Tướng Mỹ khuyên nên tăng cường đối thoại với Nga
Một quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ ngày 24/9 nói rằng, Mỹ nên tìm cách mở rộng các mối quan hệ quân sự của mình với Nga.
“Các cuộc tiếp xúc quân sự giữa hai cường quốc Nga-Mỹ hiện phần lớn chỉ giới hạn ở các lãnh đạo cấp cao như Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch và Tư lệnh đồng minh tối cao ở châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ nên xem xét việc cho phép những người đứng đầu các tổ chức, cơ quan liên quan đến quân sự thiết lập mối quan hệ bền chặt hơn với những người đồng cấp Nga – điều hiện không được phép. Bằng cách đó, chẳng hạn, các nhà lãnh đạo hải quân có thể tiếp cận để tránh xung đột khi có căng thẳng trên biển, …”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, nói với hai phóng viên đang cùng ông trở về Mỹ sau cuộc gặp 6 tiếng với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Valery Gerasimov, tại Phần Lan hôm 23/9.
“Chúng ta cần đưa ra các chính sách và thủ tục để đảm bảo rằng, chúng ta tăng cường độ chắc chắn, giảm sự không chắc chắn, tăng cường lòng tin để giảm mất lòng tin, tăng tính ổn định để giảm bất ổn nhằm tránh tính toán sai lầm và giảm khả năng xảy ra chiến tranh. Đó là điều cơ bản mà chúng ta nên nỗ lực làm và tôi sẽ cố gắng làm điều đó”, tướng Milley nói tiếp.
“Việc cho phép các quan sát viên từ mỗi quốc gia theo dõi các cuộc tập trận quân sự của nước kia cũng nên được khám phá, bởi nó sẽ tăng tính minh bạch và giảm nguy cơ xung đột. Hiện chúng ta chưa làm được điều đó, nhưng ít nhất chúng ta nên xem xét nó”, ông Milley gợi ý.
Những bình luận trên của tướng Milley được đưa ra giữa lúc ông bức xúc khi nghĩ lại đến những cuộc gọi mà ông đã đưa ra trong những tháng cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump để đảm bảo với người đồng cấp Trung Quốc rằng, Mỹ ổn định và sẽ không đột ngột gây chiến hoặc tấn công Trung Quốc.
Tướng Milley đã lập luận rằng, các cuộc gọi là thông lệ và “hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ và trách nhiệm” của công việc của mình để trấn an đối thủ và đảm bảo sự ổn định chiến lược. Song cựu Tổng thống Trump khi đó đã coi những cuộc gọi của tướng Milley với người Trung Quốc là phản quốc, và một số thành viên Quốc hội đã kêu gọi tướng Milley từ chức. Tuy nhiên, khi cuộc tranh luận nổ ra ở D.C., ông Milley đang ở cách xa hàng nghìn dặm để làm nhiều điều tương tự: nói chuyện với những người đồng cấp quân sự của mình – cả đồng minh và đối thủ – trong một loạt các cuộc họp ở châu Âu.
Mối quan hệ bấp bênh giữa Mỹ và Nga
Sau một thời gian hợp tác thời hậu Chiến tranh Lạnh về an ninh hạt nhân và các vấn đề quốc phòng khác, mối quan hệ giữa Washington và Moscow đã đi xuống, đặc biệt là sau khi các lực lượng Nga tiến vào nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Gruzia năm 2008; căng thẳng gia tăng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và sự can thiệp quân sự của Nga ở miền đông Ukraine.
Gần đây hơn, Lầu Năm Góc đã cáo buộc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ và liên kết Moscow với các cuộc tấn công mạng lan rộng, bao gồm cả chiến dịch gián điệp SolarWinds đã làm lộ 80% tài khoản email được sử dụng bởi các văn phòng luật sư Mỹ ở New York và một số bộ phận khác.
Để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine, Quốc hội Mỹ năm 2016 đã hạn chế nghiêm trọng hợp tác quân sự với Nga. Luật cấm “hợp tác quân sự-quân sự” cho đến khi Bộ trưởng Quốc phòng xác nhận rằng, Nga “đã ngừng chiếm đóng lãnh thổ Ukraine” và “các hoạt động gây hấn”. Luật sau đó đã được sửa đổi để tuyên bố rằng, nó không giới hạn các cuộc đàm phán quân sự nhằm “giảm nguy cơ xung đột”.
Ông Milley hôm 24/9 cũng khẳng định rằng, các cuộc tiếp xúc quân sự với Nga trong quá khứ đã có tác dụng làm giảm leo thang tình hình căng thẳng. Mặc dù không nói cụ thể, nhưng ông lưu ý: “Một vài sự cố xảy ra giữa Mỹ và Nga trong hai năm qua đã kích hoạt các cuộc gọi giữa tôi với tướng Gerasimov”.
“Những cuộc gọi như vậy được thực hiện với đầy đủ kiến thức từ chính quyền và thường là theo đề xuất của Nhà Trắng. Trong những trường hợp đó, các cuộc gọi đã thành công trong việc xoa dịu mọi thứ. Điều đó có thể không bao giờ xảy ra nếu không có các cuộc đàm phán”, tướng Milley nói.
Bất chấp mọi xích mích giữa hai nước, Mỹ cũng nhận thấy rằng, họ đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga trong việc chống lại những kẻ cực đoan ở Afghanistan sau khi họ rút quân khỏi quốc gia Nam Á này.
Washington đang đấu tranh để đảm bảo có được các quyền sử dụng căn cứ và nhận được sự hỗ trợ chống khủng bố khác ở các quốc gia giáp biên giới với Afghanistan. Và, theo tướng Milley, Lầu Năm Góc cần phải tăng cường đối thoại với Nga để nhận được sự giúp đỡ từ Matxcơva trong vấn đề này. Có như thế Mỹ mới có thể giám sát tốt hơn, nếu không al-Qeada và các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể tìm cách tấn công Mỹ bất cứ lúc nào.
nguồn: https://baomoi.com/tuong-my-khuyen-nen-tang-cuong-doi-thoai-voi-nga/c/40349221.epi