Share

Nhà Trắng: Mỹ không muốn chiến tranh lạnh với Trung Quốc

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, sau khi người đứng đầu Liên Hợp Quốc nêu quan ngại về một cuộc chiến tranh lạnh mới tiềm tàng giữa hai cường quốc.

Nữ thư ký Psaki đã có phản hồi tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Gần đây, ông Guterres đã cầu xin 2 siêu cường thế giới sửa chữa mối quan hệ “hoàn toàn không vận hành” giữa 2 nước, và kêu gọi họ tránh “bằng mọi giá” một cuộc chiến tranh lạnh. Ông nhận định, một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho các khu vực khác trên thế giới.

Tổng thư ký Guterres tin rằng, 2 nước nên hợp tác về khí hậu và tiêm chủng, đồng thời tham gia vào “đàm phán nghiêm túc” về thương mại và công nghệ, ngay cả khi căng thẳng vẫn tiếp diễn về các vấn đề nhân quyền và chủ quyền ở Biển Đông.

Trao đổi với Associated Press hôm 18/9 trước cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới của Liên Hợp Quốc, ông nêu rõ: “Thật không may, hiện nay chúng ta chỉ có đối đầu”. Ông nhận định, cuộc đối đầu như vậy có thể chia rẽ thế giới, với việc Hoa Kỳ và Trung Quốc tạo ra “hai bộ quy tắc, hai mạng nội bộ, hai chiến lược và trí tuệ nhân tạo”.

Hôm 20/9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Psaki cho biết, một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc “không phải là mục tiêu hay chính sách của Hoa Kỳ”.

Phát biểu trước các phóng viên tại một cuộc họp báo thường kỳ, bà khẳng định: “Quan điểm của tổng thống và quan điểm của chính quyền này là, mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc không phải là xung đột mà là cạnh tranh. Và vì vậy, chúng tôi sẽ không đồng ý với cách phân định [kiểu này] đối với mối quan hệ”.

Nữ thư ký nêu rõ: “Mặc dù chúng tôi có thể gặp vấn đề với một số mục tiêu mà họ tiến hành với thế giới, nhưng chúng tôi cũng có những lĩnh vực mà chúng tôi muốn tiếp tục làm việc cùng nhau”. Bà cũng bổ sung rằng, Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc họp với người đứng đầu Liên Hợp Quốc vào buổi chiều tối.

Trong bài phát biểu sắp tới của mình trước Quốc hội Liên Hợp Quốc vào ngày 21/9 (theo giờ Mỹ), ông Biden sẽ “hoàn toàn làm rõ rằng, ông ấy không muốn theo đuổi một tương lai, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”, bà Psaki nói.

Bà trích dẫn cuộc điện thoại gần đây của ông Biden với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc trao đổi này, ông Biden thảo luận về những giới hạn “để đảm bảo cạnh tranh không trở thành xung đột”, theo một tuyên bố của Nhà Trắng vào thời điểm đó.

Bà Psaki nêu rõ: “Đó là một cuộc trò chuyện thẳng thắn, nhưng nó chắc chắn không bị leo thang”.

Phiên bản nội dung dài hơn hẳn về cuộc điện đàm kéo dài 90 phút của Bắc Kinh cho thấy, ông Tập đã đổ lỗi cho các chính sách gần đây của Hoa Kỳ gây căng thẳng quan hệ song phương, và khiến cuộc đối thoại trong tương lai phải mang điều kiện “tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau”. Mặc dù nội dung phía Trung Quốc không nêu chi tiết cụ thể, nhưng trước đây Bắc Kinh đã vạch ra một danh sách các yêu cầu mà Hoa Kỳ phải đáp ứng để đổi lấy sự hợp tác của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong một cuộc họp trực tuyến vào ngày 2/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry rằng: “Hợp tác khí hậu giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ không thể tách rời khỏi môi trường rộng lớn hơn của quan hệ Trung – Mỹ”. Theo ông Vương, điều đó đòi hỏi Hoa Kỳ phải giảm bớt những lời chỉ trích về cách xử lý của Trung Quốc đối với Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong.

Tuần trước, ĐCSTQ cáo buộc Hoa Kỳ, cùng với Anh và Úc, đang có “tâm lý chiến tranh lạnh theo kiểu tổng bằng 0”, khi 3 nước này công bố một liên minh an ninh 3 bên mới nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Trong một cuộc họp báo diễn ra vào ngày 16/9, bà Psaki tương tự cho biết, chính quyền Mỹ đương nhiệm hoan nghênh “cạnh tranh gay gắt” nhưng “không tìm kiếm xung đột” với Trung Quốc. Đồng thời, bà nói thêm rằng: “Chúng tôi cam kết duy trì đối thoại cởi mở, cấp cao giữa các nhà lãnh đạo”.

Trong lý thuyết về trò chơi hay về kinh tế, thuật ngữ trò chơi có tổng bằng không thường được dùng để chỉ các tình huống mà trong đó, thắng lợi hay thất bại mà một người đạt được sẽ được cân bằng với những mất mát hay lợi ích của những người chơi khác.

nguồn: https://www.ntdvn.com/the-gioi/nha-trang-my-khong-muon-chien-tranh-lanh-voi-trung-quoc-251281.html

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *