‘Nhện Chúa’ Trung Quốc nỗ lực kiểm soát mọi hành vi của nhân loại.
Kể từ năm 2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đã miệt mài theo đuổi 2 sáng kiến chiến lược nhằm xây dựng một đế chế thuộc địa trên toàn thế giới và đưa Trung Quốc lên vị trí lãnh đạo toàn cầu: “Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)” (còn được gọi là Một vành đai, một con đường) và “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025).
Trước sự tàn phá mà đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới, hôm 21/09 tại Phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Tập đã công bố về một chương trình lớn thứ 3 mang tên: “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI)” nhằm “hướng cả thế giới tới một giai đoạn mới của tăng trưởng cân bằng, phối hợp, và toàn diện”.
Theo China Daily, sáng kiến mới của Chủ tịch Trung Quốc tập trung vào 6 mục tiêu gồm: “ưu tiên phát triển, sử dụng cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, cam kết mang đến lợi ích cho tất cả mọi người, phát triển theo định hướng đổi mới, sống hòa hợp với thiên nhiên, và cam kết hành động hướng tới kết quả cao nhất”. Rõ ràng, chỉ có một cụm từ tuyên truyền duy nhất bị thiếu trong thông báo của ông Tập là “thịnh vượng chung” – cụm từ thể hiện ‘lòng tốt’ của ĐCSTQ đã được truyền thông nước này tung hô trong những tháng gần đây.
Nếu ông Tập thực sự nghiêm túc về GDI và tương lai thế giới, ông ấy hẳn đã kiềm chế hoặc vô hiệu hóa vô số mục tiêu thứ cấp mà ĐCSTQ miệt mài theo đuổi trong nhiều năm qua – thứ mà đã khiến cả thế giới đang phải gánh chịu hậu quả. Một số trong đó đã được tóm tắt trong Phần 1 và Phần 2 của loạt bài này.
Rõ ràng là ông Tập đã “quên” đề cập rằng: GDI, BRI, và các mục tiêu thứ cấp của ĐCSTQ đều có mục đích khiến tất cả quốc gia khác phải cúi đầu trước sự lãnh đạo của đảng này trong tất cả các lĩnh vực của nhân loại. Rốt cuộc, đó chính là mục đích cuối cùng của hệ thống mạng nhện khổng lồ điều khiển bởi “Nhện chúa tốt bụng” Trung Quốc.
Phần thứ ba của loạt bài tiếp tục phơi bày các sáng kiến và mục tiêu thứ cấp của ĐCSTQ, đồng thời chỉ rõ ý định thực sự của đảng cầm quyền này, đó là: Kiểm soát toàn bộ các khía cạnh của con người. Tổng phạm vi và lực tấn công của các mục tiêu thật khủng khiếp.
Chinh phục không gian
ĐCSTQ muốn thống trị không gian về mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và kinh tế. Các sứ mệnh của Trung Quốc tới sao Hỏa và mặt trăng là thủ thuật để quảng cáo năng lực khoa học và khả năng đi đầu của ĐCSTQ trong các công nghệ vũ trụ tiên tiến, đồng thời cũng để ngụy trang cho việc vũ khí hóa không gian của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
Chiến thắng mà không cần chiến đấu
ĐCSTQ tìm cách thống trị kinh tế và quân sự toàn cầu mà không cần dùng đến chiến tranh vũ trang. Thay vào đó, họ khai thác triệt để chiến tranh chính trị và tâm lý, khiến các đối thủ – chủ yếu là Mỹ và các đồng minh – đành phải coi tình thế như là chuyện đã rồi và không thể đảo ngược.
Sử dụng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất để thu phục dư luận nước ngoài
Cục Công tác Mặt trận Thống nhất cung cấp vỏ bọc cho các nhân viên tình báo (gián điệp) của Bộ An ninh Nhà nước. Cục này xúc tiến thâm nhập vào các Viện Khổng Tử, kế hoạch Ngàn Người tài, các kênh thông tấn của Trung Quốc, Văn phòng các vấn đề Hoa kiều, và Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc. Mục đích là tác động đến dư luận nước ngoài và ‘thu phục’ người ủng hộ cho các chính sách của ĐCSTQ .
Loại bỏ Mỹ khỏi Trung Đông
Nỗ lực ‘đá’ Mỹ ra khỏi Trung Đông là mũi tên trúng hai đích của Bắc Kinh: một là phá bỏ ảnh hưởng của Mỹ đối với các quốc gia Trung Đông, và hai là tiếp cận với nguồn cung cấp dầu và khí đốt khổng lồ. Một Trung Quốc ‘nghèo năng lượng’ đang phải cố gắng đầu tư hàng tỷ USD vào BRI để phát triển Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan bao gồm các dự án: Đường cao tốc, đường sắt, và đường ống dẫn từ cảng Gwadar trên Ấn Độ Dương đến Tân Cương (Đông Turkestan). Hành lang này sẽ là vành đai dẫn dầu từ Trung Đông tới Trung Quốc. Số dầu này bao gồm cả dầu từ Iran, quốc gia mà ĐCSTQ đã thiết lập một mối quan hệ chiến lược.
Sử dụng Thương nhân Hàng hải để kiểm soát hoạt động vận tải biển toàn cầu
ĐCSTQ đào tạo số lượng đáng kể thương nhân và nhân viên vận hành trên các tàu thương mại, khiến họ đạt được trình độ cao và trở nên giàu kinh nghiệm. Những người này sau đó sẽ được sắp xếp làm việc trong các ngành vận tải biển của các quốc gia khác nhằm mục đích theo dõi, giám sát, và tạo ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển trên toàn thế giới.
Thực hiện quản trị các đại dương
ĐCSTQ nỗ lực thay thế các công ước quốc tế như UNCLOS (giúp xác định hành vi, trách nhiệm, và luật hàng hải tại các vùng biển trên thế giới) bằng các tiêu chuẩn, công nghệ, và quy tắc của Trung Quốc. Nỗ lực này bao gồm việc phát triển một mạng lưới vệ tinh giám sát có khả năng giám sát giao thông đường biển toàn cầu. Đồng thời, ĐCSTQ ra sức thuyết phục các quốc gia khác sử dụng Hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou của nước này thay vì các hệ thống vệ tinh định vị thương mại khác.
Thu thập và khai thác ADN của người dân thế giới
Theo Reuters, các cố vấn của chính phủ Mỹ đã cảnh báo rằng ĐCSTQ đang thu thập dữ liệu di truyền để thống trị ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu. Rất có thể ĐCSTQ sẽ có những binh lính được đột biến gen, hoặc sẽ ‘thiết kế’ các mầm bệnh nhắm vào người dân và thực phẩm của Mỹ.
Thống trị khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương
ĐCSTQ muốn mở rộng căn cứ quân sự trong khu vực nhằm chống lại vị thế địa chính trị của Mỹ, cũng như gia tăng áp lực lên các đồng minh chủ chốt của Mỹ bao gồm: Ấn Độ, Úc, và Nhật Bản (ba nước này cùng Mỹ đã thành lập Bộ tứ Quad).
Thay thế thương hiệu Hoa Kỳ bằng nhãn hiệu Trung Quốc
ĐCSTQ tìm cách thay thế các thương hiệu của Mỹ bằng các nhãn hàng của Trung Quốc. Điều này trông có vẻ chỉ đơn giản là một cuộc cạnh tranh thông thường, nhưng thực tế vấn đề phức tạp và có tầm quan trọng hơn nhiều. Lý do là mỗi thương hiệu đều có sự liên kết với nơi xuất xứ, và ĐCSTQ nhiều khả năng sẽ sử dụng các thương hiệu lớn để tạo ảnh hưởng về văn hóa và tâm lý lên người mua hàng.
Trở thành nhà sản xuất hàng công nghiệp hàng đầu thế giới
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã ‘tự hào’ đánh giá rằng trong những thập kỷ gần đây, “Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới với hơn 220 loại sản phẩm công nghiệp”. Việc quốc gia này trở thành công xưởng sản xuất của thế giới đã được ĐCSTQ tận dụng để làm tăng sức ảnh hưởng và đòn bẩy địa chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế. Và đây mới là mục tiêu cơ bản của ĐCSTQ.
Thay thế nền dân chủ ‘kiểu phương Tây’ bằng nền dân chủ ‘toàn diện’ của Trung Quốc
Đây là một trò chơi tâm lý của ĐCSTQ để tận dụng sự ủng hộ của phương Tây đối với nền dân chủ. Tuy vậy, nền dân chủ ở quốc gia đông dân nhất thế giới lại mang đầy màu sắc của ĐCSTQ. Từ “toàn diện” ngụ ý rằng nền dân chủ phương Tây truyền thống chưa hoàn thiện và vẫn còn thiếu sót, trong khi đó phiên bản của ĐCSTQ tốt hơn và toàn diện hơn.
Kiểm soát toàn bộ thông tin, dữ liệu
ĐCSTQ yêu cầu công dân và các thực thể tại Trung Quốc chỉ được phép trao đổi các loại thông tin, dữ liệu mà đảng này cho phép.
Biến Biển Đông thành cái ‘ao làng’
Mục tiêu của Bắc Kinh là giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, đồng thời gây áp lực lên các nước láng giềng. Các nỗ lực của ĐCSTQ liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo và xây dựng các đảo nhân tạo được trực tiếp thực hiện bởi PLA.
Thúc đẩy ‘thịnh vượng chung’ thông qua kiểm soát toàn diện khu vực tư nhân
“Thịnh vượng chung” là một khái niệm ảo tưởng của chủ nghĩa Marx, nghe thì có vẻ xuôi tai nhưng ý nghĩa thực tế lại mờ ám và ngớ ngẩn. ĐCSTQ đã và đang sử dụng khái niệm này để mô tả những nỗ lực của họ nhằm cải thiện mức sống người dân thông qua “sự lãnh đạo tài tình” của chủ nghĩa cộng sản.
Khai thác tài nguyên dưới đáy biển
Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất nguyên tố đất hiếm (REE), đồng thời tìm cách thống trị các nguồn REE mới, bao gồm cả những nguồn dưới đáy biển sâu. Việc kiểm soát REE mang đến đòn bẩy kinh tế và địa chính trị đáng kể cho Trung Quốc trước các quốc gia công nghiệp khác – đặc biệt là các nước nghèo REE thuộc Liên minh châu Âu – thông qua việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
‘Giả vờ’ ủng hộ chủ nghĩa môi trường để che đậy sự mở rộng ảnh hưởng kinh tế
ĐCSTQ muốn làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ, tăng cường lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc, đồng thời gia tăng sự phụ thuộc của thế giới vào sản xuất và chế tạo tại Trung Quốc — trong trường hợp này là “các sản phẩm xanh” như tấm pin mặt trời, xe điện, và pin. Chỉ những người phương Tây ‘ngây thơ’ mới tin vào tuyên truyền rằng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu “không phát thải ròng” vào năm 2060. Trên thực tế, đó chỉ là một chiêu thức khác trong âm mưu của ĐCSTQ nhằm đạt được sự thống trị kinh tế thế giới.
Thống trị thông tin toàn thế giới
Trung Quốc đã đầu tư các nguồn lực to lớn để giành được ngôi quán quân trong việc kiểm soát toàn diện thông tin toàn cầu. Điều này cực kỳ hữu ích trong việc giúp ĐCSTQ đưa ra các quyết định chính xác nhằm đạt được tất cả mục tiêu của mình. Mục tiêu thứ cấp này có tính hiệp đồng cao với các mục tiêu thứ cấp khác của Bắc Kinh.
Thúc đẩy chia rẽ ở Mỹ
Tạo ra bất hòa và chia rẽ ở Mỹ – đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trên trường quốc tế – đã là một mục tiêu xuyên suốt của ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ. Việc thúc đẩy người Mỹ chống lại nhau, khai thác các quan niệm về ‘chênh lệch giàu nghèo’ và ‘không công bằng’, đồng thời quảng bá chủ nghĩa Marx trong toàn xã hội Mỹ đã và đang là những mũi nhọn trong cuộc tấn công trường kỳ của ĐCSTQ.
Xây dựng Đế chế của ĐCSTQ thông qua hoạt động mua lại tài sản ở nước ngoài
Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã đầu tư chiến lược vào bất động sản và các loại tài sản khác ở nước ngoài dưới nhiều mục đích, bao gồm đảm bảo an ninh cho các khoản đầu tư BRI, xây dựng căn cứ quân đội và hải quân Trung Quốc, mua tài nguyên thiên nhiên để khai thác trong tương lai, đe dọa và gây sức ép với các quốc gia khác để đáp ứng lợi ích của Trung Quốc. Tất cả những vụ mua lại đó theo thời gian sẽ tạo thành mạng lưới cơ sở hạ tầng cốt lõi cho “đế chế thuộc địa trên toàn cầu” của ĐCSTQ.
Triển khai mô hình “tuần hoàn kép” (dual circulation)
Mục tiêu là làm cho nền kinh tế Trung Quốc bớt phụ thuộc vào công nghệ và chuỗi cung ứng tiên tiến của ngoại quốc. Các công ty Trung Quốc sẽ trở nên độc lập sau khi ‘học hỏi bí quyết nước ngoài’ (mà thực chất là ăn cắp), từ đó chủ động tạo ra các sản phẩm được ưa chuộng trên toàn thế giới tại nội địa Trung Quốc.
Độc quyền và kiểm soát nguồn cung cấp năng lượng thế giới
ĐCSTQ hiểu rằng việc kiểm soát các nguồn cung cấp năng lượng trong tương lai sẽ mang đến cho họ đòn bẩy địa chính trị quan trọng. Đó là lý do vì sao họ khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh của mình để chiếm lĩnh thị trường sản xuất năng lượng trên toàn thế giới. Kiểm soát các nguồn năng lượng của thế giới có nghĩa là kiểm soát các nền kinh tế thế giới.
Thống trị thị trường Lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ
Bất chấp những lời bàn tán xung quanh “năng lượng xanh”, công nghệ sản xuất năng lượng duy nhất có khả năng đạt được mức giảm CO2 mà những người ủng hộ năng lượng xanh mong muốn là năng lượng hạt nhân. Trung Quốc đang tiến rất nhanh trong việc chiếm lĩnh thị trường năng lượng hạt nhân, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia sẵn sàng chi trả.
Kiểm soát và thao túng hàng hóa chiến lược của thế giới
Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát các mặt hàng chiến lược. Bắc Kinh cũng đồng thời tích lũy dự trữ chiến lược – đây vừa là biện pháp phòng ngừa lạm phát, vừa là phương tiện thao túng thị trường nhằm gây ảnh hưởng đến các quốc gia mà nước này nhắm đến. Hàng hóa chiến lược là nguyên liệu thô hoặc sản phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của một quốc gia. Do vậy, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu hoạt động thương mại và cung ứng hàng hóa chiến lược bị gián đoạn.
Định hướng dư luận nước ngoài thông qua trí tuệ nhân tạo và phương tiện truyền thông xã hội giả mạo
Bắc Kinh đã và đang tích cực sử dụng các chiến thuật chiến tranh thông tin để tác động đến các nhà lãnh đạo nước ngoài, các nhà ngoại giao, và những người ra quyết định quan trọng khác nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của ĐCSTQ. Một phần trong chiến dịch chiến tranh thông tin của ĐCSTQ liên quan đến việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các tài khoản, các công cụ tìm kiếm, và mạng xã hội chứa thông tin giả, mục đích là gây ảnh hưởng đến dư luận và những người ra chính sách ở ngoại quốc.
nguồn: https://www.ntdvn.com/kinh-te/nhen-chua-trung-quoc-no-luc-kiem-soat-moi-hanh-vi-cua-nhan-loai-phan-3-255930.html