Nguyên nhân kinh tế Trung Quốc suy yếu: COVID-19 và các trở ngại tăng trưởng cơ bản
Các số liệu mới nhất về Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này đang suy thoái. Các thước đo quan trọng của cả ngành công nghiệp và dịch vụ trong tháng 8 đã nói lên điều đó. Rất dễ để nhận ra rằng sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc đến từ việc gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19 vào hồi đầu hè, và các đợt phong tỏa sau đó được thực hiện dưới chính sách “không khoan nhượng” dịch bệnh của Bắc Kinh.
Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng người mắc mới ở Trung Quốc dường như đã giảm bớt, các biện pháp quản lý nghiêm ngặt cũng sẽ theo đó được dỡ bỏ, và nền kinh tế nước này có thể chứng kiến sự phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, sự gián đoạn thời gian vừa rồi sẽ khiến các doanh nhân, các nhà hoạch định chính sách, và các nhà quan sát xem xét tới một loạt các trở ngại tăng trưởng cơ bản hơn mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt.
Một thước đo nhạy cảm đối với hoạt động kinh tế – ở Trung Quốc cũng như ở các quốc gia khác – là chỉ số quản lý thu mua (PMI). Chỉ số này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã có một tháng 8 tồi tệ. Ngay cả những số liệu chính thức ‘luôn lạc quan’ từ phía chính quyền Bắc Kinh cũng nói lên điều tương tự. PMI sản xuất của tháng 8 là 50.1, tức là giảm 0.6% so với tháng 7, và hiện thấp hơn 3.5% so với hồi đầu năm. Về mặt kỹ thuật, con số 50.1 vẫn nằm trong vùng tăng trưởng, nhưng bất kỳ nhà quan sát nào cũng phải thừa nhận rằng ranh giới giữa tăng trưởng và suy thoái là quá mong manh. Trong khi đó, số liệu đến từ các tổ chức khác lại cho thấy sự suy giảm rõ ràng trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc. PMI sản xuất có được từ cuộc khảo sát Caixin/Markit độc lập là 42.9, nằm sâu trong vùng suy thoái, và giảm 7.2% so với mức ghi nhận đầu năm.
Các diễn biến ở ngành dịch vụ thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Số liệu PMI chính thức của chính phủ Trung Quốc cho thấy sự suy giảm. Con số này đang ở mức 47.5, giảm 10.9% so với tháng 7 và thấp hơn gần 14% so với mức được ghi nhận vào đầu năm nay. Trong khi đó, PMI dịch vụ tháng 8 lấy từ cuộc khảo sát độc lập của Caixin/Markit ở mức 46.7, nằm trong vùng suy thoái, giảm gần 15% so với tháng 7 và hơn 17% so với đầu năm nay.
Các bình luận từ phía chính quyền và trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã xác định sự suy giảm của nền kinh tế đến từ sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 vào mùa xuân và tác động của các đợt giãn cách xã hội vào đầu mùa hè này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ lây nhiễm trên khắp Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh vào tháng 6 và đến tháng 7, con số này đã tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ được ghi nhận hồi đầu năm. Các trường hợp phong tỏa nghiêm trọng đã được thực hiện theo yêu cầu từ phía cơ quan chức năng. Nền kinh tế bị suy yếu là điều không thể tránh khỏi.
Tốc độ các ca lây nhiễm đã chậm lại vào đầu tháng 9. Nếu điều này được duy trì thì Bắc Kinh có đủ lý do để nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt và để nền kinh tế có không gian để phục hồi. Điều đó có thể sẽ được thể hiện trong các báo cáo PMI tháng 10, cả chính thức và độc lập. Bắc Kinh sẽ cố gắng thu hút sự chú ý của dư luận đến những thành quả đó và tuyên bố rằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đang trở lại. Nhưng những tuyên bố như vậy chưa chính xác.
Đằng sau sự gián đoạn bởi COVID-19, Trung Quốc đang phải đối mặt với 3 trở ngại lớn cho sự tăng trưởng. Những trở ngại này vốn không tồn tại trong những thập kỷ trước, và chúng đang làm chậm đáng kể tốc độ phát triển của Trung Quốc ngay cả khi COVID-19 bị tiêu diệt – mà điều này rất khó xảy ra.
Điều đầu tiên là các biện pháp của Mỹ và các nền kinh tế lớn khác nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc. Việc Bắc Kinh đầu cơ một số mặt hàng quan trọng trong đại dịch năm 2020 đã thuyết phục những doanh nghiệp mua hàng ở Mỹ và các nơi khác rằng Trung Quốc là nơi không hề đáng tin cậy. Nhưng ngay cả trước khi nhận ra sự thật này, Trung Quốc đã chịu tác động nặng nề từ “cuộc chiến thương mại” năm 2019. Thay vì phải trả mức thuế cao mà Mỹ áp đặt đối với nhiều hàng hóa Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất và bán buôn của Mỹ đã tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước hoặc từ các nền kinh tế châu Á cũng như Mỹ Latinh khác. Đồng thời, nhiều công ty Trung Quốc, để tránh bị Mỹ đánh thuế, đã dịch chuyển các hoạt động ra bên ngoài Trung Quốc, chủ yếu là các nơi khác tại châu Á.
Còn một vấn đề cơ bản hơn tác động vào sự thay đổi đang diễn ra của nền kinh tế Trung Quốc. Mức lương của người lao động và chi phí sản xuất của người Trung Quốc đã tăng nhanh chóng. Khi Trung Quốc thịnh vượng hơn, người lao động sẽ có được quyền thương lượng, và điều đó đã xảy ra. Ví dụ, trong 5 năm qua, mức lương theo giờ trung bình của người lao động Trung Quốc đã tăng ở mức 8% một năm. Mặc dù mang lại lợi ích cho người lao động, xu hướng này đã làm suy yếu vị thế trước đây của Trung Quốc – vốn là nguồn cung lao động giá rẻ. Điều này đã khiến doanh nghiệp mua hàng nước ngoài phải tìm đến các nơi khác và các nhà sản xuất Trung Quốc phải ra nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất mới.
Trở ngại tăng trưởng thứ ba là hồ sơ nhân khẩu học già nua của Trung Quốc. Theo thống kê của Liên hợp quốc, chính sách một con mà Trung Quốc áp dụng từ cuối những năm 1970 cho đến gần đây đã khiến dòng người mới gia nhập lực lượng lao động của Trung Quốc giảm dần, và đến mức họ thậm chí không thể đủ để thay thế những người lao động lớn tuổi sắp nghỉ hưu. Các nhà nhân khẩu học của Liên hợp quốc ước tính rằng vào năm 2040, xu hướng này sẽ khiến quy mô dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm 10%.
Tình trạng thiếu lao động trẻ sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn so với thời kỳ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc những năm trước đây – khi mà tỷ lệ sinh cao đã cung cấp một lượng lao động dồi dào. Sự thiếu hụt lao động trong tương lai sẽ khiến mức lương của người lao động tăng cao, làm cho nền kinh tế Trung Quốc kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà sản xuất nước ngoài tìm kiếm nguồn hàng.
Bắc Kinh chắc chắn đặt mục tiêu chống lại tác động của những xu hướng này bằng kế hoạch “Made in China 2025”. Kế hoạch này tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn như xe điện, trí tuệ nhân tạo (AI), và hàng không vũ trụ, cùng nhiều sản phẩm khác. Nếu thành công, và nếu không có điều gì xuất hiện làm lu mờ sự quan tâm của thế giới đối với các sản phẩm kể trên, thì sự thay đổi này sẽ giúp Trung Quốc có thể cạnh tranh trên trường quốc tế mặc dù với mức lương cao hơn. Nhưng nỗ lực này không đủ để giúp Trung Quốc có lại tốc độ tăng trưởng giống như trước đây.
Khi một nền kinh tế kém phát triển, giống như thời kỳ phát triển của Trung Quốc bắt đầu từ cuối những năm 1970, những nhà hoạch định chính sách sẽ dễ dàng nhìn ra những gì cần phải làm. Họ chỉ đơn giản là nhìn ra nước ngoài với những nền kinh tế phát triển hơn. Và khi chính quyền đáp ứng được những nhu cầu đó, thì phần thưởng là rất lớn. Chẳng hạn, những con đường dẫn đến các ngôi làng biệt lập đã đưa những nhà sản xuất nơi ấy tham gia vào nền kinh tế quốc dân. Họ không chỉ thu về nhiều lợi nhuận hơn mà còn mở rộng cả quy mô và phạm vi sản xuất. Việc mở rộng và hiện đại hóa các cảng đã nhanh chóng tăng cường khả năng xuất cảng, đồng thời nhập khẩu các bộ phận và thiết bị cần thiết để nâng cao năng lực kinh tế trong các lĩnh vực khác. Đây chỉ là hai ví dụ về cách các khoản đầu tư ban đầu vào nền kinh tế kém phát triển của Trung Quốc đã được đền đáp một cách nhanh chóng và tuyệt vời. Một vài bước đi theo hướng này sau đó đã mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư trên thế giới, khuyến khích vốn và công nghệ đổ vào các cơ sở sản xuất của Trung Quốc mà trước đây vốn bị đóng cửa với thế giới. Tình huống đó cũng đã đào tạo ra lực lượng lao động ham học hỏi và có kỷ luật của Trung Quốc. Kết quả là Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng và phát triển đáng kinh ngạc.
Nhưng những cơ hội này đã không còn nữa khi Trung Quốc phát triển. Giờ đây, khi nước này đã bắt kịp phần lớn các nền kinh tế phát triển trên thế giới, các bước đi tiếp theo sẽ khó nắm bắt hơn và khó đạt được lợi nhuận hơn. Cùng với nhân khẩu học già hóa và các quyết định dịch chuyển nguồn cung khỏi Trung Quốc, nền kinh tế của đất nước tỷ dân sẽ không thể lặp lại những bước tiến trước đây.
Như vậy, nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó có thể phục hồi khi COVID-19 giảm bớt. Những người theo dõi Trung Quốc và giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ phải quen với thực tế rằng tốc độ phát triển của nền kinh tế trong tương lai sẽ giống với tốc độ phát triển của các nền kinh tế khác, và nó khác xa với những gì mà Trung Quốc từng đạt được trong quá khứ.
nguồn: https://www.ntdvn.com/kinh-te/nguyen-nhan-kinh-te-trung-quoc-suy-yeu-covid-19-va-cac-tro-ngai-tang-truong-co-ban-247628.html