Share

Tầng lớp đặc quyền Trung Quốc – mối nguy hại khiến Trung Nam Hải phải đề phòng

Một xã hội chuyên chế nhất định có tầng lớp đặc quyền. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập chính quyền cũng vậy. Nổi tiếng nhất là gia tộc của “bát đại nguyên lão”. Vậy họ là ai mà Trung Nam Hải lại phải đề phòng?

Theo Wikipedia, “Bát đại nguyên lão” là chỉ 8 chính trị gia và quân sự gia của ĐCSTQ. Họ là tập thể lãnh đạo cấp cao có danh vọng và địa vị. Về phương diện chính trị có được quyền lực quyết định chính sách và sách lược thực tế ở Trung Quốc đại lục. Đa số những nguyên lão này không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tối cao trong Đảng và Chính phủ, nhưng sức ảnh hưởng và quyền quyết định của họ sau hậu trường cũng ngang bằng hoặc còn lớn hơn cả người lãnh đạo đang tại vị nhưng lại ít tuổi.

“Bát đại nguyên lão” là một thuật ngữ không chính thức. Có hai danh sách được biết đến rộng rãi nhất gồm:

Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Bành Chân, Đặng Dĩnh Siêu, Vương Chấn, Dương Thượng Côn, Bạc Nhất Ba;
Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Bành Chân, Dương Thượng Côn, Bạc Nhất Ba, Vạn Lý, Tống Nhậm Cùng, Tập Trọng Huân.
Sự thay đổi ở danh sách thứ 2 được cho là vì ông Lý Tiên Niệm, Đặng Dĩnh Siêu và Vương Chấn qua đời liên tiếp từ năm 1992 đến năm 1993, nên các ông Tống Nhậm Cùng, Vạn Lý và Tập Trọng Huân được thay vào.

Cuối tháng 8 vừa qua, chính quyền Trung Quốc ra mắt cuốn sách mới và đề cập đến việc đề phòng tầng lớp đặc quyền hình thành trong đảng. Nhưng tầng lớp này cũng không phải mới xuất hiện gần đây. Tại sao đến giờ chính quyền mới đề phòng?

Dưới đây là bài bình luận của tác giả Nhạc Sơn (Yue Shan) đăng trên mục Chính trị Đại lục của tờ báo The Epoch Times:

Các gia tộc quyền lực trong ĐCSTQ cũng được chia thành nhóm cũ và nhóm mới. Ông Đặng Tiểu Bình là người dẫn đầu nhóm cũ, và nhóm các gia tộc quyền lực mới do 2 ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng đầu.

Hai thế lực này không chỉ nắm quyền sinh sát chốn quan trường, mà sau “Phong trào Lục Tứ” (Thảm sát Thiên An Môn) ngày 4/6/1989, con cháu của họ cũng ỷ thế mà kiểm soát hầu hết doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và nhanh chóng phất lên trong giới kinh doanh.

Ngày nay, nhóm đặc quyền này giàu có tới nỗi có thể gây nguy hại cho quốc gia.

Tầng lớp đặc quyền làm giàu bằng cách nào?
Một bài báo được đăng nguyên gốc trên Bloomberg vào ngày 26/12/2012 nói rằng, khi truy vết tài sản của thế hệ con cháu các nguyên lão ĐCSTQ như Đặng Tiểu Bình, Vương Chấn và Trần Vân, phát hiện ra họ đã phân chia và kiểm soát các DNNN với tổng tài sản ít nhất là 1,6 nghìn tỷ USD; và đã tích lũy được một khối tài sản cá nhân khổng lồ bằng cách tham nhũng qua các DNNN này, chia chác lại nguồn lợi lớn từ tài nguyên, ưu ái chính sách trong quá trình Trung Quốc phát triển nền kinh tế tư bản hoang dã. Kết quả là những người này giàu lên nhanh chóng, do đó hình thành nên “một giai cấp tinh hoa mới”.

Thế hệ con cháu này còn được gọi là “hồng nhị đại”. Họ nhờ có mối quan hệ của gia đình và được giáo dục ở nước ngoài nên hầu như đều thành lập các công ty tư nhân. Những công ty tư nhân này có thị trường rộng lớn nhờ sự thao túng của gia tộc họ với các DNNN lớn, đầy đặc quyền.

Ngoài gia tộc bát lão nguyên bản, kể từ khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân lên nắm quyền nhờ giẫm lên xương máu của các sinh viên trong cuộc đàn áp phong trào năm 1989, một nhóm đặc quyền mới cũng được hình thành.

Ví dụ, vào năm 1994, con trai cả của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng), đã dùng “khoản vay” vài triệu nhân dân tệ (CNY) để mua lại Công ty Đầu tư Liên hợp Thượng Hải trị giá hàng trăm triệu CNY từ Ủy ban Kinh tế Thượng Hải. Trong vài năm, ông ta đã thành lập một vương quốc viễn thông khổng lồ và kiểm soát hơn 10 doanh nghiệp gồm Mạng thông tin Thượng Hải, Mạng cáp Thượng Hải, China Netcom, v.v. China Netcom được biết đến là một DNNN, thực chất là “doanh nghiệp tư nhân” của Giang Miên Hằng.

Gia tộc Giang Trạch Dân đã bị vạch trần là thao túng số tài sản lên tới hàng nghìn tỷ USD, và kiểm soát hàng nghìn doanh nghiệp trên các lĩnh vực. Họ đã rửa được 500 tỷ USD ở nước ngoài thông qua một loạt các phương thức như đầu tư núp bóng, rửa tiền trên thị trường đầu tư, đầu cơ tài chính… Các khoản tiền này đã được chuyển đến nhiều nơi khác nhau, bao gồm đầu tư vào một số quỹ lớn và một số công ty công nghệ lớn ở Hoa Kỳ. Giang Miên Hằng – con trai cả của Giang Trạch Dân – đã trở thành đại diện cho sự giàu có của gia tộc họ Giang.

Gia tộc Tăng Khánh Hồng từ lâu đã kiểm soát các ngành công nghiệp dầu khí, năng lượng và hóa chất. Năm 2008, một báo cáo của tạp chí Caijing đại lục tiết lộ rằng Tăng Vĩ (Zeng Wei), con trai của Tăng Khánh Hồng, đã mua lại 91,6% cổ phần trị giá hơn 70 tỷ CNY của Luneng Group chỉ với 3,73 tỷ CNY.

Con trai cả của Lưu Vân Sơn là Lưu Lạc Phi (Liu Lefei) từng là thành viên ban giám đốc của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thủ Sáng (Capital Securities), Tổng giám đốc của Trụ sở Quản lý Đầu tư Chứng khoán Ngân Hà (China Galaxy Securities Co., Ltd.), và Giám đốc điều hành (CEO) của Bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc. Năm 2008, ông này giữ chức vụ Chủ tịch kiêm CEO của quỹ ủy thác đầu tư quốc doanh mới thành lập Citic Securities Company Limited. Tại đây, ông quản lý 4 quỹ với tổng quy mô 35 tỷ CNY, tổng cộng đầu tư vào hơn 50 dự án.

Trong nỗ lực chống tham nhũng vài năm qua của ông Tập Cận Bình, những nhân vật quyền lực này cũng chỉ tỏ vẻ khiêm tốn trên bề mặt. Chẳng hạn như Lưu Lạc Phi, con trai của Lưu Vân Sơn, đã từ chức tại Công ty chứng khoán CITIC sau sự cố thị trường chứng khoán năm 2015, để tránh tự chuốc họa vào thân. Về cơ bản, họ không bị động đến trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ này.

‘Hồng nhị đại’ là một tầng lớp đặc quyền khổng lồ của ĐCSTQ
Bà Thái Hà (Cai Xia), một cựu giáo sư của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ sống ở Hoa Kỳ, thừa nhận rằng bà xuất thân từ tầng lớp đặc quyền trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vào tháng 9/2020, nhưng bà không phải là “hồng nhị đại” tầng trên cùng.

Bà Thái nói rằng, sau khi thành lập, ĐCSTQ đã cổ động rất nhiều người dân đi theo nó để đoạt chính quyền bằng lực lượng vũ trang. Nó hứa với nhân dân rằng “nhân dân là chủ đất nước” và rằng chúng ta sẽ tiến tới “nền dân chủ theo chủ nghĩa xã hội” trong tương lai. Nhưng trên thực tế, sau khi lên nắm quyền, nó đã thiết lập một hệ thống đặc quyền theo cấp bậc: Cha mẹ bạn có cấp bậc cao bao nhiêu thì bạn được hưởng đặc quyền bấy nhiêu.

Bà Thái Hà nói: “Sau này, tôi [mới] thấy rằng, chẳng hạn như về nhà ở, điều kiện tài chính gia đình và nền giáo dục mà bạn nhận được, đều cao hơn đáng kể so với những người cùng trang lứa. Nhưng tại thời điểm đó, bạn được hưởng điều đó một cách hiển nhiên”. Trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, vì có quan hệ gia đình nên bà Thái Hà không phải về nông thôn cải tạo như hầu hết các bạn cùng lớp.

Bà nói rằng, các hậu duệ đỏ đã hoàn toàn trở thành một tầng lớp quý tộc đặc quyền, mà tầng lớp quý tộc này không có tinh thần đạo đức xã hội và tinh thần trách nhiệm.

Ngày “1 tháng 7” năm nay là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ, các hồng nhị đại đã cùng nhau tham gia lễ kỷ niệm tại Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó trên Internet xuất hiện một danh sách sắp xếp phương tiện đi lại và vị trí ngồi trên khán đài quảng trường Thiên An Môn cho con cháu của các nguyên lão ĐCSTQ. Các ghế ngồi được xếp theo địa vị của cha và ông.

Bạc Hy Thành (Bo Xicheng), con trai của nguyên lão Bạc Nhất Ba, cũng là em ruột của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh đã ngã ngựa Bạc Hy Lai, cũng nằm trong danh sách tham dự buổi lễ trên. Điều này xác nhận rằng địa vị đặc quyền của gia đình ông ta không bị ảnh hưởng bởi vụ của Bạc Hy Lai.

Ngoài các hồng nhị đại, còn có các “quan nhị đại” – tức là con cháu của các quan chức cấp cao, họ cũng được hưởng đặc quyền vì có cha, ông làm quan. Đó là lý do tại sao Trung Quốc thường xuyên xuất hiện các vụ liên quan đến con ông cháu cha như “Cha tôi là Lý Cương”, vụ án cưỡng hiếp của Lý Thiên Nhất, hay “Sự cố Bí thư Nghiêm” ở Tứ Xuyên…

Ngoài ra, các quan chức cấp cao tại vị và đã nghỉ hưu còn được hưởng đãi ngộ điều trị y tế đặc biệt và nhận được mức chi phí sinh hoạt khổng lồ. Đây đã không còn là điều gì bí mật.

Vậy Trung Nam Hải có ý định gì khi muốn ngăn chặn giai cấp đặc quyền hình thành?
Vào ngày 26/8, Bộ Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ đã công bố nội dung cuốn sách “Sứ mệnh lịch sử và giá trị hành động của ĐCSTQ”.

Trong đó đề cập đến việc ĐCSTQ kiên quyết loại bỏ các khối u ác tính, duy trì một cơ thể khỏe mạnh, kiên quyết chống tham nhũng, và kiên quyết ngăn chặn sự hình thành của giai cấp đặc quyền trong đảng, v.v.

Tại sao ĐCSTQ lại đề xuất như vậy vào thời điểm này? Một là để ám thị rằng trước giờ không có giai cấp đặc quyền nào cả, như vậy nó sẽ bảo vệ được các gia tộc quyền lực đỏ hiện hữu. Trước giờ ĐCSTQ luôn có một bộ những cái gọi là: Người mới có cách làm mới, người cũ có cách làm cũ. Nhóm người quyền quý mới xuất hiện về sau rất có thể sẽ trở thành bộ phận bị đàn áp.

Bằng cách này, sẽ ngăn chặn được những người xuất thân từ hàng thảo dân, từ tầng lớp thấp mà cố gắng đạt được lợi ích và địa vị bằng cách gia nhập ĐCSTQ, và dần dần trở thành tầng lớp đặc quyền. Ví dụ, Jack Ma, người đang bị thanh trừng, cũng là một đảng viên ĐCSTQ, ông ta hẳn đã được các quan chức cấp cao hậu thuẫn trong quá trình gây dựng cơ ngơi. Nhưng dù sao thì ông ta cũng xuất thân từ tầng lớp thấp, và trong giới thương trường, một khi thời thế thay đổi thì cũng chẳng còn chỗ dựa, ông ta sẽ trở thành mục tiêu bị đàn áp tơi tả.

Một lý do khác là, ĐCSTQ biết rằng người dân căm ghét đặc quyền, nên bề mặt nó cũng phải thuận nước đẩy thuyền. Tất nhiên nó biết là mọi người biết nó đang nói dối, nhưng cũng đành vậy.

Lý do thứ ba là để tranh giành quyền lực. Tương tự như việc chính quyền không cho phép lôi bè kết phái, hình thành băng nhóm trong nội bộ, cho nên nhà cầm quyền cũng mượn cớ ngăn chặn sự hình thành của tầng lớp đặc quyền để tấn công các đối thủ chính trị. Đây cũng là cái cớ để thanh trừng một số kẻ không nghe lời trong thể chế ĐCSTQ.

Theo yêu cầu của nhà chức trách, gia đình của cố Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương đã phải chuyển nhà ra khỏi khu tứ hợp viện ở số 6, ngõ Phú Cường (Fuqiang Hutong), Bắc Kinh. Trước đó vào ngày 19/5/2019, con trai thứ ba của ông Hồ Diệu Bang là ông Hồ Đức Hoa cũng đã chuyển đi khỏi ngôi nhà tứ hợp viện ở số 25, ngõ Ty Kế toán (Kuaiji Si Hutong) thuộc quận Tây Thành, Bắc Kinh – nơi ông Hồ Diệu Bang sống trước khi qua đời.

Ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một ông trùm bất động sản thuộc nhóm hồng nhị đại, thậm chí đã bị kết án tù vì những bình luận về ông Tập Cận Bình.

Khi ông Tập Cận Bình mới lên nắm quyền, không chỉ có ông Vương Kỳ Sơn (hiện là Phó chủ tịch nước Trung Quốc) và ông Lưu Nguyên (Thượng tướng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, con trai cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ) trợ giúp “đả hổ chống tham nhũng”, mà các ông/bà hồng nhị đại gồm Hồ Đức Bình – con trai của Hồ Diệu Bang, Cảnh Oánh – con gái của Cảnh Tiêu, Hồ Mộc Anh – con gái của Hồ Kiều Mộc, Đào Tư Lượng – con gái của Đào Chú, v.v. đều công khai ủng hộ ông Tập. Nhưng mấy năm gần đây, số lượng hồng nhị đại công khai thể hiện lòng trung thành với ông Tập không còn mấy người.

Điều này cũng cho thấy rằng, ngay cả khi trong ĐCSTQ có giai cấp đặc quyền, thì dưới sự thống trị mạnh mẽ của chính quyền ông Tập, họ cũng chỉ có thể giữ lại lợi ích kinh tế và đặc quyền cuộc sống. Họ đang từng bước rời xa các cuộc tranh giành quyền lực chính trị.

nguồn: https://www.ntdvn.com/trung-quoc/tang-lop-dac-quyen-trung-quoc-moi-nguy-hai-khien-trung-nam-hai-phai-de-phong-257308.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *