Share

Khi tướng Mỹ quan tâm tới biến đổi khí hậu và chủng tộc hơn là chiến đấu với kẻ thù

Nhiệm vụ của quân đội là gì? Câu trả lời đơn giản là bảo vệ đất nước, chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến. Tuy vậy ngày nay ở nước Mỹ, nhiệm vụ trên dường như đã bị chệch hướng do trào lưu thức tỉnh. Có vẻ như tướng lĩnh quân đội Hoa Kỳ quan tâm tới biến đổi khí hậu hay chủng tộc hơn là tập trung vào chiến đấu với kẻ thù thực sự của họ trên chiến trường.

Lợi ích chính trị đảng phái được đặt trên lợi ích quốc gia
Trong những ngày vừa qua, chính trường Mỹ dậy sóng về tiết lộ của Tờ Washington Post về cuốn sách mới xuất bản “Peril” (Tạm dịch: Mối Nguy) trong đó tiết lộ chấn động về Tướng Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã gọi điện cho tướng Trung Quốc, trấn an rằng nếu Hoa Kỳ tấn công Trung Quốc, ông sẽ báo trước cho họ.

Những cuộc gọi này được vị tướng này thực hiện vào những ngày cuối nhiệm sở của Tổng thống Trump khi ông lo lắng rằng Tổng thống Trump có thể tấn công hạt nhân Trung Quốc.

Nội dung cuộc gọi như sau:

“Tướng Lý, tôi muốn đảm bảo với ngài rằng chính phủ Mỹ ổn định và mọi thứ sẽ ổn. Tướng Milley nói. “Tôi và ngài đã biết quen nhau đã 5 năm rồi. Nếu chúng tôi sắp tấn công, tôi sẽ gọi trước cho ông. [Như vậy] nó sẽ không gây bất ngờ.”

Tướng Milley cũng không phủ nhận những thông tin trên. Và như vậy chúng ta mặc định rằng những thông tin về các cuộc gọi cho kè thù của Mỹ từ tướng Mark Milley là có thật.

Với một người lý trí bình thường, không ai có thể ngờ được rằng, Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân, lại qua mặt Tổng tư lệnh quân đội kiêm Tổng thống Hoa Kỳ, gọi điện trước cho kẻ thù và hứa với họ rằng sẽ thông báo với họ nếu Hoa Kỳ tấn công. Chắc hẳn phía Trung Quốc cũng cực kỳ hoàn toàn bất ngờ về đề nghị này.

Đã có nhiều lời gọi hành động này là phản quốc, gồm cả Tổng thống Trump và cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Trump. Và cùng nhiều lời kêu gọi của các tướng lĩnh về hưu, cũng như các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa lên tiếng yêu cầu tướng Milley và xét xử trước toà án binh.

Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên hơn là, nhiều người vẫn ủng hộ hành động của tướng Milley và gọi đó là hành động “yêu nước”. Tổng thống Biden nói ông hoàn toàn tin tưởng tướng Milley. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng có cùng ý kiến.

Kênh CNN còn đăng trên mục Quan điểm của một cựu tướng nói rằng, ông Milley đã hành động đúng.

Thực ra, nếu theo dõi chính trường Hoa Kỳ trong những năm qua thì động thái trên không có gì khiến người ta phải ngạc nhiên. Chính trị đảng phái đã được ưu tiên hơn là an ninh quốc gia. Lợi ích của đảng phái được đặt trên lợi ích quốc gia. Ý thức hệ đảng phái được đặt trên hết. Đặc biệt là ý thức hệ cảnh tả cấp tiến có xu hướng XHCN.

Thậm chí trong lễ tưởng niệm 20 năm tấn công khủng bố 11/9 vừa qua, nhiều người còn lập luận rằng, vụ đột nhập Điện Capitol ở Washington DC ngày 6/1 đầu năm nay của những người ủng hộ Trump còn nguy hiểm hơn vụ tấn công khủng bố thảm khốc này.

Quân đội, vốn từ lâu được coi là phi chính trị, phi đảng phái thì càng ngày được lôi kéo vào trò chơi này. Các chính trị gia áp đặt ý thức hệ đảng phái lên quân đội.

Hồi năm 2015, trong bài phát biểu lễ tốt nghiệp của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, một trong 6 binh chủng của quân đội Mỹ, cựu Tổng thống Obama khi đó đã tuyên bố biến đổi khí hậu là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Biến đổi khí hậu là chương trình nghị sự của đảng Dân chủ. Đó là một động thái nhằm đưa ý thức hệ chính trị thành một trong những mối quan tâm về quân sự và an ninh quốc gia.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Biden đã phát biểu tại căn cứ không quân của Hoa Kỳ tại Anh rằng: “Đây không phải là nói đùa đâu nhé: Các bạn biết không? Các Chỉ huy trưởng liên quân nói với chúng tôi rằng mối đe dọa lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt là gì không? [Đó là] sự nóng lên toàn cầu.”

Gần đây hơn, vụ Dân biểu thuộc Uỷ ban Tình báo Hạ viện Swalwell bị cáo buộc ngủ với điệp viên Trung Quốc là Phương Phương (Fang Fang) nhưng đã được Chủ tịch Hạ Viện Pelosi phớt lờ vì đơn giản vị này là thân tín với bà Pelosi và chống Trump quyết liệt.

Tờ The Federalist chua chát bình luận rằng: “Giờ đây quân đội, thực thể cuối cùng mà người Mỹ coi trọng, là nơi trú ẩn cuối cùng khỏi sự chia rẽ chính trị đảng phái, rốt cuộc cũng đã phản bội với lòng tin của người Mỹ. Và chúng ta không nên ngạc nhiên.”

Chủ nghĩa “Thức tỉnh” đã len lỏi vào cả trong quân đội
Hôm nay, thay vì chúng ta chứng kiến một quân đội đưa ra những chiến lược để chiến đấu lại với các mối đe dọa thực sự từ kẻ thù thực sự của chúng ta là Trung Quốc, thì họ lại đặt trọng tâm vào những vấn đề liên quan đến chủng tộc. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Vũ trang Hạ viện vào tháng 6, tướng Milley tuyên bố rằng ông quan tâm đến việc tìm hiểu “Cơn thịnh nộ của người Da trắng”, tờ Federalist bình luận thêm.

Cũng trong phiên điều trần này, tướng Milley, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và nhiều thành viên trong Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về những mối đe dọa từ cái gọi là Chủ nghĩa Da trắng Thượng đẳng trong quân đội hơn là chiến lược rút quân khỏi Afghanistan. Tại đây, Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Michael Gilday, người đứng đầu hải quân, đã lên tiếng bảo vệ hành động về việc đề xuất quân nhân nên đọc cuốn “How to Be an Antiracist” – (Tạm dịch: Cách trở thành người chống phân biệt chủng tộc) của Ibram X. Kendi. Tác giả này đã phê phán Thẩm phán Tối cao Pháp viện Amy Coney Barrett, rằng việc bà nhận hai con nuôi người Haiti là hành động của “Thực dân da trắng”.

Những chương trình giáo dục được coi là liên quan đến chính trị đảng phái vốn gây chia rẽ, ví như Thuyết chủng tộc phê phán đã được giới thiệu vào trường Võ bị West Point. “Dự án 1619” đầy tranh cãi của The New York Times viết lại lịch sử nước Mỹ cũng được giới thiệu vào nhiều trường công lập trên khắp nước Mỹ.

Thuyết Chủng tộc Phê phán phân chia con người thành những chủng tộc, nhấn mạnh rằng người da trắng sinh ra vốn đã là người đi áp bức, và người da đen sinh ra là đã bị chịu áp bức và đẩy hai chủng tộc về phía đối lập với nhau. Nó có nét tương tự như thuyết “Đấu tranh giai cấp” của chủ nghĩa Marx vốn chia con người trong xã hội thành các giai cấp.

“Dự án 1619” viết lại lịch sử của Mỹ khi cho rằng Hoa Kỳ được lập quốc trên cơ sở chế độ nô lệ vốn có đầy phân biệt chủng tộc chứ không phải là cuộc cách mạng giành độc lập từ Thực dân Anh năm 1776. Dự án này đã bị nhiều nhà sử học phản bác là sai sự thật. Tác giả của “Dự án 1619”, Nikole Hannah-Jones từng ca ngợi Cu Ba là nước bình đẳng nhất thế giới.

Dân biểu Mike Waltz, một cựu quân nhân, đã chất vấn về việc dạy Thuyết chủng tộc phê phán tại trường West Point cho các sỹ quan tương lai, nói rằng “Đạn của kẻ thù không quan tâm tới màu da của anh”.

Gia đình của nhiều học viên tại trường này đã chia sẻ với dân biểu Waltz rằng thuyết này cực kỳ gây chia rẽ chính những người lính trong hàng ngũ của mình. Một nữ đại tá đã thú nhận rằng, sau khi được học xong chương trình này, cô cảm thấy tội lỗi vì màu da trắng của mình.

Thử hỏi, khi ra chiến trường, những người lính lẽ ra phải chiến đấu với kẻ thù, thì nay họ lại phải đối mặt với sự phân biệt chia rẽ ngay chính trong hàng ngũ của mình chỉ vì khác biệt về màu da và chủng tộc.

Giám đốc CIA John Brennan thời chính quyền Obama mới đây còn nói rằng ông xấu hổ với làn da trắng của mình.

Do đó, sự yếu kém trong cuộc rút quân thảm hoạ tại Afghanistan hay vụ không kích nhầm giết chết 10 dân thường ở Kabul của quân đội Mỹ cũng không có gì gây ngạc nhiên.

Sứ mệnh của quân đội đơn giản là đó là bảo vệ đất nước, chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến. Nhưng khi quân đội đào sâu vào các vấn đề chủng tộc và màu da (một trong nhiều trào lưu thức tỉnh) thì họ đã làm suy yếu học thuyết quân sự quan trọng và lâu đời vốn không liên quan đến chủng tộc, giai cấp hay là tôn giáo.

Và kẻ thù là người được hưởng lợi nhất. Tác giả Vivek Ramaswamy của cuốn Woke Inc về Chủ nghĩa Thức tỉnh đã trao đổi với tờ The Epoch Times rằng Trào lưu Thức tỉnh hiện nay có nét giống “Tự phê bình” của ĐCS Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh rằng: “Ai đó ở bên trong [hệ thống] cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh”.

Đồng thời ông cũng cảnh báo rằng:

Sự vĩ đại của Hoa Kỳ sẽ đi đến hồi kết nếu người Mỹ không chấm dứt trào lưu này.

NGUỒN: https://www.ntdvn.com/the-gioi/khi-tuong-my-quan-tam-toi-bien-doi-khi-hau-va-chung-toc-hon-la-chien-dau-voi-ke-thu-250774.html

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *