Hạ viện Mỹ hoãn bỏ phiếu dự luật Cơ sở hạ tầng 1,2 nghìn tỷ USD
Nghị trình lập pháp “Xây dựng trở lại tốt hơn” (Build Back Better) của Tổng thống Joe Biden đã bị đình trệ vào tối thứ Năm (30/9) khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trì hoãn cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD, theo CNN.
Tối 30/9, ban lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã hủy bỏ cuộc bỏ phiếu về dự luật.
Bà Pelosi đã lên lịch để Hạ viện bỏ phiếu về dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la, còn được gọi là Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu đã bị trì hoãn khi bà Pelosi cố gắng tập hợp số phiếu lại với nhau để thông qua phần một trong hai phần của chiến lược chi tiêu “khủng” cho phúc lợi xã hội và các ưu tiên cánh tả khác của ông Biden.
Việc trì hoãn thông qua dự luật là do các thành viên cấp tiến của Hạ viện phản đối. Những người này từng cho biết họ sẽ chặn dự luật nếu nó được đưa ra bỏ phiếu vào thứ Năm.
Các nhà lập pháp cánh tả cấp tiến muốn có một lộ trình rõ ràng về dự luật cơ sở hạ tầng khác trị giá 3,5 nghìn tỷ đô la trước khi bỏ phiếu, và họ muốn lãnh đạo phe Dân chủ phải đảm bảo rằng cả 2 dự luật sẽ được thông qua.
Sau đó, dường như bà Pelosi đã đạt được một thỏa hiệp với nhóm cấp tiến của đảng Dân chủ.
Dân biểu đảng Dân chủ Pramila Jayapal, chủ tịch của tổ chức cấp tiến tại Hạ viện, đã dẫn đầu cuộc chiến chống lại phe ôn hòa hơn của đảng Dân chủ.
Bà Jayapal nói với CNN vào tối thứ Năm rằng cánh cấp tiến của bà sẽ không đầu hàng và họ sẽ hủy bỏ dự luật lưỡng đảng nếu nó được đưa ra bỏ phiếu vào tối thứ Năm.
“Tôi chưa bao giờ thấy tổ chức của chúng tôi mạnh mẽ như vậy. Và tôi là một người kiểm phiếu rất giỏi, đôi khi có thể không tốt bằng Nancy Pelosi, nhưng tôi rất xuất sắc”, bà Jayapal nói.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện, cho biết vào cuối ngày thứ Năm rằng Hạ viện không thể có được một cuộc bỏ phiếu về dự luật cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng, trong khi lại đang cố gắng làm việc chi tiết về các đạo luật trị giá hàng nghìn tỷ đô la khác.
Ông Sanders nói: “Đó là một cách làm việc vô lý, [họ] đàm phán một thỏa thuận trị giá hàng nghìn tỷ đô la vài phút trước một cuộc bỏ phiếu lớn, mà hầu như không ai biết chuyện gì đang xảy ra. Điều đó không thể chấp nhận được”.
nguồn: https://trithucvn.org/the-gioi/ha-vien-my-hoan-bo-phieu-du-luat-co-so-ha-tang-12-nghin-ty-usd.html