Share

Trung Quốc sẽ áp đặt ‘phong tỏa kinh tế’ để buộc Đài Loan phải phục tùng?

Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường đe dọa Đài Loan khi Mỹ đang xem xét một số động thái có lợi cho hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền này.

Tờ Financial Times gần đây đã đưa tin rằng chính quyền Biden đang “xem xét nghiêm túc” việc cho phép hòn đảo đổi tên Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc của họ ở Washington thành đại sứ quán Đài Loan. Sau khi bài báo này được phát hành, Global Times – một tờ báo diều hâu do ĐCSTQ kiểm soát – đã đăng một bài xã luận đe dọa sẽ có những hành động kinh tế và quân sự cứng rắn chống lại hòn đảo này.

Đe dọa kinh tế
Thời báo The Epoch Times đã nói chuyện với ông Michael E. O’Hanlon, thành viên cấp cao và giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Washington, về khả năng các đe dọa này sẽ trở thành hiện thực. Ông cho biết ông coi “phong tỏa kinh tế” là hành động khả thi nhất mà Trung Quốc có thể thực hiện đối với Đài Loan – và hậu quả có thể làm tê liệt hòn đảo nhỏ này (theo định nghĩa: phong tỏa kinh tế là hành động cố ý làm gián đoạn nền kinh tế của một quốc gia).

Thay vì ngay lập tức hành động quân sự, theo ông O’Hanlon, chính quyền Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ “tìm cách để dần dần làm tăng sức ép đối với Đài Loan” bằng nhiều loại áp lực kinh tế, tâm lý và chính trị. Ông nói, một kịch bản “phong tỏa kinh tế” sẽ dễ hình dung hơn là một cuộc xâm lược có chủ đích.

Ông Dan Steiner, một đại tá Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là một chiến lược gia toàn cầu cũng đồng tình với nhận định này, nói rằng một cuộc tấn công kinh tế sẽ là “hành động khả thi nhất” mà Bắc Kinh có thể áp dụng trong tương lai gần. Ông nói với The Epoch Times rằng uốn nắn ý chí của người dân Đài Loan để chấp nhận thống nhất với Trung Quốc đại lục là “một ý tưởng khôn ngoan – và áp lực kinh tế là một phần không thể thiếu trong đó”. Theo chiến dịch “chiến tranh không hạn chế” của ĐCSTQ, ông Steiner nói, “các công cụ kinh tế được ngang bằng với các công cụ vật chất”.

Ông O’Hanlon cho rằng “đóng cửa nền kinh tế Đài Loan bằng cách can thiệp vào các tàu ra vào Đài Loan là một mối đe dọa đáng kể – ngay cả khi hòn đảo không bị cách biệt hoàn toàn”. Ông nói, ví dụ, việc cản trở các chuỗi cung ứng toàn cầu di chuyển vào và ra khỏi Đài Loan có thể gây hại rất lớn cho thị trường chứng khoán của họ, khiến cộng đồng nhà đầu tư rút lui và có khả năng dẫn đến suy thoái kinh tế.

Trong kịch bản này, ĐCSTQ “sẽ tạo được sức ép với Đài Loan để thiết lập yêu cầu thống nhất”.

Đồng thời, ông lưu ý rằng, vì ĐCSTQ đã thành thạo trên trường quốc tế, nên “Đừng ngạc nhiên khi những thứ như thuốc men và các hàng hóa khác được phép vào Đài Loan để tỏ vẻ là nhân đạo trong khi hành động của họ thực sự mang ý nghĩa khác”.

Đe dọa quân sự từ xa
Ông Steiner không tin rằng ĐCSTQ sẽ mạo hiểm khiến Đài Loan phải “chảy máu mũi” nếu có một cuộc đối đầu thực sự. Ông nói, đối mặt với khả năng Mỹ sẽ “vào cuộc” để bảo vệ Đài Loan, ĐCSTQ có thể không muốn chấp nhận rủi ro như vậy nên khả năng họ theo đuổi một cuộc xâm lược quân sự là không cao.

Ông O’Hanlon nhận thấy không chỉ xâm lược là một việc xa vời, mà ngay cả khả năng phản ứng quân sự nhỏ nhất cũng “rất đáng lo ngại”. Bởi vì một cuộc tấn công thẳng vào Đài Loan sẽ là “một sự kiện to lớn trong các vấn đề thế giới”: Toàn cầu đang hướng mắt về điểm nóng Đài Loan, nên nếu điều này xảy ra, nó sẽ không được coi là một cuộc xung đột nội bộ hoặc khu vực. Theo chuyên gia, trước sức ép của thế giới, Mỹ có thể sẽ bị đẩy vào tình thế buộc phải can thiệp, và khi ấy các quốc gia đồng minh của họ cũng không thể đứng ngoài, dẫn đến khả năng xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba hoặc chiến tranh hạt nhân.

Đầu tháng 3 vừa qua, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ khi đó là Đô đốc Philip Davidson, nói rằng mối đe dọa của ĐCSTQ xâm lược Đài Loan sẽ hiển hiện trong vòng 6 năm tới. Người đứng đầu INDOPACOM hiện nay là Đô đốc John Aquilino mới đây lại cập nhật rằng, mối đe dọa về một cuộc xâm lược của Trung Quốc là “gần hơn nhiều so với suy nghĩ của mọi người”.

Ông O’Hanlon không loại trừ các hình thức tấn công quân sự khác, bao gồm cả tấn công mạng hoặc tấn công tàu vận chuyển vào một thời điểm nào đó. Ông nói thêm, cả hai lựa chọn đều có thể gây trở ngại cho nền kinh tế Đài Loan.

Đài Loan cần làm gì?
Theo ông O’Hanlon, Đài Loan sẽ có lợi nhất nếu tích trữ các hàng hóa thiết yếu để có thể “vượt qua” cuộc phong tỏa trong một thời gian. Nhưng ông Steiner cũng cảnh báo rằng ĐCSTQ là kẻ săn mồi kiên nhẫn và Đài Loan có lẽ không thể chịu được áp lực cô lập kinh tế về lâu dài.

Ông O’Hanlon nói, trong khi đó, hòn đảo cần tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ.

Ông cho biết: “Đài Loan rất cần đảm bảo rằng kịch bản xâm lược là hoàn toàn bất khả thi bằng cách xây dựng chiến lược đẩy lùi tàu Trung Quốc một cách hiệu quả khi chúng tiếp cận bờ biển”.

Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ Đài Loan có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng thêm 8.69 tỷ USD (240 tỷ TWD) trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, ông O’Hanlon đặt câu hỏi về lợi ích của việc hạ thủy tàu chiến sản xuất trong nước gần đây ở Đài Loan. Tàu hải quân này đã được gắn mác là tàu chiến “sát thủ tàu sân bay”, được thiết kế để tăng cường năng lực quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Ông nghi ngờ nếu chế độ Trung Quốc tấn công Đài Loan, “Trung Quốc sẽ không bận tâm đến việc sử dụng tàu sân bay, vì họ có thể dễ dàng sử dụng các máy bay đặt cách bờ biển Trung Quốc 100 dặm”.

Ông O’Hanlon nói: “Bảo vệ bờ biển của Đài Loan khỏi sự xâm lược không đòi hỏi hải quân quá mạnh mẽ của một hệ thống tấn công trên bộ, mà là phòng thủ trên biển”. “Đài Loan nên tập trung nâng cao khả năng săn tàu ngầm Trung Quốc”.

Tỏ ra tử tế để ngấm ngầm đạt được âm mưu thâu tóm
Theo ông O’Hanlon, bất chấp căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, ĐCSTQ muốn được coi là “những người tốt” trên trường quốc tế. Ông cho rằng toàn bộ chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh vào thời điểm này dựa vào việc các nước khác sẵn sàng hợp tác và cộng tác với Trung Quốc, ít nhất là về mặt kinh tế.

Ông O’Hanlon cho biết: “Hợp tác và cộng tác phải là mục tiêu đủ lâu để chế độ Trung Quốc “đưa các xúc tu của mình vào nền kinh tế thế giới sâu đến mức các quốc gia riêng lẻ không dám thách thức họ trong tương lai. Chế độ này sẽ thực sự cố gắng hợp tác với hầu hết các quốc gia khác, hoặc sẽ cố gắng đánh lừa các quốc gia khác tin rằng hợp tác với họ là điều đúng đắn”.

Ông Steiner nói: “Để thành công về mặt kinh tế, chế độ Trung Quốc không thể bị coi là con yêu tinh; họ phải kiên nhẫn, trong khi con yêu tinh có thể sẽ đến sau”.

Theo ông O’Hanlon, do đó, cùng với những lời lẽ cứng rắn về hành động quân sự chống lại Đài Loan, có vẻ như chế độ Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục công khai ý tưởng về một sự thống nhất hòa bình trong thời gian này. Tuy nhiên, ông cảnh báo, “vẫn có rủi ro cao rằng họ sẽ có những hành động quân sự trong tương lai”.

NGUỒN: https://www.ntdvn.com/kinh-te/trung-quoc-se-ap-dat-phong-toa-kinh-te-doi-voi-dai-loan-de-buoc-phai-phuc-tung-250495.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *