Các nhà lập pháp ĐCH kêu gọi Chính quyền Biden cứng rắn hơn với TQ
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang kêu gọi chính quyền Biden có chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh, khi mà nhiều nhận xét gần đây của một số quan chức cấp cao đã phần nào cho thấy sự thất bại trong việc “nắm bắt được mối đe dọa thực sự do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra”.
Đặc phái viên về khí hậu John Kerry gần đây đã không trực tiếp trả lời một câu hỏi về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc, mà nói rằng “cuộc sống luôn có nhiều lựa chọn khó khăn trong mối quan hệ giữa các quốc gia” và sau đó lại nói rằng “trước hết, hành tinh này phải được bảo vệ”.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo thậm chí còn úp mở mong muốn cải thiện mối quan hệ kinh doanh của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Với quy mô của thị trường Trung Quốc, “chúng ta cần phải kinh doanh ở đó”, bà nói với The Wall Street Journal hôm 24/9, đồng thời nói thêm rằng “sự hội nhập thương mại mạnh mẽ sẽ giúp giảm thiểu mọi căng thẳng tiềm ẩn” và “ngăn chặn xung đột ngoài ý muốn”.
Những nhận xét như vậy đã khiến các nhà lập pháp trong Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc, một nhóm gồm các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện hết sức lo ngại. Trong một tuyên bố ngày 29/9, Đảng Cộng hòa kêu gọi hai quan chức này “ngay lập tức xem lại bản tóm tắt về mối đe dọa của [ĐCSTQ] và xem xét lại những cam kết suông, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, hoạt động gián điệp kinh tế tràn lan, và cưỡng bức trắng trợn công dân Mỹ của họ”, mà đây có thể coi là kết quả của “nhiều thập kỷ giả định rằng tiếp cận thương mại sẽ ngăn chặn căng thẳng”.
“Đáng tiếc, chính quyền Biden đã không thể hiện sự tiếp cận cách rõ ràng, toàn diện để giải quyết mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” Dân biểu Cộng hòa Mike McCaul (tiểu bang Texas), người chủ trì hội đồng gồm 17 thành viên trong quốc hội, trao đổi với The Epoch Times qua một email.
Những thách thức mà chế độ Trung Quốc đặt ra, từ an ninh quốc gia đến kinh tế, đang ngày càng khiến Washington lo ngại.
Tại phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện vào tuần trước, Giám đốc FBI Christopher Wray đã xác nhận, “cứ mỗi sau 12 giờ, cơ quan này lại mở một cuộc điều tra phản gián Trung Quốc mới”.
Ngày 20/9, Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Frank Kendall cảnh báo, Bắc Kinh đã tăng tốc độ hiện đại hóa quân đội nhằm thay thế Hoa Kỳ, cường quốc quân sự thống trị trên toàn cầu.
Dân biểu McCaul phát biểu: “Trong khi các quan chức an ninh quốc gia như Giám đốc Wray và Bộ trưởng Không quân Kendall đang cảnh báo về các mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Hoa Kỳ, thì các quan chức khác lại không ngừng nhắc lại luận điệu đã bị bác bỏ rằng, tiếp cận thương mại và kinh tế có thể khiến ĐCSTQ trở thành một đối tác có trách nhiệm.”
Các quan chức và chuyên gia phương Tây nhìn nhận, Mỹ đã giao thiệp với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ với suy nghĩ rằng tự do hóa kinh tế của đất nước sẽ đưa đến các quyền tự do chính trị lớn hơn. Tuy nhiên dự báo này đã không thành hiện thực, thậm chí tình trạng nhân quyền ở nước này đang ngày càng xấu đi. Washington bắt đầu chuyển sang cách tiếp cận cứng rắn đối với chế độ ĐCSTQ dưới thời chính quyền Trump về các vấn đề như hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh, đánh cắp công nghệ, vi phạm nhân quyền và gián điệp mạng.
Chính quyền Biden đã mô tả mối quan hệ của họ với Trung Quốc là sự kết hợp giữa hợp tác và cạnh tranh, đồng thời nhấn mạnh việc thúc đẩy liên minh với các nền dân chủ phương Tây để đẩy lùi sự xâm lược kinh tế và quân sự của chế độ cộng sản. Đầu tháng 9, Hoa Kỳ, Úc và Anh đã ký kết hiệp ước an ninh mới, tập trung vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hiệp ước này được nhiều người xem là nhằm đáp trả sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Ngoài ra, chính quyền Biden cũng khẳng định họ không mong muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hoặc xung đột với Bắc Kinh.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trao đổi với các phóng viên hôm 20/9: “Mặc dù chúng ta có thể vấp phải vấn đề liên quan đến cách thức mà họ [Trung Quốc] thể hiện với thế giới, nhưng cũng có những lĩnh vực mà chúng tôi muốn tiếp tục bắt tay cùng họ.”
Tổng thống Joe Biden đã lặp lại thông điệp hòa giải tương tự trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc đầu tiên của mình, dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott (tiểu bang Florida) gọi hành động này là sự “xoa dịu đầy yếu kém” đối với Bắc Kinh, trong khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lại tận dụng cuộc họp này để phát đi các thông điệp tấn công trực diện Hoa Kỳ.
Việc Hoa Kỳ thả giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Châu gần đây, và ngay sau đó là hai người Canada bị giam giữ ở Trung Quốc được trả tự do, đã khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có thỏa thuận trao đổi tù nhân được đàm phán bí mật giữa Washington và Bắc Kinh hay không. Hành vi giam giữ hai người Canada của Bắc Kinh được nhiều người coi là “ngoại giao con tin” nhằm đáp trả vụ bắt giữ bà Mạnh.
Bà Psaki đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa hai vụ việc này, nhưng vẫn xác nhận, vấn đề đã được đưa ra trong cuộc điện đàm thứ hai của Biden với ông Tập khoảng ba tuần trước.
Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo Trung Quốc chỉ trích Hoa Kỳ gây áp lực làm căng thẳng quan hệ song phương, trong khi Tổng thống Mỹ nói rằng ông không thấy “có lý do gì” để biến “cạnh tranh thành xung đột”.
Về vấn đề này, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton (tiểu bang Arkansas) đã nhấn mạnh phạm vi đe dọa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra trong bài phát biểu dài 9 phút tại Thượng viện hôm 28/9.
Ông cho hay: “Dù chúng ta có muốn hay không, Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh lạnh với Mỹ… Một vấn đề đáng quan ngại duy nhất là chúng ta sẽ thắng hay thua.”
Ông lập luận, việc ông Biden không đề cập trực diện đến Trung Quốc trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc có nghĩa là ông tuyên bố “đầu hàng Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
“Chúng ta mới là nhà lãnh đạo toàn cầu, không phải Trung Quốc, chúng ta không cần Trung Quốc phải tha thứ hay ưu ái,” ông Cotton nêu rõ.
nguồn: https://trithucvn.org/the-gioi/cac-nha-lap-phap-dch-keu-goi-chinh-quyen-biden-cung-ran-hon-voi-tq.html