Một tháng sau khi chiếm Kabul, Taliban rơi vào khủng hoảng kinh tế
Sau cuộc tấn công chớp nhoáng vào tháng trước và nhanh chóng giành quyền kiểm soát Afghanistan, làm sao để nhóm phiến quân Hồi giáo Taliban có thể biến chiến thắng quân sự thành một chính phủ thời bình lâu bền vẫn còn là một bài toán khó.
Theo Reuters, mặc dù Mỹ đã viện trợ cho Afghanistan hàng trăm tỷ USD chi phí phát triển trong 20 năm qua, nhưng tình hình kinh tế Afghanistan hiện nay vẫn đang bị tàn phá nặng nề.
Hạn hán và nạn đói đang buộc hàng ngàn người từ nông thôn kéo đến các thành phố. Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme) lo ngại rằng lương thực của Afghanistan có thể cạn kiệt vào cuối tháng này, đẩy tới 14 triệu người đến bờ vực của nạn đói. Đối với nhiều người Afghanistan, ưu tiên chính là sự sống còn đơn giản.
Theo báo cáo, vẫn còn hàng dài người xếp hàng trước các ngân hàng, nơi giới hạn rút tiền hàng tuần là 200 USD hoặc 20.000 afghani đã được áp dụng để bảo vệ nguồn dự trữ đang ngày càng cạn kiệt của đất nước. Việc làm khan hiếm và nhiều công nhân chính phủ đã không được trả lương kể từ ít nhất là tháng Bảy.
Các khu chợ tạm thời đã xuất hiện trên khắp Kabul, nơi mọi người bán đồ gia dụng để đổi lấy tiền mặt, trang trải cho những chuyến đi chạy xa trốn khỏi đất nước, hoặc chỉ để gom góp tiền mua thực phẩm .
Một người bán thịt xin giấu tên cho biết: “Tình hình an ninh hiện tại khá tốt nhưng chúng tôi không có thu nhập gì cả. Mỗi ngày, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, cay đắng hơn đối với chúng tôi. Đó là một tình huống thực sự tồi tệ.”
Với việc mở cửa trở lại sân bay, các chuyến bay trợ giúp đầu tiên đã bắt đầu đến. Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết cung cấp hơn 1 tỷ USD.
Tuần này, Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc họp gây quỹ tại Geneva, Thụy Sĩ, huy động hơn 1,2 tỷ USD trong cam kết khẩn cấp để giúp 11 triệu người Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang leo thang ở quê hương của họ.
Tuy nhiên, người dân vẫn thiếu niềm tin vào Taliban. Đặc biệt là sau một số lượng lớn các báo cáo về việc giết hại dân thường và đánh đập các nhà báo cùng những người khác, cộng đồng quốc tế nói chung thiếu niềm tin vào tổ chức này.
Ngoài ra, đã có sự nghi ngờ sâu sắc đối với các nhân vật cấp cao của chính phủ như tân Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani.
Ông Haqqani là thủ lĩnh của nhóm vũ trang Haqqani. Năm 2008, tổ chức này bị cáo buộc tấn công một khách sạn hàng đầu ở Kabul, giết chết 6 người, trong đó có một công dân Hoa Kỳ. Năm 2012, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa nó vào danh sách các tổ chức khủng bố. Hiện tại, ông Haqqani vẫn bị Hoa Kỳ chỉ định là kẻ khủng bố toàn cầu với số tiền thưởng 10 triệu USD trên đầu.
Taliban tuyên bố rằng chính phủ đang nỗ lực để khôi phục hoạt động của các dịch vụ và đường phố hiện đã an toàn, nhưng khi chiến tranh kết thúc, việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang trở thành một vấn đề lớn hơn.
“Trộm cắp đã biến mất. Nhưng bánh mì cũng biến mất”, một người bán hàng cho biết.
Theo AFB, Bộ trưởng ngoại giao quyền lực của Taliban, ông Amir Khan Muttaqi, đã nói trong một cuộc họp báo rằng Taliban sẽ “sử dụng các khoản tài trợ một cách sáng suốt” và sử dụng chúng để xóa đói giảm nghèo.
Ông Muttaqi nói: “Chúng tôi biết ơn và hoan nghênh các quốc gia trên thế giới đã cam kết viện trợ khoảng 1 tỷ USD và chúng tôi kêu gọi hãy tiếp tục hỗ trợ Afghanistan.”
Ông bày tỏ rằng chế độ “sẽ làm hết sức mình để cung cấp những hỗ trợ như vậy cho những người cần một cách hoàn toàn minh bạch.”
Ông Muttaqi cũng tuyên bố rằng Taliban sẽ không để Afghanistan trở thành căn cứ để các tổ chức khủng bố tiến hành các cuộc tấn công vào các quốc gia khác.
nguồn: https://trithucvn.org/the-gioi/mot-thang-sau-khi-chiem-kabul-taliban-roi-vao-khung-hoang-kinh-te.html