Share

Một lời cảnh báo kịp thời về sự xâm nhập truyền thông của Bắc Kinh ở phương Tây

Tinh Đảo (Sing Tao), là cơ quan tuyên truyền có ảnh hưởng nhất của Bắc Kinh trong các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ yêu cầu đăng ký công ty con ở Hoa Kỳ như là một “đại diện ngoại quốc.” Đây là hãng thông tấn có trụ sở tại Hồng Kông đầu tiên phải đăng ký như vậy.

Công ty mẹ của Tinh Đảo là Công ty TNHH Tin tức Tinh Đảo (Sing Tao News Corporation Ltd.- STNC). Hôm 23/08, theo tài liệu do Tinh Đảo Hoa Kỳ nộp theo Đạo luật Đăng ký Đại diện Ngoại quốc (FARA), công ty này “thuộc sở hữu của chính phủ ngoại quốc, đảng chính trị ngoại quốc hoặc khách hàng ngoại quốc khác.” Theo một bản tin của tờ Axios của Hoa Kỳ, Bộ Tư pháp (DOJ) đã “xác định các hoạt động của tờ báo này [Tinh Đảo] tại Hoa Kỳ đã hội đủ điều kiện là các nỗ lực gây ảnh hưởng tại ngoại quốc.”

STNC, được niêm yết trên Sàn giao dịch Hồng Kông, là tờ báo lâu đời nhất và lớn thứ hai tại thành phố này. Tờ báo này có các chi nhánh và hoạt động trên khắp thế giới phương Tây. Ngoài tờ Tinh Đảo Nhật báo (Sing Tao Daily) là tờ chủ lực, tờ báo này còn xuất bản một số báo khổ nhỏ và một tờ bản Anh ngữ. Riêng tại Hoa Kỳ, đã có các ấn bản địa phương của Tinh Đảo Nhật báo ở New York, Los Angeles và San Francisco. Tinh Đảo cũng điều hành một đài phát thanh có trụ sở tại Burlingame, California.

Theo hồ sơ FARA của công ty, hơn một nửa nội dung về Hoa Kỳ được mua lại từ một công ty Trung Quốc, mang tên Star Production Limited, có trụ sở tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc.

Các ấn bản Hoa Kỳ của Tinh Đảo Nhật báo tuyên bố có lượng độc giả lớn nhất trong tất cả các tờ báo tiếng Trung. Vì vậy, Tinh Đảo có ảnh hưởng đáng kể trong cộng đồng người Hoa ở hải ngoại. Điều này khiến tờ báo trở thành mục tiêu rõ ràng trong kế hoạch của Trung Cộng nhằm đưa truyền thông ngoại quốc vào tầm kiểm soát của mình.

Tinh Đảo Nhật báo từng chống Trung Cộng. Trước năm 1987, tờ báo này dùng ngày tháng dựa theo lịch Dân Quốc, một biểu hiện của lòng trung thành với Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan), và gọi Bắc Kinh là “Trung Quốc Cộng sản” và Đài Bắc là “Trung Quốc Tự do.”

Việc chuyển đổi lập trường của STNC từ phản đối sang ủng hộ Trung Cộng được coi là một câu chuyện “thành công” trong chiến lược “mặt trận thống nhất” của nhà cầm quyền Trung Cộng. Quá trình này bao gồm ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, Trung Cộng đã làm dịu quan điểm chống Trung Cộng của Tinh Đảo bằng cách dành sự hiếu khách cho cổ đông lớn của STNC, bà Sally Hồ Tiên (Sally Aw Sian), cũng là con gái của nhà sáng lập công ty này. Vào giữa những năm 1980, bà Hồ đã được tiếp đón nồng nhiệt khi lần đầu tiên bà về thăm ngôi nhà của tổ tiên mình tại Phúc Kiến. Sau đó, Trung Cộng đã bổ nhiệm cho bà Hồ là một thành viên của cơ quan cố vấn đứng đầu của Trung Quốc, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Do vậy, Tinh Đảo Nhật báo đã không dùng lịch Trung Hoa Dân Quốc nữa và thay bằng Công lịch (Gregorian) (khi thể hiện ngày tháng của tờ báo), và ngừng sử dụng thuật ngữ mang tính xúc phạm “Trung Quốc Cộng sản” mỗi khi đề cập đến Bắc Kinh.

Trong hồi ký của mình, bà Hồ nhớ lại ông Hứa Gia Truân (Xu Jiatun), khi đó là giám đốc của New China News Agency (thường được gọi là Tân Hoa Xã) ở Hồng Kông đã dành lượng lớn thì giờ để chiếu cố bà ra sao.

Giai đoạn thứ hai, Trung Cộng đã nắm bắt mọi cơ hội để thực hiện quyền kiểm soát gián tiếp. Bà Hồ bị dính líu đến một vụ án hối lộ vào năm 1998. Nhưng sau đó, Tổng chưởng lý Hồng Kông đầu tiên sau năm 1997, bà Elsie Lương Ái Thi (Elsie Leung Oi-sie), đã tuyên bố trắng án cho bà Hồ với lý do vì lợi ích chung bởi công ty của bà có đến hàng ngàn nhân viên. Tuy nhiên, bà Hồ không thể tiếp tục giữ ghế chủ tịch.

Truyền thông Trung Quốc tin rằng Trung Cộng đã xoay sở để tỷ phú Charles Hà Tử Quốc (Charles Ho Tsu-kwok), chủ sở hữu của Tập đoàn Thuốc lá Hồng Kông đang sinh lời, mua cổ phần của bà Hồ và nắm quyền kiểm soát tập đoàn báo chí này. Như vậy, Trung Cộng đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát gián tiếp tờ báo. Ông Hà đã qua lại với Trung Cộng khi trở thành thành viên của CPPCC vào năm 1998.

Kể từ khi tiếp quản, STNC đã nhiệt thành ủng hộ Bắc Kinh. Ông Hà đã bổ nhiệm ông Larry Lý (Larry Li), cựu phó tổng biên tập tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), làm chủ bút của tất cả các ấn bản ở hải ngoại của Tinh Đảo Nhật báo. Không có gì ngạc nhiên khi người Hồng Kông xếp Tinh Đảo là tờ báo Bắc Kinh thứ ba tại thành phố này sau Văn Vị Báo (Wen Wei Po) và Đại Công Báo (Ta Kung Pao), cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Cộng tại Hồng Kông.

Giai đoạn thứ ba, Trung Cộng nắm quyền kiểm soát trực tiếp. Hồi tháng 06/2021, Kaisa Group, một công ty bất động sản có trụ sở tại Trung Quốc đại lục, đã mua cổ phần từ ông Charles Hà và trở thành cổ đông lớn nhất của STNC. Chủ tịch Kaisa Quách Anh Thành (Kaisa Kwok Ying-shing) nói rằng đã đến lúc ông phải trả ơn xã hội bằng cách thâu tóm STNC, đồng thời lợi nhuận không phải là mối quan tâm chính của ông. Nhận xét của ông Quách cho thấy rằng ông đang lặp lại lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về việc các doanh nhân tư nhân hãy tham gia nhiều hoạt động từ thiện hơn. Một số giám đốc của Kaisa trước đây đã từng giữ các chức vụ trong chính quyền Trung Cộng và được đào tạo tại các trường Đảng khác nhau. Chẳng hạn, trang web của Kaisa tiết lộ rằng Giám đốc điều hành Tôn Nguyệt Nam (Sun Yuenan), tốt nghiệp Trường Đảng Trung ương, trước đây từng là một quan chức tại Cục Tài nguyên Địa chính của tỉnh Hồ Nam, trong khi đó Đồng chủ tịch Lý Hải Minh (Li Haiming) tốt nghiệp Trường Đảng tỉnh Quảng Đông.

Ông Quốc cũng là phó chủ tịch của câu lạc bộ Harmony, có trụ sở tại Thâm Quyến. Câu lạc bộ này được Trung Cộng thành lập như một trong những cơ sở mặt trận thống nhất để thu hút sự ủng hộ từ các doanh nhân tư nhân. Phần lớn trong số 28 nhà sáng lập, trong đó gồm cả ông Quốc, là thành viên của CPPCC, chi nhánh điều hành của Ban Mặt trận Thống nhất của Trung Cộng.

Việc tiếp quản trên cũng mang lại cho DOJ xác thực mạnh mẽ để khẳng định STNC là một “đại diện ngoại quốc.” Tinh Đảo Hoa Kỳ đã tuyên bố trong hồ sơ [đăng ký], “Các chủ sở hữu cổ phần của Công ty TNHH Tin tức Tinh Đảo bao gồm có các cá nhân và tổ chức, một số người trong đó có thể là “cơ quan chủ quản ngoại quốc.”

Sau khi Kaisa tiếp quản, STNC trở thành cơ quan truyền thông có sức ảnh hưởng lớn thứ ba tại Hồng Kông dưới sự kiểm soát của Trung Cộng, sau Nam Hoa Tảo Báo (The South China Morning Post – SCMP) và TVB.

Cách tiếp cận ba giai đoạn này trong việc thao túng một hãng thông tấn chống Trung Cộng đã từng xảy ra trước đây và tờ China Times ở Đài Loan là một ví dụ như vậy. Ông Hà Thanh Liên (He Qinglian), chuyên gia nghiên cứu cao cấp về Nhân quyền ở Trung Quốc, đã viết một cuốn sách có tựa đề, “China’s Grand External Propaganda Campaign” (Đại Chiến dịch Tuyên truyền Ngoại giao của Trung Quốc), trong đó trình bày chi tiết về quá trình này.

Mặc dù trên thực tế, quy định của FARA có thể không ảnh hưởng xấu đến hoạt động của STNC tại Hoa Kỳ, nhưng điều này đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh nhằm cảnh báo mọi người về mối đe dọa của sự xâm nhập hệ tư tưởng của Trung Cộng vào Hoa Kỳ.

Hồi tháng 10/2019, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn Thế giới về Truyền thông Tiếng Trung lần thứ 10 và có tổng cộng 427 đại biểu từ các hãng thông tấn Trung Quốc trên toàn thế giới đã tham dự sự kiện này. Chủ đề chính là về việc kể câu chuyện Trung Hoa hay hơn trong cộng đồng quốc tế. Đây được mệnh danh là “Cuộc Trường Chinh Vĩ đại của Truyền thông Trung Quốc tại Hải ngoại.” Trong số những người tham dự, có 62 người đến từ Hoa Kỳ, 54 người từ Canada, và 44 người từ Úc và New Zealand. Cái gọi là Cuộc Trường Chinh Vĩ đại này đã cung cấp một cái nhìn sơ lược về mức độ xâm nhập tuyên truyền của Bắc Kinh vào các cộng đồng người Hoa ở phương Tây. Trong bối cảnh này, việc FARA chỉ đích danh STNC là kịp thời.

nguồn: https://etviet.com/mot-loi-canh-bao-kip-thoi-ve-su-xam-nhap-truyen-thong-cua-bac-kinh-o-phuong-tay_239518.html

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *