm định viên.” Việc kiểm duyệt trắng trợn và gỡ bỏ các trang web ủng hộ các giá trị truyền thống hoặc các tư tưởng bảo vệ truyền thống cũng đã trở thành một điều thường thấy.

Nhưng đó không phải là tất cả – hoàn toàn không.

Thay vì ủng hộ suy nghĩ độc lập, các trường đại học đang sa thải các giáo sư sử dụng quyền hiến định của mình để không chích một loại vaccine đang thử nghiệm và có khả năng gây rủi ro. Họ cũng cấm hoặc phạt những sinh viên không chích ngừa.

Các thống đốc và thị trưởng đang ra quy định bắt buộc về bằng chứng chích ngừa và thậm chí về đeo khẩu trang đối với các doanh nghiệp trong khu vực pháp lý của họ. Và trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ngay cả những người làm việc ở bệnh viện—y tá và nhân viên bệnh viện, những người đã làm việc trong suốt thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch—cũng đang bị sa thải vì từ chối chích vaccine. Thậm chí các nhà chức trách liên bang cũng đang đề nghị cấm đi lại đối với những người không chích ngừa, điều mà đương nhiên là vi hiến.

Điều gì có thể giúp hình thành nên hoàn cảnh xã hội bao trùm và xuyên suốt như vậy để buộc chúng ta thuận theo và khiến hàng loạt những quyền hiến định của chúng ta bị bác bỏ? Đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi sao? Hay là một nỗ lực phối hợp nhằm biến nước Mỹ thành một xã hội biết vâng lời và bị áp bức, chẳng có quyền hay tự do?

Thực ra thì nó cũng chẳng khiến người ta bận tâm.

Chiêu bài ép buộc phục tùng chích vaccine
Ví dụ, đầu năm nay, quy định bắt buộc chích ngừa vaccine đã không phải là một chính sách chính thức của chính phủ liên bang. Cả Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia đồng thời là cố vấn y tế trưởng cho tổng thống, và chính phủ Tổng thống Biden đều nói với chúng ta rằng không có một chính sách nào như vậy đang được xem xét, khả thi hoặc thậm chí là hợp pháp.

Vậy mà hiện nay, nó đang diễn ra. Quy định bắt buộc chích ngừa do Tòa Bạch Ốc đưa ra đang lệnh cho các chủ doanh nghiệp tư nhân có từ 100 nhân viên trở lên phải yêu cầu tất cả nhân viên chích vaccine ngừa virus Trung Cộng, hoặc đối mặt với khả năng bị sa thải. Nói tóm lại, chính phủ liên bang đang yêu cầu khu vực tư nhân thực thi một chính sách vi hiến mà chính phủ không có thẩm quyền hợp pháp để thực thi.

Trong tương lai không xa, giấy thông hành vaccine có khả năng sẽ là bắt buộc.

Kết cục là những quyền bất khả xâm phạm được liệt kê trong Hiến pháp Hoa Kỳ đã bị coi nhẹ và bị định nghĩa lại như là những đặc quyền có thể tước bỏ đi, và phần lớn chúng đương nhiên đang bị loại bỏ trên diện rộng. Mặc dù những vaccine thử nghiệm đó đã được chứng minh là kém an toàn và kém hiệu quả hơn so với hứa hẹn, chúng đã mang lại vỏ bọc về mặt chính trị và đạo đức để tước đoạt các quyền của chúng ta.

Còn ai quan tâm đến việc bàn luận rằng liệu các quyền riêng tư, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tiến hành các hoạt động kinh doanh hợp pháp và kiếm sống của chúng ta là vẫn còn vững chắc và nguyên vẹn?

Liệu còn có ai tin rằng những quyền đó sẽ được khôi phục bởi chính những thế lực chính trị và xã hội vốn đang tước đoạt chúng đi không?

Bi kịch trớ trêu là ĐCSTQ đã tạo ra hệ thống tín dụng xã hội của mình dựa trên công nghệ giám sát được mua hoặc ăn cắp từ Hoa Kỳ và tiếp thị với các chế độ độc tài khác trên thế giới rằng nó là công nghệ “thành phố thông minh.”

Hiển nhiên, Hoa Kỳ đã mua gói cao cấp.

nguồn: https://etviet.com/doi-mat-voi-he-thong-tin-dung-xa-hoi-cua-hoa-ky_243343.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *