Share

Du học sinh Trung Quốc thỉnh nguyện trước trụ sở Liên Hợp Quốc, tố cáo cảnh sát Bắc Kinh xâm hại tình dục

“Khi còn đi học, tôi đã nghĩ rằng Trung Quốc thực sự là một quốc gia pháp quyền. Nhưng bài học đầu tiên tôi học được sau khi bước ra xã hội là: Không có pháp luật”, nạn nhân bị cảnh sát Bắc Kinh xâm hại tình dục nói trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

Vào ngày 14/9, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76 đã được khai mạc tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Cùng ngày, một du học sinh Trung Quốc vừa mới đến Mỹ không lâu đã giơ biểu ngữ bảo vệ quyền lợi bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc. Cô tố cáo việc bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần ở Bắc Kinh và yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc những cảnh sát Bắc Kinh hung ác đã tấn công tình dục cô.

Hôm sau vào ngày 15/9, cô Trương Hiểu Ninh (Zhang Xiaoning) – du học sinh nói trên đã nhận lời phỏng vấn với phóng viên của The Epoch Times.

Sự việc bắt đầu từ buổi hẹn hò qua mạng. Vào mùa hè năm 2018, khi đó Trương Hiểu Ninh đang học đại học ở Bắc Kinh. Cô đã làm quen với một người đàn ông họ Lưu (Liu) trên ứng dụng Zhihu – một website Hỏi và Đáp nổi tiếng ở Trung Quốc. Đến tháng 3/2019, hai người hẹn gặp mặt lần đầu và cùng nhau đi xem phim một lần. Sau đó họ chỉ gặp nhau thêm 4 lần.

Ông Lưu đã ép Trương Hiểu Ninh quan hệ với mình, nhưng bị từ chối. Sau đó Trương Hiểu Ninh phát hiện ông Lưu đã có gia đình, đồng thời cũng mắc chứng rối loạn lưỡng cực, và thân thể bị khiếm khuyết. Do không chịu nổi việc bị quấy rầy, vào tháng 6/2019 Trương Hiểu Ninh đã báo cảnh sát, nhưng khi đến đồn cảnh sát, Trương Hiểu Ninh phát hiện ra rằng cô bỗng chốc trở thành người bị thẩm vấn.

Cô nói: “Cảnh sát lần đầu (thẩm vấn) đã đánh tôi. Tôi rất sửng sốt vì tôi chưa từng tiếp xúc với cảnh sát, cũng chưa từng gây ra chuyện gì để bị báo cảnh sát. Tôi chỉ nói chuyện bình thường và không làm bất cứ điều gì xấu. Anh ta cầm một số tài liệu gì đó đập vào tôi, đánh tôi, hơi một tí lại đập bàn trước mặt tôi”.

“Hơn nữa bất kể tôi nói gì, anh ta đều nói tôi nói dối. Tôi không biết mình đã nói dối lời nào”.

Kể từ đó, Trương Hiểu Ninh đã bị triệu tập nhiều lần. Vào giữa tháng 6, cảnh sát đã lấy đi chiếc điện thoại di động của cô và nói rằng cần phải thu thập chứng cứ để điều tra, nhưng họ không hề trả lại và không có bất cứ một biên bản tạm giữ đồ vật nào.

Trương Hiểu Ninh cho biết, cảnh sát muốn cô thừa nhận rằng những điều cô tố cáo về người đàn ông họ Lưu là giả, còn yêu cầu cô thừa nhận đã lấy USB của ông ta. Cảnh sát còn nói rằng cô bị nghi dính líu đến bí mật quốc gia.

Năm 2020, cô Trương nhiều lần bị đồn cảnh sát Song Tỉnh của quận Triều Dương, Bắc Kinh bắt đi. Cô nói: “Tôi thường xuyên bị nhốt ở đó, hễ vào là vài ngày. Cũng từng bị đưa đến trại tạm giam, nhưng họ không có bất cứ giấy tờ gì liên quan tới việc tam giam. Tôi cũng bị đưa đến một nơi giam giữ tên là Cửu Kính Trang (Jiu Jing Zhuang) và bị nhốt gần 7 ngày ở đó”.

Cảnh sát còn đưa cô đến bệnh viện để kiểm tra ba lần, bao gồm lấy máu, siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI) các loại. “Tôi không biết chính xác họ đã làm gì. Những cuộc kiểm tra này đều được thực hiện vào lúc nửa đêm, thực tế tôi đã có mặt tại đồn cảnh sát từ rất sớm”.

Bị lột trần kiểm tra thân thể, cảnh sát nhân cơ hội tấn công tình dục
Tối 19/11/2019, Trương Hiểu Ninh đã bị cảnh sát đồn Song Tỉnh đưa vào bệnh viện tâm thần với lý do cứu trợ người lang thang. Cô ấy mô tả, “Ở quận Xương Bình, Bắc Kinh, có một bệnh viện tên là Trung tây y kết hợp, phía sau có một tòa nhà hai tầng, chính là ở chỗ đó. Khi tôi bị nhốt vào đó, tôi không biết gì cả, bốn cảnh sát đã kéo tôi vào từ cửa sau”.

“Chỗ đó có ba cửa sắt lớn, một hành lang và các phòng nằm ở hai bên. Trong phòng toàn bộ đều có lan can sắt và không thể tiến lại gần cửa sổ. Chúng tôi bị nhốt bên trong mấy phòng đó, không có giường, không có chăn, vài người chen chúc nhau”.

“Sau khi vào đó, trong một căn phòng không có cửa sổ, bọn họ nói là muốn kiểm tra tôi, và muốn lột quần áo của tôi. Lúc đó có một bác sĩ nam và một y tá nữ, còn có 2 cảnh sát của đồn cảnh sát Song Tỉnh”.

Trương Hiểu Ninh bắt đầu phản kháng. “Họ nói rằng tôi bị điên, và họ trói tôi bằng thứ gì đó. Tôi không biết cái thứ màu trắng đó là vải hay băng dính. Bác sĩ nam đã tiêm cho tôi và chụp ảnh lại. Sau đó, hai cảnh sát bắt đầu ra tay”.

Sau khi tiêm, cô cảm thấy cơ thể mềm nhũn và không còn sức lực, nhưng ký ức rất rõ ràng. “Hai tên cảnh sát của đồn cảnh sát Song Tỉnh đó, tới giờ tôi vẫn có thể nhớ được khuôn mặt của họ, nhưng tôi không biết tên của họ. Tôi chỉ biết rằng một trong số họ, có một người tên là Phan Dương Thành, là đội trưởng của họ”.

Một tên cảnh sát khác đột nhiên bị gọi ra ngoài. Cô ấy bị đè lên một chiếc bàn giống như một chiếc giường, phía trên được phủ một tấm vải xanh như trên bàn phẫu thuật. Cô nói: “(Quá trình xâm hại) tiếp tục đến cuối, tôi kêu cứu nhưng vô dụng … Tôi rất đau khổ, hai năm đó tôi vô cùng đau khổ!”.

“Sau đó tôi bị trói liên tục, bị truyền dịch trong một thời gian dài và bị đặt một ống dẫn vào dạ dày. Họ nói rằng tôi không có khả năng tự chăm sóc bản thân”. Ngày hôm sau, cha cô đã đến đón cô đi. “Cảnh sát nói với bố tôi rằng tôi bị điên. Tôi đã yêu cầu họ đưa ra video ‘khiến tôi phát điên’ mà họ ghi hình, tới bây giờ họ vẫn chưa đưa nó ra”, cô cho biết.

Trương Hiểu Ninh nói, “Những người ở đó hoàn toàn không có nhân tính, trong đó còn có phụ nữ mang thai và trẻ em. Họ đều là người ngoại tỉnh, không ai trong số họ là người bản xứ Bắc Kinh. Cũng có rất nhiều người là người đi thỉnh nguyện kêu oan [bị nhốt trong đó]”.

Bị uy hiếp sau khi bị tấn công tình dục
Ban đầu, Trương Hiểu Ninh định giấu kín sự việc này, giống như hầu hết các nạn nhân bị tấn công tình dục khác, cô cảm thấy không có cách nào để truy cứu tội danh của họ, “Bởi vì ngay cả khi bị truy cứu rồi, những mất mát của tôi lớn hơn họ rất nhiều, tôi sẽ hoàn toàn sụp đổ”.

Nhưng đối phương còn đe dọa cô ấy, thậm chí còn đăng ảnh, địa chỉ, chứng minh nhân dân và các thông tin khác của cô ấy lên Internet. Cô ấy từng bị quấy rối trên mạng.

Trương Hiểu Ninh rơi vào trạng thái trầm cảm. Sau khi tốt nghiệp, cô không tìm được việc làm ở Bắc Kinh, vì vậy cô ấy phải làm các công việc bán thời gian ở khắp nơi để duy trì cuộc sống. “Công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc sống của tôi chẳng còn gì”.

“Họ cưỡng hiếp tôi, và sau đó viên cảnh sát nói đó là kiểm tra thân thể. Họ nói tôi đã đem việc kiểm tra thân thể tưởng tượng thành việc cưỡng hiếp. Họ muốn tôi rút lại cáo buộc tấn công tình dục, họ muốn giải quyết riêng và đưa cho tôi hàng chục nghìn tệ, còn giúp tôi tìm việc làm ở Bắc Kinh”.

Trương Hiểu Ninh nói: “Tôi có giấu cũng vô dụng, bọn họ rồi cũng sẽ bêu tôi ra. Ban đầu, tôi khiếu nại với cảnh sát, họ còn cười tôi, thái độ rất xấu xa. Mãi cho tới khi tôi tố cáo sự việc này lên mạng, họ mới bắt đầu nghiêm túc”.

Vì cảnh sát bao che cho nhau, nên vào khoảng tháng 10/2020, Trương Hiểu Ninh đã đăng một bức thư tố cáo lên Internet. Kể từ đó, một số cô gái là nạn nhân bị tên đàn ông họ Lưu quấy rối đã liên hệ với Trương Hiểu Ninh.

Cuối tháng 10, Trương Hiểu Ninh đệ đơn kiện dân sự lên Tòa án Triều Dương, nhưng tòa án từ chối lập hồ sơ với lý do cô không thể cung cấp thông tin chứng minh nhân dân của ông Lưu. Cô Trương đi kiện tụng khắp nơi, kêu oan, trình báo, nhưng không nơi nào nhận khiếu nại, liên hệ với phóng viên báo đài nhưng không có báo nào đưa tin.

Tháng 1/2021, người đàn ông họ Lưu kiện Trương Hiểu Ninh tội phỉ báng và vụ việc được lập án. Theo bản ghi âm phiên tòa trực tuyến của Tòa án Trung cấp số 3 Bắc Kinh do Trương Hiểu Ninh cung cấp, tòa án sơ thẩm phán quyết không đủ chứng cứ nên đã bác bỏ vụ kiện.

Trương Hiểu Ninh đã tuyên bố trước tòa rằng, cảnh sát tại đồn cảnh sát Song Tỉnh đã tấn công tình dục cô ấy. Cô liên tục đi khiếu cáo và gửi đơn nhưng tòa án đều từ chối lập án. Cô buộc phải yêu cầu sự giúp đỡ trực tuyến, nhưng thay vào đó, cô lại bị đệ đơn kiện tội phỉ báng. Cô không kìm được nước mắt, nói rằng: “Tên cảnh sát ở đồn cảnh sát Song Tỉnh không cao lắm. (Lúc đó) tôi không biết tên anh ta, nhưng tôi có thể nhận ra. Tôi đã báo cảnh sát rồi”.

Nhưng thẩm phán đã ngắt lời cô nhiều lần, nói rằng đây là phiên tòa xét xử cáo buộc tội phỉ báng của nguyên cáo Lưu.

Trương Hiểu Ninh nói với phóng viên của The Epoch Times: “Khi còn đi học, tôi đã nghĩ rằng Trung Quốc thực sự là một quốc gia pháp quyền. Nhưng bài học đầu tiên tôi học được sau khi bước ra xã hội là: Không có pháp luật”.

“Vào năm 2003, người dân Trung Quốc đều rất vui mừng khi nghĩ rằng trạm cứu trợ đã bị hủy bỏ. Nhưng điều họ không biết là bọn họ (chính quyền) đã thành lập cái gọi là trạm cứu tế vào cùng năm đó, nó còn đen tối hơn trước, bởi vì họ sẽ gán cho [bạn] bị bệnh tâm thần, không có cách nào để bảo vệ quyền lợi”.

“Tuy nhiên, không có kênh truyền thông nào đưa tin về vấn đề này. Họ sẽ chỉ nhớ đến vụ án năm 2003, và họ không biết được rằng cảnh sát có thể làm ra hành vi đê tiện như vậy”, cô nói.

Xuất ngoại đòi công lý
Vào tháng 7/2021, Trương Hiểu Ninh bắt đầu nộp đơn xin thị thực du học Mỹ. Khi đó, tòa án đã tìm đến cô và yêu cầu cô tạm thời không được rời khỏi Trung Quốc đại lục. Sang đầu tháng 8, cô bị ốm, phải làm một phẫu thuật nhỏ và nhập viện.

“Tôi đến được nước Mỹ là nhờ uống thuốc giảm đau. Vì tôi vừa trải qua ca phẫu thuật và chân tôi không thể đi lại được. Nếu không có ca phẫu thuật này, tôi sẽ không thể thoát ra. Thời gian đó họ luôn theo dõi tôi”, cô nói.

Cuối tháng 8, Trương Hiểu Ninh cuối cùng đã đến Hoa Kỳ. Visa du học của cô là đến Los Angeles. Nhưng hôm đó cô đã đến New York. Hiện tại cô không có kế hoạch tiếp tục học tập.

Cô nói, “Tôi chỉ hy vọng có thể trả lại công lý cho tôi. Những cơ quan thực thi pháp luật đó toàn nói lời ba phải, thiên vị công an, tòa án và viện kiểm sát đều không muốn nhúng tay vào sự việc này. Tôi hy vọng rằng tên cảnh sát đó sẽ bị lập án điều tra. Tôi chỉ muốn khôi phục lại sự thật”.

Phóng viên The Epoch Times đã gọi điện thoại đến đồn cảnh sát Song Tỉnh để hỏi về sự việc Trương Hiểu Ninh bị giam giữ và tấn công tình dục, họ trả lời rằng không thể tiết lộ tình tiết vụ án cho những người không phải thân nhân. Sau đó, người nghe điện thoại nói với phóng viên rằng sẽ không trả lời về vụ việc trên điện thoại.

Đồn cảnh sát Song Tỉnh thừa nhận có nhân viên tên là Phan Dương Thành. Phóng viên đã cố gắng liên hệ với Phan Dương Thành, nhưng một nữ cảnh sát đã từ chối phóng viên với lý do “tất cả câu trả lời với giới truyền thông đều phải liên hệ với bộ phận liên quan”. Sau đó phóng viên đã gọi cho người đứng đầu đồn cảnh sát Song Tỉnh, nhưng không có phản hồi.

NGUỒN: https://www.ntdvn.com/trung-quoc/du-hoc-sinh-trung-quoc-thinh-nguyen-truoc-tru-so-lien-hop-quoc-to-cao-canh-sat-bac-kinh-xam-hai-tinh-duc-251718.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *