Phá hoại ‘kỳ tích’ kinh tế Trung Quốc: Lỗi đến từ ông Tập
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng giống một người chống lại ông Đặng Tiểu Bình. Ông Tập chắc chắn sẽ không ưa gì cách người khác mô tả ông như thế bởi vì rốt cuộc, ông ấy đã không ít lần coi ông Đặng là tác giả của phép màu kinh tế Trung Quốc.
Nhưng bất kể ông Tập nói gì đi nữa thì những động thái trong thời gian gần đây của ông sẽ đưa Trung Quốc đi theo một hướng hoàn toàn khác so với các chính sách kinh tế của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Trên thực tế, ông Tập đã đảo ngược phần lớn những gì đã thúc đẩy Trung Quốc phát triển. Bắc Kinh cần thay đổi hướng đi hiện nay và quay lại với các phương thức kinh tế thúc đẩy tăng trưởng, còn không thì các nước phương Tây sẽ có thể cảm thấy yên tâm bởi dù sớm hay muộn thì Trung Quốc sẽ mất đi vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại và có nguy cơ đình trệ.
Ông Đặng, cùng với bất kể chính sách nào mà ông không mong muốn nhưng phải thực hiện, đã làm trỗi dậy nền kinh tế Trung Quốc hơn 40 năm trước. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 11, ông Đặng đã cho phép phá vỡ hoàn toàn cách tiếp cận tập trung và hiếu chiến từ thời Mao Trạch Đông. Ông Đặng đã thực hiện nhiều chuyến công du các nước phương Tây và chứng kiến sự phát triển kinh tế cùng mức độ giàu có ở đó. Ông còn đặc biệt ấn tượng với việc Singapore sử dụng thương mại để đi từ một quốc gia nghèo khó trở thành giàu có. Ông Đặng muốn làm điều tương tự cho Trung Quốc.
Có vẻ như ông Đặng Tiểu Bình đã đưa ra được câu trả lời cho nguyên nhân của tăng trưởng và phát triển kinh tế mà các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách, và nhà sử học không ngừng tranh luận sôi nổi.
Bằng đường lối “cải cách và mở cửa”, ông Đặng đã chấm dứt sự cô lập gần như tuyệt đối dưới thời Mao Trạch Đông và đặt ra mục tiêu khuyến khích thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác trên thế giới. Ông Đặng đã mời gọi đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, đồng thời ngừng theo đuổi các tranh chấp hải phận kéo dài giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Những cải cách của ông đã đưa việc quản lý kinh tế thoát khỏi kế hoạch tập trung cứng nhắc được áp dụng dưới thời Mao Trạch Đông, cho phép thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh theo định hướng thị trường.
Với sự giúp đỡ của phương Tây, những thay đổi ấy đã tạo ra sự phát triển và tăng trưởng nhanh chóng cho đất nước tỷ dân. Những thành quả có sẵn đó đã cho phép ông Tập Cận Bình ngày nay có được một vị thế quyền lực và uy tín mà không một nhà lãnh đạo cộng sản nào của Trung Quốc có được.
Tuy vậy, trong những năm gần đây và đặc biệt là những tháng gần đây, ông Tập dường như quyết tâm phá hủy các cấu trúc kinh tế mà đã góp phần tạo nên quyền lực của chính ông ấy. Ông Tập đã làm trầm trọng thêm các tranh chấp hải phận mà trước đó, ông Đặng đã chủ trương hạ nhiệt. Trái với các chính sách “cải cách và mở cửa”, ông Tập đang đóng cửa Trung Quốc trước nguồn vốn đầu tư từ phương Tây. Ông cũng sử dụng quyền lực quản lý của chính quyền để ngăn chặn nhiều hoạt động kinh tế vì những hoạt động này đi ngược lại với kế hoạch tập trung của ĐCSTQ, bất chấp việc chúng hứa hẹn mang đến nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Bằng chứng rõ ràng nhất về những thay đổi đến từ ông Tập là sự sách nhiễu gần đây của Bắc Kinh đối với các ông lớn công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là những tập đoàn phục vụ người tiêu dùng nội địa.
Tháng 10 năm ngoái, ông Jack Ma, người sáng lập Alibaba và công ty con Ant Financial, đã không chỉ kêu gọi sự chú ý từ công chúng mà còn công khai phàn nàn về khó khăn trong việc huy động vốn từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Vào đầu tháng 11/2020, khi Jack Ma kêu gọi nguồn tài chính cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn giao dịch Thượng Hải, Bắc Kinh đã yêu cầu sàn giao dịch này phải hủy bỏ việc giao dịch.
Gần đây hơn, Bắc Kinh đã sử dụng quyền lực quản lý của mình để trừng phạt công ty giao đồ ăn Meituan, đơn giản chỉ vì doanh nghiệp này đã phát triển quá lớn mạnh.
Công ty gọi xe Didi, sau khi IPO thành công rực rỡ tại Mỹ, đã bị Bắc Kinh cấm tìm kiếm những khách hàng mới.
Bắc Kinh cũng đã cấm một doanh nghiệp dạy thêm của Trung Quốc đang làm ăn rất phát đạt phải ngừng cung cấp dịch vụ gia sư cho các môn học giống với các môn mà học sinh được dạy ở trường, hay nói cách khác là ngừng cung cấp sản phẩm phổ biến nhất của công ty này, cho dù họ vừa mới có một đợt IPO thành công ở Mỹ.
Nghiên cứu của Goldman Sachs đã phát hiện ra rằng chỉ trong vài tháng kể từ khi ông Jack Ma lên tiếng phàn nàn, Bắc Kinh đã thực hiện ít nhất 50 động thái tương tự như trên.
Từ quan điểm kinh tế thuần túy, thật khó để biện minh cho các bước đi gần đây của ông Tập. Chúng đã ngăn cản Trung Quốc tăng trưởng kinh tế bằng cách cắt giảm dòng vốn đến những tập đoàn phát triển nhanh nhất và đổi mới nhất, đồng thời tạo nên hoang mang lớn trong giới doanh nhân và nhà đầu tư. Rõ ràng, ông Tập và chính quyền ĐCSTQ đang đặt quyền kiểm soát toàn trị và việc bảo vệ các bí mật của họ ở vị trí cao nhất.
Theo đó, họ đã chỉ đạo các ngân hàng quốc doanh ưu tiên các hoạt động phù hợp với kế hoạch của trung ương và bỏ qua bất kỳ nhu cầu vay vốn nào khác, mặc dù những nhu cầu đó hoàn toàn phù hợp với định hướng thị trường.
Ông Tập và ĐCSTQ cũng trừng phạt bất kỳ công ty nào muốn chấm dứt quyền kiểm soát của các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Do đó, việc các doanh nghiệp Trung Quốc phát hành cổ phiếu trên các sàn giao dịch Thượng Hải hoặc ở Mỹ đã dẫn đến nguy hiểm cho họ. Việc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ khiến các cổ đông nước ngoài cũng như các cơ quan quản lý Mỹ có được một số quyền kiểm soát đối với các công ty Trung Quốc, vì họ yêu cầu các công ty này phải minh bạch thông tin.
Có thể nhận thấy rằng nhiều quyết định gần đây của Bắc Kinh đang tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Trong nhiều năm trước, Trung Quốc đã phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu, từ đó giúp nền kinh tế giàu có hơn. Bắc Kinh đã xác định rằng nền kinh tế nước này cần phải mở rộng cơ sở kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu, và tập trung vào tăng trưởng các mặt hàng tiêu dùng cũng như dịch vụ. Nhưng bây giờ, ông Tập lại muốn ngăn chặn điều này và nhấn mạnh rằng cần phải quay trở lại lĩnh vực sản xuất.
Bắc Kinh đã thể hiện rõ sự thay đổi này khi đưa ra kế hoạch “Made in China 2025”. Mục đích rõ ràng là khiến thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các mặt hàng sản xuất quan trọng, trong số đó có trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện, thiết bị sinh trắc học, và hàng không vũ trụ.
Quyết định này của ông Tập đi ngược lại với định hướng thị trường, và cũng đi ngược lại những cải cách kinh tế thành công trong quá khứ. Nó có thể có tác dụng đối với Trung Quốc trong vài năm tới, nhưng cuối cùng thì sự thống trị của ĐCSTQ với các chỉ đạo từ trung ương sẽ làm quốc gia này thất bại. Bằng cách cản trở các lĩnh vực đang hoạt động tốt của nền kinh tế, Trung Quốc đã tự kết liễu các nguồn lực để đổi mới mà tất cả các nền kinh tế hiện đại cần phải có để phát triển.
Không còn nghi ngờ gì nữa, giới lãnh đạo Trung Quốc đã phủ nhận quan điểm rằng các công ty hướng đến người tiêu dùng sẽ đưa ra được những đổi mới hữu ích. Tuy nhiên, lịch sử kinh tế đã chứng minh quan điểm đấy là đúng. Do vậy, cách làm đúng đắn nhất của bất kỳ nền kinh tế nào phải là: Thúc đẩy ngày càng nhiều các thành phần tham gia vào đổi mới sáng tạo.
Chỉ đạo từ trung ương ĐCSTQ cũng sẽ thu hẹp trọng tâm của nền kinh tế, khiến toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc giảm khả năng nắm bắt được các hướng đi mới.
Kế hoạch “Made in China 2025” có thể tập trung vào các sản phẩm ‘nóng’ hiện nay, nhưng đảm bảo được liệu những sản phẩm này có thực sự nắm bắt xu thế tương lai hay không. Trong trường hợp câu trả lời là ‘không’ thì kế hoạch này sẽ tạo ra một lượng lớn phí tổn mà không nền kinh tế nào có đủ khả năng hứng chịu. Tất nhiên, các nền kinh tế định hướng thị trường cũng đã và sẽ có nhiều thất bại, nhưng bởi vì họ không bao giờ tập trung triệt để như Trung Quốc hiện nay, nên tổn thất của họ sẽ nhỏ hơn. Đồng thời, sự đa dạng trong phát triển của các doanh nghiệp ngoài Trung Quốc sẽ giúp họ nắm bắt được các xu thế của tương lai mà chưa định hình ở hiện tại.
Như đã nói ở trên, ông Tập có thể may mắn với kế hoạch “Made in China 2025”. Một phần nào đó của kế hoạch này có thể phù hợp với thị trường tương lai và tạo cho Trung Quốc một chỗ đứng kinh tế trước các đối thủ phương Tây. Nhưng những năm sau đó, chứ chưa kể đến các thập kỷ tới, kế hoạch này sẽ ngày càng đi chệch hướng so với cách mà các nhà hoạch định trung ương Trung Quốc mong đợi.
Các chính sách của ông Tập càng kéo dài, Trung Quốc sẽ càng mất đi những lợi thế mà ông Đặng Tiểu Bình đã tạo ra. Các chính sách càng gây ra nhiều thiệt hại, nền kinh tế Trung Quốc càng suy yếu.
nguồn: https://www.ntdvn.com/kinh-te/pha-hoai-ky-tich-kinh-te-trung-quoc-loi-den-tu-ong-tap-246601.html