Share

Bắc Kinh khai triển chiến dịch sâu rộng nhằm uốn nắn xã hội

Từ công nghệ đến giải trí đến dạy phụ đạo, rất ít lĩnh vực đã bị bỏ sót trong chiến dịch thắt chặt kiểm soát của nhà cầm quyền này.

​Các đại công ty công nghệ của Trung Quốc đang giao nộp lợi nhuận kiếm được trong nhiều tháng ròng cho nhà cầm quyền ở Bắc Kinh để thể hiện lòng trung thành với Đảng Cộng sản. Các diễn viên nổi tiếng đã bị xóa khỏi lịch sử internet với việc những nhóm người hâm mộ trực tuyến tận tụy của họ bị tan rã. Các game thủ trẻ giờ đây chỉ được phép chơi không quá ba giờ mỗi tuần.

Trên khắp các lớp học của Trung Quốc, 147,000 thanh tra viên mới đã được khai triển để giám sát việc truyền bá trên toàn quốc tư tưởng của nhà lãnh đạo đứng đầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình.

Trong những tháng gần đây, dù là thương mại điện tử, giải trí, giáo dục, hoặc chơi game, ít có lĩnh vực nào của xã hội Trung Quốc còn nguyên vẹn giữa hàng loạt hành động quản lý ồ ạt của Bắc Kinh – khi các nhà chức trách kiềm chế các tác nhân vi phạm, trong lúc các thị trường chứng khoán chao đảo với hàng trăm tỷ bạc bị cuốn trôi, các công ty và cá nhân chật vật thăm dò các quy định mới, vì lo sợ rằng họ sẽ khiến nhà cầm quyền phật ý.

Các cuộc đàn áp liên tiếp này diễn ra nhanh chóng và khó hiểu, với một số người ví những nỗ lực của Đảng trong thiết kế xã hội với những nỗ lực xảy ra trong Cách mạng Văn hóa, một giai đoạn kéo dài một thập niên kể từ năm 1966 khi lãnh đạo đầu tiên của nhà cầm quyền này, ông Mao Trạch Đông, tìm cách tái khẳng định quyền kiểm soát của mình trong Đảng bằng cách khai triển một chiến dịch đồ sộ nhằm phá hủy hàng loạt các truyền thống, niềm tin tín ngưỡng, và thuần phong mỹ tục.

Một “cuộc cải cách sâu sắc” sắp diễn ra ở Trung Quốc, theo tuyên bố của nhà viết tiểu luận dân tộc chủ nghĩa Lý Quảng Mãn (Li Guangman), một cựu biên tập viên của một tờ báo nhà nước ít người biết đến. Trong một bài bình luận nhanh chóng được quảng bá trên các trang web truyền thông nhà nước nổi tiếng của Trung Quốc gần đây, ông Lý đã ca ngợi chiến dịch của nhà cầm quyền này như một “sự trở lại mục tiêu ban đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)… và bản chất của chủ nghĩa xã hội,” và đưa ra hai mục tiêu tiềm năng: nhà ở và y tế.

Cũng như các biện pháp trước đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã làm ra vẻ như một loạt các hành động này là cần thiết vì lợi ích công cộng. Tuy nhiên, các hành động này đã diễn ra với tốc độ chóng mặt, với sự kỹ lưỡng chưa từng thấy trong ký ức gần đây của Trung Quốc.

Bà June Teufel Dreyer, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, cho biết việc này giống như “những ngày đầu” của một cuộc cách mạng văn hóa.

Với ông Robert Atkinson, nhà kinh tế học đồng thời là nhà sáng lập Tổ chức Sáng tạo và Công nghệ Thông tin có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, một số biện pháp đánh dấu những nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận. Ông đã lấy lệnh cấm “các diễn viên ẻo lả” và các hạn chế chơi game làm ví dụ.

Ông Atkinson nói với The Epoch Times rằng, “Quý vị có cảm giác rằng những gì ông Tập đang nói là, ‘Không, chúng tôi không muốn một xã hội theo chủ nghĩa cá nhân. Công việc của quý vị với tư cách là một công dân Trung Quốc là ủng hộ và tuân theo nhà nước.’”

Ông cho biết, “Mục tiêu của xã hội Trung Quốc không phải là làm cho người dân hạnh phúc, mà là làm cho nhà nước hùng mạnh.”

Toàn quyền kiểm soát
Theo bà Dreyer, “cọng rơm làm gãy lưng lạc đà” (giọt nước làm tràn ly) bắt đầu từ tháng Mười năm ngoái (2020), khi nhà sáng lập đại công ty internet Alibaba Jack Ma có một phát ngôn chỉ trích thẳng thừng hệ thống quản lý của Trung Quốc. Vì sự thẳng thắn của mình, doanh nhân này đã bặt vô âm tín trong ba tháng. Chỉ sau một đêm, nhà cầm quyền đã hủy bỏ sự kiện lẽ ra phải là đợt chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng lớn nhất thế giới của Ant Group, công ty công nghệ tài chính liên kết với Alibaba.

Bắc Kinh đang “cố gắng ngăn không cho những người giàu, có thế lực như ông Jack Ma … tham gia vào quá trình ra quyết định chính trị,” bà Dreyer nói.

Philippe Lopez/AFP/Getty Images)
Việc ông Ma bị trừng phạt dường như là cột thu lôi mở ra một cuộc đại tu sâu rộng, bao trùm hầu hết mọi khía cạnh của xã hội. Kể từ đó, các cơ quan quản lý đã rút các ứng dụng bị cáo buộc những vi phạm [quy định] về việc chuyển dữ liệu, tẩy chay những người nổi tiếng “hành xử sai trái,” kỷ luật hàng ngàn tài khoản “truyền thông cá nhân” (self media) vì “bóp méo thị trường tài chính” và cấm dạy phụ đạo có trả phí đối với các môn học chính ở trường.

Ông Atkinson nói, “Đó là về việc gửi một thông điệp nói với giai tầng tư bản rằng… quý vị với tư cách là một doanh nhân đang chịu sự chi phối của nhà nước.”

Song song với các hành động này là sự nhấn mạnh mới của Bắc Kinh về “thịnh vượng chung,” một phương châm mà Đảng đã ca tụng từ những ngày đầu thành lập như là mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội.

Một trong những cam kết gần đây của ông Tập là tái phân phối tài sản để thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập rộng lớn — điều có khả năng tạo ra sự ủng hộ của dân chúng khi ông tăng cường nỗ lực cho nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba chưa từng có tiền lệ vào cuối năm tới (2022).

Các lĩnh vực bị nhắm vào đã và đang chạy đua để tuân theo các nghị quyết của Đảng này. Hàng chục diễn viên đã ký các tuyên bố ủng hộ chiến dịch của Bắc Kinh. Công ty đang gặp rắc rối Alibaba hôm 03/09 tuyên bố sẽ chi 100 tỷ NDT (15.5 tỷ USD) cho đến năm 2025 để hỗ trợ nỗ lực thịnh vượng chung.

Theo đuổi ‘sự phục hưng’
Đằng sau những thay đổi dồn dập này là tầm nhìn của ông Tập về một “sự phục hưng” vĩ đại của quốc gia, một thuật ngữ mà ông đã nhắc đến hơn hai chục lần khi ông trình bày từ ban công trên đỉnh Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 01/07 để đánh dấu sinh nhật lần thứ 100 của ĐCSTQ.

Thế nhưng chiến dịch phục hưng này đã gặp phải một số trở ngại trong nước.

Lực lượng lao động của Trung Quốc đã bị thu hẹp trong nhiều năm, một phần do chính sách sinh sản kéo dài hàng thập niên cho phép mỗi gia đình chỉ có một con. Ngay cả khi Bắc Kinh chuyển sang giới hạn hai con vào năm 2016, thì chi phí nuôi dạy trẻ em ở các đô thị Trung Quốc vẫn khiến các bậc cha mẹ tương lai lo lắng. Trung Quốc, hiện đang khuyến khích sinh con thứ ba, đã hủy bỏ các bài kiểm tra đối với học sinh lớp một và lớp hai đồng thời cấm các công ty dạy phụ đạo vì lợi nhuận, đổ lỗi cho họ vì đã gây thêm gánh nặng tài chính cho các gia đình. Đường dây nóng đã được thiết lập để truy bắt những người vi phạm.

Những biện pháp như vậy không nhất thiết được các bậc cha mẹ Trung Quốc đón nhận, những người được biết đến là đã dành nhiều thời gian và tiền bạc vào việc học của con mình để sửa soạn cho các em tham gia các kỳ thi tuyển sinh đại học có mức độ cạnh tranh gay gắt.

Cô Amy Ma (bí danh), một giáo viên tiểu học tại tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, người đã giảng dạy trong 30 năm, nói với The Epoch Times rằng, “Đây là lỗi hệ thống, và không nên bắt học sinh và phụ huynh phải gánh chịu hậu quả,” và cho biết thêm rằng các chính sách giáo dục sẽ không làm giảm bớt đi sự lo lắng của các bậc cha mẹ về tương lai của con họ.

Cô cho biết, đối với hầu hết các gia đình Trung Quốc, hệ thống giáo dục là “cơ hội đổi đời cuối cùng của con cái họ” khi mà “Đảng đã độc quyền mọi nguồn lực trong xã hội.”

Ông Richard Zhang (bí danh), một giám đốc bộ phận của một sở giáo dục cấp thành phố, nói với The Epoch Times rằng để nâng cao thành tích học tập, trẻ em Trung Quốc giờ đây sẽ phải nhờ đến các gia sư dạy kèm tại nhà. Ông cho biết với việc nhóm gia sư này bị cắt giảm do các quy định mới, chi phí của những dịch vụ như vậy có thể trở nên quá cao. Vì vậy, cuối cùng, chỉ có thể là những gia đình giàu có mới có khả năng tạo được lợi thế cạnh tranh cho con em họ mà thôi.

Sự thiếu nhiệt tình của thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc (những người sinh vào khoảng năm 1980 cho đến đầu thập niên 2000) cũng đang cản trở động lực phát triển thịnh vượng của nhà cầm quyền này. Một phong trào phản văn hóa mới được gọi là “thảng bình” (tangping), hay nằm yên và không làm gì, đang trở nên thịnh hành ở những người trẻ tuổi, những người ngày càng trở nên không hài lòng với những yêu cầu quá cao trong cuộc sống nghề nghiệp và xã hội.

Bà Dreyer cho biết, bị truyền thông nhà nước Trung Quốc quy chụp là “đáng hổ thẹn” — trong khi một số người khác lại ca ngợi đó là một hình thức phản kháng thầm lặng — cách tiếp cận cuộc sống “nằm yên mặc thế sự” được nhiều người trẻ Trung Quốc áp dụng hoàn toàn trái ngược với những gì mà ông Tập cần để hậu thuẫn cho tham vọng của Bắc Kinh.

Bà nói: “Ông ấy muốn thấy một xã hội có tính cạnh tranh cao, trong đó mọi người đều làm việc chăm chỉ và nhờ thế đất nước Trung Quốc có thể lấn át Hoa Kỳ. Ông ấy sẽ không thể đạt được điều đó nếu mọi người đều nằm yên.”

Những tai họa kinh tế
Theo Tiến sĩ Antonio Graceffo, một nhà phân tích về kinh tế Trung Quốc và là cộng tác viên của Epoch Times, người đã dành hơn hai thập niên tại Á Châu, một vấn đề cấp bách về tiền mặt cũng đang buộc Bắc Kinh phải công kích giới nhà giàu.

Biến thể Delta rất dễ lây lan của COVID-19 – vốn đã lan rộng khắp một nửa lãnh thổ Trung Quốc vào tháng Tám — đã không ngừng thách thức chiến lược tốn kém của Bắc Kinh trong việc phong tỏa các thành phố và cách ly mọi trường hợp dương tính, điều này đã làm gián đoạn việc đi lại và gây tổn hại cho ngành du lịch, một ngành công nghiệp đã từng bùng nổ góp phần vào khoảng một phần mười nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2019.

Tăng trưởng doanh số bán hàng và sản lượng của nhà xưởng trong tháng Tám đều đạt mức thấp nhất trong vòng một năm do các nhà chức trách tăng cường các biện pháp hạn chế xã hội nhằm kiềm chế các đợt bùng phát virus đang gia tăng. Trong khi đó, nợ công của Trung Quốc đã tăng lên ở mức khoảng 270% GDP của nước này trong năm 2020, tăng khoảng 30% trong vòng một năm.

Dữ liệu hàng tháng từ hồi tháng Tám cho thấy cứ bảy lao động trẻ ở thành thị thì có một người – trong độ tuổi từ 16 đến 24 – không tìm được việc làm. Hành động chống lại ngành công nghiệp dạy thêm tư nhân khiến khoảng 140 tỷ USD có khả năng bị mất và gây ra các làn sóng cắt giảm nhân sự.

Những dấu hiệu như vậy cho thấy “bờ vực của một cuộc khủng hoảng kinh tế,” ông Graceffo nói với The Epoch Times. “Tiền phải đến từ đâu đó.”

“Tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình đang làm bất cứ điều gì để kiếm ra tiền.”

Các nỗ lực để kích thích tăng trưởng sẽ càng trở nên xa vời bởi thông lệ lồng ghép các chi bộ Đảng vào các công ty của ĐCSTQ, điều này gây ra một sự cản trở nữa đối với tự do kinh tế.

Ông nói: “Các công ty sẽ không đưa ra các quyết định dựa trên lợi nhuận — họ đang đưa ra các quyết định dựa trên các lãnh đạo của chính quyền và phó thác các quyết định này cho Đảng.”

Đánh đổi
Bên cạnh những thách thức trong nước như vậy, nhà cầm quyền này đang phải đối mặt với những sức ép từ phương Tây.

Trong năm qua, Bắc Kinh đã hung hăng chống lại khi phương Tây gia tăng chỉ trích về hồ sơ nhân quyền, chủ nghĩa quân phiệt, sự thiếu minh bạch về nguồn gốc COVID-19 của nhà cầm quyền này, cùng những nỗ lực xuyên suốt của họ hòng đổ lỗi [đại dịch] cho ngoại giới.

Khoác lên mình chiếc áo đại cán màu xám trong suốt đại lễ trăm năm của Đảng, ông Tập cảnh báo rằng các lực lượng ngoại quốc sẽ bị “đánh sứt đầu mẻ trán” theo nghĩa bóng nếu họ dám bắt nạt Trung Quốc.

Các chính sách gần đây của nhà cầm quyền này cho thấy một ý thức cảnh giác ngày càng gia tăng đối với ảnh hưởng của phương Tây.

Còn đâu những bài kiểm tra Anh ngữ từ các trường tiểu học của Thượng Hải; giờ đây thay vào đó là một khóa học mới về Tư tưởng Tập Cận Bình – bắt buộc từ cấp trung học đến đại học trên toàn quốc.

Bắc Kinh đang thành lập một thị trường giao dịch chứng khoán thứ ba mà một số nhà phân tích coi là một biện pháp tách rời với phương Tây về tài chính. Một luật dữ liệu mới, áp dụng cho các công ty Trung Quốc cũng như các công ty ngoại quốc, nghiêm cấm tuyệt đối việc chuyển giao dữ liệu nội địa vào tay ngoại bang và đe dọa trả đũa bất kỳ quốc gia nào sử dụng các biện pháp “phân biệt đối xử” liên quan đến dữ liệu.

Các kênh truyền thông xã hội đã bị thanh trừng vì “đăng lại bản tin hoặc bài bình luận ở hải ngoại có chứa sự diễn giải sai lệch về các xu hướng tài chính của Trung Quốc.”

Ông Graceffo nói: “Họ không muốn người dân nghĩ về bất cứ điều gì khác ngoại trừ Đảng này và làm thế nào để phụng sự cho chế độ này.”

Theo bà Dreyer, nhà cầm quyền này đã quyết định thực hiện một “sự đánh đổi”: Cắt giảm các môn học bằng Anh ngữ và hoạt động dạy thêm tư nhân mà có thể khiến hàng triệu người mất việc, nhưng cũng đồng nghĩa với việc học sinh có thêm thời gian để học hệ tư tưởng của Đảng.

Bà nói: “Ít giảng dạy tiếng Anh hơn, nhồi sọ nhiều hơn, về lâu dài thì đây chính là những gì mà Trung Quốc cần.”

Tuy nhiên, bà Dreyer cho hay, với thị phần của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu – chiếm gần 15% trong năm 2020, và chỉ đứng thứ ba sau Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ – thì việc ngăn chặn hoàn toàn ảnh hưởng của phương Tây có lẽ là bất khả thi.

Bà nói: “Quý vị không thể nào tách biệt hoàn toàn công nghệ khỏi xã hội mà đã tạo ra chính nó.”

“Đơn giản là ông ấy đang cố gắng kháng cự,” bà Dreyer nói, khi ám chỉ đến ông Tập. “Tương lai không phải là điều được ấn định từ trước, nó chưa bao giờ là như vậy.”

nguồn: https://etviet.com/bac-kinh-khai-trien-chien-dich-sau-rong-nham-uon-nan-xa-hoi_240579.html

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *