Giáo sư ĐH Bắc Kinh: Nền giáo dục Trung Quốc không coi trọng đạo đức, dạy người ta nói dối
“Toàn bộ nền giáo dục mấy chục năm qua đã thất bại, vì chúng ta đã quá coi việc giáo dục là sự truyền thụ kiến thức, mà nó không có tác dụng gì trong việc trồng người và nuôi dạy một con người độc lập và sáng tạo, người ta đã không chú ý tới việc nuôi dưỡng ra một con người có đạo đức”, ông Trương Duy Nghênh – Giáo sư nổi tiếng của Đại học Bắc Kinh nói.
Trước các chính sách giáo dục do chính phủ Trung Quốc mới ban hành gần đây, một video phỏng vấn 10 năm trước của Giáo sư Trương Duy Nghênh (Zhang Weiying) một lần nữa được lan truyền rộng rãi trên mạng.
Ông còn nói rằng: “Tôi có thể nói thế này, nếu tất cả các trường học của chúng ta bị hủy bỏ, các trường tiểu học và đại học của chúng ta bị hủy bỏ, thì kiến thức của người Trung Quốc sẽ giảm đi rất rất nhiều, nhưng các chuẩn mực đạo đức của người Trung Quốc sẽ được nâng cao rất rất nhiều. Điều này vẫn mãi không được chú trọng. Bởi vì trên thực tế, bắt đầu từ trường tiểu học và mỗi bước đi đều là đang đào tạo mọi người nói dối”.
Hôm 8/9, The Epoch Times đã phỏng vấn một số học giả trong và ngoài Trung Quốc để lý giải về điều này.
Chuyên gia Phùng Sùng Nghĩa: Có một sự tương phản rõ rệt trong quan niệm giáo dục dưới các hệ thống xã hội khác nhau
Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một chuyên gia về Trung Quốc đến từ Đại học Công nghệ Sydney (UTS), trả lời phỏng vấn cho hay:
“Nền tảng ở đây là chế độ xã hội. Điều mà ông Trương Duy Nghênh chủ trương là giáo dục theo chế độ dân chủ hợp hiến. Nguyên tắc của nền giáo dục này là trau dồi khả năng suy nghĩ độc lập của con người”.
“Con người sinh ra đã có khả năng phán đoán đúng – sai, thiện – ác. Vì vậy, giáo dục nên dùng để trau dồi, để khai phá những điều bên trong nội tâm và lương tâm của con người, bao gồm cả tính tò mò và sở thích theo đuổi tìm cầu kiến thức mới. Đây là mục đích của giáo dục”.
Giáo sư Phùng nói rằng dưới chế độ chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mục tiêu hàng đầu của giáo dục là để thấm nhuần lòng trung thành với đảng và hệ tư tưởng của đất nước, điều này về cơ bản khác với nền giáo dục của chế độ dân chủ.
Ông nói, hình thức giáo dục dưới thời ĐCSTQ “đã bóp nghẹt tư duy độc lập, tư tưởng độc lập của con người ngay từ đầu. Nó áp đặt hình thái ý thức và quan điểm đúng – sai của ĐCSTQ lên toàn xã hội”.
“Mà quan điểm đúng – sai của ĐCSTQ, theo quan điểm của ông Trương Duy Nghênh thì nó là đảo ngược trắng đen, lẫn lộn đúng sai. Vì vậy, ông ấy nói rằng nếu nền giáo dục này bị hủy bỏ, lương tri bẩm sinh của con người có thể được bồi dưỡng trở lại, sẽ lại có một số người tốt, sẽ không cần nói dối hoặc giả nhân đức”.
Giáo sư Phùng nói rằng nền giáo dục của ĐCSTQ dạy trẻ em ngay từ khi còn nhỏ là phải tố cáo lẫn nhau và làm tổn thương nhau.
“Ngay từ nhỏ đã nuôi dưỡng ra cái tâm lý hại người này, chính là những người bạn thông thường, hay bạn học cùng lớp vốn dĩ là chăm sóc lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, và bình đẳng, nhưng từ tiểu học, ĐCSTQ đã dạy trẻ phải báo cáo bạn cùng lớp và bạn bè. Nó đã phá hủy tình cảm tự nhiên và lòng tin tưởng lẫn nhau giữa người với người, lòng trung thành với đảng đã phá hủy chúng”.
“Khi đó lương tâm của con người đã bị hủy hoại, và ngay từ khi còn nhỏ đã lừa dối, làm giả, lòng trung thành với đảng (ĐCSTQ) là trên hết. Điều này phá hủy đạo đức và nền tảng đạo đức của con người”.
“Sau đó, ở một cấp độ khác, [chính quyền này] ép buộc, truyền bá nhận thức, buộc học sinh phải chấp nhận các câu trả lời tiêu chuẩn, thay vì trau dồi tư duy phản biện hoặc kỹ năng tư duy độc lập của học sinh. Họ đang bóp chết học sinh, và tất nhiên mở rộng ra là [bóp nghẹt] sự sáng tạo của công dân”.
“Vì vậy, ông ấy (Giáo sư Trương) đưa ra quan điểm và nhận định của mình từ góc độ này, chứ không phải nói rằng tất cả nền giáo dục đều không tốt. Ông ấy đang nhắm thẳng vào nền giáo dục dưới sự thúc ép của chính quyền độc tài Trung Quốc. Nó áp đặt tư tưởng của ĐCSTQ lên người dân và hủy hoại lương tâm và khả năng suy nghĩ độc lập của mọi người”, Giáo sư Phùng nói.
Học giả Lý Nguyên Hoa: Là thực trạng nền giáo dục hiện đại ở Trung Quốc
Về quan điểm của Giáo sư Trương Duy Nghênh trong video, nguyên Phó giáo sư Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) của Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, nói với phóng viên The Epoch Times rằng, Giáo sư Trương đã nêu lên thực trạng khách quan của giáo dục Trung Quốc, nhưng ông cũng không hoàn toàn đồng ý với kết luận của ông Trương.
Ông Lý nói: “Về nền giáo dục hiện đại của Trung Quốc, từ mẫu giáo đến tiểu học, rồi trung học cho đến đại học, thậm chí cả giáo dục sau đại học, chủ yếu không chú trọng đạo đức con người, hoặc giáo dục và đào tạo người ta làm trái lương tâm. Rõ ràng đây không phải là điều bản thân thực sự mong muốn, nhưng do áp lực chính trị và áp lực xã hội, bạn phải chạy theo xu hướng, bạn phải tuân theo câu trả lời quy chuẩn. Vì vậy, nó đã bóp méo cuộc sống của bạn từ khi còn bé. Điều ông ấy (Giáo sư Trương) nói là một tồn tại khách quan”.
“Tuy nhiên, tổng thể về quan hệ nguyên nhân kết quả mà ông ấy nói, tôi không đồng ý, không có chuyện xóa bỏ giáo dục rồi thì trình độ dân trí ở Trung Quốc sẽ thấp đi và đạo đức sẽ tự nhiên nâng cao, không có mối liên hệ tự nhiên như vậy”.
Phó giáo sư nói rằng nền giáo dục truyền thống của Trung Quốc đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức, và chính ĐCSTQ đã phá hủy giáo dục truyền thống Trung Hoa.
Ông nói: “Trên thực tế, nền giáo dục truyền thống của Trung Hoa có thể đã bị hầu hết người dân Trung Quốc lãng quên. Từ xa xưa người Trung Quốc đã rất coi trọng giáo dục, nhất là giáo dục về đạo đức”.
“Giáo dục truyền thống mà tôi nói chính là ‘mông dĩ dưỡng chính’ (dạy những điều đúng đắn, chính trực ngay từ khi còn thơ bé). Sau khi đến đại học thì nhấn mạnh vào ‘Đại học chi đạo, tại minh minh đức’ (tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức, bỏ điều ác, làm điều thiện). Đạo đức xuyên suốt toàn bộ nền giáo dục. Nhưng kể từ sau năm 1949, ĐCSTQ đã hủy hoại tất cả những điều tốt đẹp này”.
Phóng viên The Epoch Times tìm hiểu biết được, từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách giáo dục “song giảm” – tức là giảm gánh nặng bài tập trên lớp và học thêm ngoại khóa cho học sinh, ở nhiều nơi đã xuất hiện hiện tượng sau khi học phụ đạo xong, học sinh liền tố cáo thầy cô giáo, học sinh thì được nhận lại học phí, còn giáo viên thì bị chịu hình phạt.
Về vấn đề này, Phó giáo sư Lý nói với The Epoch Times rằng đây là sự tiếp nối văn hóa tố giác (từ thời Đại Cách mạng Văn hóa) của ĐCSTQ và mục đích là tạo ra một bầu không khí khủng bố.
Ông Lý cho rằng việc học sinh tố giáo viên không chỉ phản ánh sự thất bại của nền giáo dục Trung Quốc mà còn phản ánh sự băng hoại đạo đức của xã hội.
“Trên thực tế, những gì nó truyền tải ở đây là một hành vi vô cùng đen tối và vô cùng trái đạo đức. Nhưng ĐCSTQ khuyến khích hành vi đó, trên thực tế, nó tương đương với việc khuyến khích kiểu vô đạo đức này, và đồng nghĩa với việc tiếp tục phá hoại đạo đức trong lĩnh vực giáo dục”, ông nói.
nguồn: https://www.ntdvn.com/trung-quoc/giao-su-dh-bac-kinh-nen-giao-duc-trung-quoc-khong-coi-trong-dao-duc-day-nguoi-ta-noi-doi-245983.html