Share

Chuyên gia: Sự quay trở lại của sức mạnh quân sự Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gửi đến một thông điệp cho Bắc Kinh

Kể từ tháng Tám, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh của mình, đã tăng cường hiện diện quân sự xung quanh Đài Loan, làm dấy lên suy đoán về việc liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) có mạo hiểm tấn công hòn đảo tự trị này hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ấn bản tiếng Hoa của The Epoch Times vào ngày 30/08, ông Steven Hạ (Steven Xia), một cựu quan chức Trung Quốc từng tham gia phát triển công nghệ vũ khí, nói rằng phương Tây đã gia tăng hoạt động quân sự vì Trung Cộng đã hùng hổ thị uy trong khu vực này.

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Carl Vinson và các tàu khác của Hải quân Hoa Kỳ, cùng với một số tàu của các quốc gia khác, đã đang hoạt động ở các vùng biển gần Đài Loan và ở Biển Đông trong vài tuần qua.

Từ ngày 22-24/08, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm do HMS Queen Elizabeth dẫn đầu và USS America LHA-6 (một hàng không mẫu hạm hạng nhẹ) cùng nhóm tác chiến của nó, đã tổ chức một cuộc tập trận chung ở Biển Philippines tiếp giáp với Biển Đông. Các tàu quân sự của Nhật Bản và Hà Lan cũng tham gia cuộc tập trận quy mô lớn này.

Ông Hạ cho biết sức mạnh quân sự mà các hàng không mẫu hạm này thể hiện là vô cùng to lớn.

Ông nói: “Ba chiếc hàng không mẫu hạm này hình thành nên một sức mạnh tấn công lớn hơn rất nhiều so với sức mạnh của toàn bộ quân đội của nhiều nước. Chúng mang theo tổng cộng gần 80 chiến đấu cơ.”

Ông nói: “Mỗi tàu khu trục [từ các nhóm tác chiến] có hàng trăm hỏa tiễn đất đối không, và các tàu ngầm nguyên tử cũng mang theo hỏa tiễn hành trình liên lục địa. Do đó, toàn bộ lực lượng này là rất lớn.”

“Việc tập hợp lực lượng quân sự lớn như vậy ở Tây Thái Bình Dương là muốn nói rằng Trung Cộng phải hành xử đúng mực. Trung Cộng không thể chịu được sức mạnh tấn công của Hoa Kỳ và các đồng minh.”

Vào ngày 28/08, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN-70) đã cập cảng trong vài ngày tại căn cứ Yokosuka của Nhật Bản sau 18 năm ngắt quãng.

Trong lộ trình điều động kéo dài 28 tuần của mình, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth cũng đã đến thăm căn cứ Yokosuka một thời gian sau đó.

Vào ngày 10/09, một thông cáo truyền thông của Hải quân Hoa Kỳ cho biết nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Carl Vinson đang hoạt động ở Biển Đông để “duy trì quyền sử dụng tự do và cởi mở các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định trong khu vực này.”

Ông Lý Chính Tú (Lee Cheng-hsiu), một chuyên gia quân sự tại Quỹ Chính sách Quốc gia Đài Loan, cũng tin rằng hoạt động quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và các đồng minh của mình, đặc biệt là gần eo biển Đài Loan, là nhằm mục đích răn đe.

Trong đó, chuyến thăm Nhật Bản của USS Carl Vinson là một tín hiệu quan trọng, ông Lý nói với ấn bản tiếng Hoa của The Epoch Times hôm 30/08.

Ông cho biết: “Các chiến lược ngoại giao và quân sự của chính phủ ông Biden hiện đã rõ ràng, đó là việc chuyển dịch sức mạnh quân sự của mình sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Chính phủ Tổng thống Biden luôn tránh gọi Trung Cộng là một kẻ thù mà coi Trung Cộng là đối thủ cạnh tranh lớn nhất.

Ông nói, “Nhưng mọi người đều biết rằng tuyên bố ngầm của Tổng thống Biden có ý nghĩa khác. Việc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson quay lại căn cứ Nhật Bản về cơ bản là nhằm vào Trung Cộng.”

Theo ông Lý, chỉ có Nhật Bản mới có thể được coi là một đồng minh đáng tin cậy của Hoa Thịnh Đốn ở châu Á. Mặc dù Hàn Quốc đã ký một hiệp ước liên minh quân sự với Hoa Kỳ, nước này không thể cung cấp đủ sự hỗ trợ để chống lại Trung Cộng.

Về phần ASEAN (Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á), tổ chức này không muốn tham gia vào một cuộc đối đầu Mỹ-Trung có thể xảy ra. Do đó, Hoa Thịnh Đốn phải tăng cường sức mạnh quân sự của chính mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để răn đe Trung Cộng.

Ông Lý nói, “Tổng thống Biden hy vọng rằng Âu Châu, bao gồm cả Anh, Pháp, Đức và các đồng minh NATO khác có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ phòng thủ hơn để Hoa Kỳ có thể chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Trong khi Hoa Kỳ và các đồng minh của mình đã tiến hành hai cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kể từ tháng Tám, thì Trung Cộng cũng đã tiến hành một vài cuộc tập trận quân sự ở Biển Hoa Đông, Biển Đông, và eo biển Đài Loan.

Các cuộc tập trận này mô phỏng việc chiếm đảo và các hoạt động phối hợp đa lực lượng nhưng ông Lý cho biết ông tin rằng Trung Cộng sẽ không dám tấn công Đài Loan.

Ông nói rằng quân đội Hoa Kỳ hiện đại hơn và có kinh nghiệm hơn quân đội Trung Quốc. Có sự khác biệt lớn về sức mạnh chiến đấu giữa hai quốc gia này, ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Lý chỉ ra rằng Trung Cộng có lợi thế về địa lý và họ có thể dành tất cả nguồn lực của mình cho chiến tranh.

Ông Lý nói: “Mặc dù vậy, Trung Cộng không tự tin rằng sự thuận lợi về địa lý của họ có thể bù đắp cho nhược điểm của họ về vũ khí. Đó là lý do tại sao Trung Cộng đã đang sử dụng các cuộc tập trận quân sự để phô trương, nhưng họ không dám vượt qua lằn ranh đỏ, vì nhận thức được nhược điểm của mình về mặt quân sự.”

Ông Lý tin rằng Trung Cộng lo sợ một cuộc tấn công vào Đài Loan cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ này.

Ông nói: “Điều mà Trung Cộng lo ngại nhất là sự ổn định cai trị của mình. Họ tin rằng người dân Trung Quốc sẽ không đứng lên chống lại chế độ này hoặc đòi hỏi dân chủ hóa về mặt chính trị miễn là nền kinh tế Trung Quốc còn [giữ được] tốt.”

Ông cho rằng, “Nếu một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ nổ ra, Trung Cộng sẽ lo lắng rằng nếu họ thua cuộc, thì nhà lãnh đạo phải từ chức và chế độ này sẽ sụp đổ. Đó là lý do tại sao Trung Cộng sử dụng cái gọi là đe dọa và các cuộc tập trận quân sự để đối đầu và cạnh tranh với Hoa Kỳ, nhưng họ sẽ không thực sự tấn công Đài Loan.”

Ông Hạ lại có quan điểm khác, tin rằng Trung Cộng cần phải được đối xử thận trọng. Ông nói rằng trong quá khứ, cộng đồng quốc tế nghĩ rằng Trung Cộng chỉ đang gây chút áp lực lên Đài Loan để kiềm chế Hoa Kỳ.

Ông nói: “Nhưng các hành động quân sự gần đây của Trung Cộng đang khiến mọi người nghĩ rằng có khả năng họ sẽ tấn công Đài Loan.”

Ông Hạ lưu ý rằng Trung Cộng gần đây đã trưng dụng một chiếc phà dân sự (ro-ro) có trọng tải 16,000 tấn có thể chở các phương tiện quân sự cập cảng Đài Loan. Ông nói rằng đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Trung Cộng sắp hành động.

Theo một báo cáo hồi tháng Bảy do Quỹ Jamestown, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ công bố, thì có 63 tàu ro-ro ở Trung Quốc có thể được cải tạo để sử dụng cho việc vận chuyển các đơn vị quân sự.

Ông Conor Kennedy, một cộng sự nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ đã viết rằng: “Đây là những con tàu được trang bị sẵn đường dốc cho phép các xe bánh lốp và bánh xích có thể tự vận hành lên và xuống tàu.”

Ông Hạ cho rằng lực lượng quân sự mà Bắc Kinh đã sử dụng trong các cuộc tập trận ven biển gần đây có quy mô chưa từng thấy trước đây.

Ông nói: “Những hành động này thực sự khiến Hoa Kỳ lo lắng và đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đã khai triển [lực lượng] như họ đã làm ở Tây Thái Bình Dương, ngưỡng cửa của Trung Cộng.”

Ông Hạ cho rằng, “Hoa Kỳ đã mơ hồ trong chiến lược của mình đối với Đài Loan. Họ đã không muốn nói rõ ra rằng liệu họ có can thiệp trong trường hợp Trung Cộng tấn công Đài Loan hay không. Nhưng qua việc khai triển quân sự của họ gần đây, có thể thấy rằng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ can thiệp.”

nguồn: https://etviet.com/chuyen-gia-su-quay-tro-lai-cua-suc-manh-quan-su-hoa-ky-o-an-do-duong-thai-binh-duong-gui-den-mot-thong-diep-cho-bac-kinh_239288.html

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *