Nước Mỹ bất đồng trong quyết định giải phóng hàng tỷ USD cho Taliban
Chia rẽ chính trị hiện hữu ở Washington về cách Mỹ sử dụng đòn bẩy tài chính với chính quyền Taliban, trong bối cảnh Afghanistan phải đối mặt với thảm họa kinh tế và nhân đạo.
Trong khi một số người cho rằng đóng băng chương trình viện trợ quốc tế cho chính quyền Taliban khiến người dân Afghanistan chịu thiệt thòi, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa lại suy nghĩ không nên từ bỏ áp lực về mặt tài chính đối với nhóm này, theo Nikkei Asia.
Cuộc tranh luận có khả năng ảnh hưởng sâu rộng vì Mỹ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Nước này thực thi quyết liệt các lệnh trừng phạt đối với Taliban, đồng thời là quốc gia quyền lực nhất trong Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cả hai tổ chức này đều ngừng hỗ trợ sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan.
Trong số 9 tỷ USD ngân hàng trung ương Afghanistan nắm dự trữ ngoại hối, khoảng 7 tỷ USD nằm trong Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, theo lời Thống đốc ngân hàng trung ương Ajmal Ahmady vào giữa tháng 8.
“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng tiền tệ ập tới Afghanistan vào thời điểm khả năng chi trả của nước này ở mức thấp nhất”, Elizabeth Threlkeld – thành viên cấp cao và là Phó giám đốc Chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Washington – cho biết. “Đây là thách thức đối với chính quyền Taliban trong tương lai, với cả các nhà hoạch định chính sách ở Washington và nhiều nơi khác”.
Cắt đứt khả năng tiếp cận hỗ trợ phát triển và dự trữ ngoại hối là một “con dao hai lưỡi”. Tuy đây là đòn bẩy mà Washington đạt được trước Taliban, động thái này cũng “đánh vào túi tiền của người dân Afghanistan vào thời điểm vốn đã đầy thách thức”, bà Threlkeld nói.
Hai quan điểm đối lập
Theo Ngân hàng Thế giới, dòng viện trợ quốc tế chiếm hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội của Afghanistan vào năm 2020. Việc Taliban lên nắm chính quyền đánh dấu bởi lạm phát, ngừng hoạt động các dịch vụ cơ bản, người tị nạn di cư và việc giải thể Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan – một trong những nơi sử dụng lao động lớn nhất của quốc gia này.
Một số nhà lập pháp Dân chủ đã kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ đưa ra thông điệp rõ ràng hơn về vấn đề này.
“Taliban là Nhóm Khủng bố Toàn cầu được Chỉ định Đặc biệt (SDGT) kể từ năm 2002”, một nhóm các thượng nghị sĩ Dân chủ, dẫn đầu bởi ông Dianne Feinstein viết trong một bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vào tuần trước. “Giờ đây, khi Taliban củng cố quyền lực, các hạn chế pháp lý đi kèm với sự chỉ định này gây ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực nhân đạo, cản trở đáng kể việc cung cấp viện trợ ở Afghanistan trong thời điểm quan trọng này”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Taliban đạt được sự công nhận quốc tế hay không phụ thuộc vào hành động của lực lượng này, “và theo nhận định của chúng tôi, họ sẽ không thể đạt được điều này một cách nhanh chóng”.
Trong khi đó, các nhà lập pháp phía đảng Cộng hòa tuần trước kêu gọi chính quyền loại bỏ bất kỳ động thái nới lỏng việc đóng băng tài chính nào với chính phủ Afghanistan.
“Chúng ta có thể và nên làm việc để thiết lập các phương tiện thay thế để hỗ trợ người dân Afghanistan. Nhưng chúng ta không thể cho phép sử dụng bất kỳ nguồn lực nào để thúc đẩy chế độ áp bức của Taliban”, ông Marco Rubio và Rob Portman viết trong thư gửi cho Bộ trưởng Yellen.
Bức thư nói rằng không nên giải phóng số tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương. Ngoài ra, Mỹ nên “can thiệp” vào IMF để đảm bảo 450 triệu USD dự trữ trong Quyền rút vốn đặc biệt sử dụng phục hồi sau đại dịch vẫn đang bị phong tỏa.
Cần sự công nhận quốc tế
Adnan Mazarei – một thành viên cấp cao không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson của Washington và là cựu phó giám đốc tại IMF – nhận thấy rất ít triển vọng tiếp cận ngay lập tức các quỹ hỗ trợ.
“Đây không phải là vấn đề chuyển tiền tự động để tiếp tục chương trình”, ông nói với Nikkei Asia.
“Vấn đề này yêu cầu sự hiểu biết mới dựa trên tình hình thực tế”, ông Mazarei nói thêm. “Cần phải có sự công nhận quốc tế. Và phải có sự hiểu biết về các chính sách và thực tiễn kinh tế của chính phủ mới”.
Cuộc tranh luận chính trị đã trở nên căng thẳng hơn trong tuần này sau khi Taliban công bố nội các toàn đàn ông. Nhiều thành viên trong nội các mới của Taliban nhận lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Một bộ trưởng nội vụ bị truy nã ở Mỹ do liên quan tới vụ tấn công chết người năm 2008 một khách sạn ở Kabul.
Richard Goldberg, cố vấn cấp cao của Quỹ bảo vệ các nền dân chủ, nhận định: “Việc nhượng Afghanistan cho Taliban là một điều kinh khủng. Nhưng quyết định công nhận tính hợp pháp và hỗ trợ cho Taliban thì đã quá rõ ràng rồi”.
“Hãy chuyển ngay sang các biện pháp trừng phạt để hạn chế khả năng Taliban tiếp cận ngoại tệ mạnh”, ông nói. “Tất cả bước đi để giảm quyền tiếp cận của nhóm khủng bố nên thực hiện tại đây”.
Nga phản đối việc đóng băng các quỹ của Afghanistan. Nước này cảnh báo nếu bị dồn ép về kinh tế, Taliban sẽ phải phụ thuộc vào hoạt động buôn bán ma túy.
G20 đang nổi lên như một diễn đàn khả thi giải quyết một số vấn đề, trong đó Trung Quốc có khả năng đóng vai trò quan trọng. Pakistan – quốc gia đang gánh chịu cuộc khủng hoảng di cư, tiếp nhận hơn 3 triệu công dân Afghanistan – đã đề xuất lập quỹ theo kiểu Kế hoạch Marshall cho Afghanistan.
Ông Mazarei thuộc Viện Peterson dự đoán các quốc gia sẽ nối lại các chương trình viện trợ theo mức khác nhau, do sự đồng thuận về tính hợp pháp của Taliban vẫn còn khó nắm bắt.
“Châu Âu nhận rủi ro về dòng người tị nạn hơn phía Mỹ. Vì vậy, họ có động lực để tái lập nhanh chóng một số mức viện trợ”, ông nói.
Đề cập tới nội các mới của Taliban, ông nói: “Thật đáng tiếc, họ thiết lập một chính phủ ‘rất giống Taliban’. Không có tính toàn diện, không cần sự trợ giúp từ những người Afghanistan khác, tôi không mong đợi họ có thể nhanh chóng giải quyết mối quan tâm của cộng đồng quốc tế về vấn đề an ninh hoặc nhân quyền”.
nguồn: https://baomoi.com/nuoc-my-bat-dong-trong-quyet-dinh-giai-phong-hang-ty-usd-cho-taliban/c/40197701.epi