Share

Covid-19 thế giới 10/9: Xu hướng sống chung với dịch; Trung Quốc tặng 100 triệu liều vaccine cho nước nghèo; loạt biến thể mới xâm nhập châu Á

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 224 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,62 triệu ca tử vong và hơn 200,6 triệu bệnh nhân bình phục.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm hơn 592.619 ca mới và hơn 9.200 ca tử vong. Trong đó, Mỹ cao nhất khi chiếm tới 157.268 ca mới, tiếp sau là Anh (38.013 ca), Brazil (30.891 ca), Iran (26.821 ca), …

Về số ca tử vong do Covid-19, trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 1.897 ca, cao nhất thế giới.

Xét về châu lục, châu Á là khu vực có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới với 72,19 triệu ca.

Châu Âu có 56,48 triệu ca; Bắc Mỹ có 49,87 triệu ca; Nam Mỹ có 37,18 triệu ca; châu Phi có 8,06 triệu ca; châu Đại Dương có gần 180.000 ca.

  • Tại châu Mỹ

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Mỹ dù nước này đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 54% dân số.

Trong bối cảnh biến thể Delta đang lan rộng, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ đặt các quy định nghiêm ngặt, theo đó bắt buộc tiêm vaccine đối với toàn bộ nhân viên liên bang, doanh nghiệp lớn và nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Các quy định mới có thể áp dụng cho khoảng 100 triệu người Mỹ, và đây là nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất của Tổng thống Biden đối với việc yêu cầu tiêm chủng nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

  • Tại châu Á

Ngày 9/9, Nhật Bản ghi nhận 18 ca nhiễm biến thể Eta của virus SARS-CoV-2. Đây là những ca đầu tiên nhiễm biến thể Eta ở nước này.

Ngoài các trường hợp nhiễm biến thể Eta, theo MHLW, cho đến ngày 3/9, Nhật Bản đã có 19 ca nhiễm biến thể Kappa. Hai biến thể này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách “biến thể cần quan tâm”.

Tháng trước, Nhật Bản cũng phát hiện các ca đầu tiên nhiễm biến thể Lamba.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide công bố quyết định gia hạn áp dụng tình trạng khẩn cấp tại 19 địa phương và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với 8 địa phương đến ngày 30/9.

Chính phủ Nhật Bản đã và đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc.

Dự kiến có khoảng 70% dân số Nhật Bản được tiêm ít nhất 1 mũi và 60% hoàn thành 2 mũi tiêm vào cuối tháng này.

Nhật Bản cũng đang cân nhắc sử dụng các giấy chứng nhận tiêm chủng và giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính một cách phù hợp, mở đường cho việc sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế xã hội.

Ngày 9/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong năm nay, nước này sẽ viện trợ thêm 100 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển.

Đến nay, Trung Quốc đã cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine (cả ở dạng liều đóng gói hoàn thiện hoặc theo khối lượng lớn) cho hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc cam kết sẽ ủng hộ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX 100 triệu USD và cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho thế giới trong năm nay.

Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu giai đoạn 3 trên phạm vi toàn cầu, hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine CoronaVac với trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 tháng đến 17 tuổi.

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả của vaccine CoronaVac loại hai liều đối với các ca trẻ em và thanh thiếu niên mắc Covid-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), mô hình “sống chung an toàn với Covid-19” có thể được Hàn Quốc xem xét áp dụng vào cuối tháng 10.

Điều kiện để Hàn Quốc áp dụng mô hình này là khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh đạt 90% ở người cao tuổi và 80% ở người trưởng thành.

Hàn Quốc đang cố gắng đẩy mạnh công tác tiêm chủng để có thể đạt được mục tiêu này vào cuối tháng 10 tới.

Ngày 10/9, một quan chức Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét việc mua trước các phương pháp điều trị Covid-19 từ nhiều công ty dược phẩm trên thế giới nhằm giảm nguy cơ xảy ra bất kỳ vấn đề nào về nguồn cung.

  • Tại châu Âu

Ngày 9/9, Pháp thông báo công nhận quốc tịch cho hơn 12.000 nhân viên y tế, nhân viên an ninh, hộ lý và các nhân viên tuyến đầu khác tham gia chống dịch.

Hơn 16.000 người đã đăng ký xin nhập quốc tịch Pháp trong năm qua theo chương trình đặc biệt cho phép các nhân viên trong những ngành dịch vụ đặc biệt được đăng ký nhập quốc tịch Pháp sau 2 năm, thay vì 5 năm như thông thường.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đưa Nhật Bản, Albania, Armenia, Azerbaijan, Brunei và Serbia ra khỏi danh sách đi lại an toàn, đồng nghĩa với việc người nhập cảnh EU từ nhóm 6 nước trên sẽ phải chịu các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn như xét nghiệm Covid-19 và cách ly.

Số ca lây nhiễm trung bình hàng ngày tại 6 nước này đã tăng vọt từ mức dưới 40 ca/1 triệu người vào cuối tháng 6 lên trên 100 ca/1 triệu người tính đến ngày 8/9.

nguồn: https://baomoi.com/covid-19-the-gioi-10-9-xu-huong-song-chung-voi-dich-trung-quoc-tang-100-trieu-lieu-vaccine-cho-nuoc-ngheo-loat-bien-the-moi-xam-nhap-chau-a/c/40176899.epi

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *