Share

Thế giới ứng xử thế nào với chính phủ mới của Taliban?

Thành phần chính phủ mới được Taliban công bố không đáp ứng được sự trông đợi của cộng đồng quốc tế về một chính phủ bao trùm như Taliban cam kết trước đó.

Các tiếp cận của cộng đồng quốc tế với chính phủ mới tại Afganistan

Trái với các tuyên bố trước đó, chính phủ lâm thời tại Afghanistan do Taliban vừa thành lập làm thất vọng cả người dân nước này cũng như cộng đồng quốc tế.

Trước tiên, đây là nội các độc quyền của riêng Taliban khi không có một nhân vật chính trị từ bên ngoài nào, thậm chí rất nhiều vị trí trong số 33 gương mặt này đều là những người có quan điểm Hồi giáo cứng rắn.

Nội các này cũng không có gương mặt nữ, và chủ yếu là người sắc tộc Pashtun. Cam kết về một chính phủ bao trùm, có sự tham gia của các tầng lớp, phe phái đã không trở thành hiện thực. Ngoài ra, điểm đáng chú ý là Thủ tướng của Chính phủ lâm thời, cùng một số quan chức cấp bộ vẫn đang có tên trong danh sách khủng bố của Liên Hợp Quốc và của Mỹ. Nhiều người cho rằng động thái này chẳng khác gì ‘cái tát’ vào thể diện của nước Mỹ, đồng thời gây ra những vấn đề rắc rối trong quan hệ giữa Chính phủ của Taliban với thế giới bên ngoài. Nó cũng khiến thế giới tiếp tục nhìn Taliban bằng con mắt ngờ vực, khiến người ta cẩn trọng hơn trong hợp tác và đặt ra câu hỏi liệu có thể công nhận một chính quyền mà các thành viên trong đó có dính líu tới bạo lực, khủng bố hay không?

Tới thời điểm này, các nước đã có các phản ứng đầu tiên với Nội các mới tại Afghanistan. Trả lời hãng tin TOLO của Afghanistan ngày 8/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng quỹ đạo của mối quan hệ giữa Taliban với Mỹ và với thế giới phụ thuộc hoàn toàn vào những gì lực lượng Hồi giáo vũ trang này làm, chứ không phải là những gì họ nói. Tuyên bố này nhắc nhở Taliban rằng họ từng hứa sẽ xây dựng một Chính phủ mới, thân thiện và có cơ cấu toàn diện hơn. Trong khi trên thực tế thì ngược lại.

Trong cuộc họp với Ngoại trưởng Đức Heiko Mass, ông Blinken khẳng định, Taliban còn phải thực hiện rất nhiều, phải làm rất nhiều để nhận được sự công nhận của thế giới.

Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar lên tiếng cho rằng việc sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố dưới bất cứ hình thức gì và nhằm vào bất cứ quốc gia nào là ‘không thể chấp nhận được’. Taliban phải tuân theo những tuyên bố của mình về vấn đề này. Đây là lời cảnh báo của Ấn Độ về khả năng Taliban cho phép các tổ chức khủng bố được hoạt động và tổ chức các cuộc tấn công vào Ấn Độ. Rõ ràng, thế giới đang khá thận trọng và chưa làm rõ các cách tiếp cận chi tiết với Taliban. Họ đang chờ xem Taliban tự chuyển đổi như thế nào qua việc thực hiện cam kết.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn đang có trong tay các công cụ để buộc Taliban phải điều chỉnh thái độ. Đó là các khoản viện trợ quốc tế cho nền kinh tế vốn cực kỳ mong manh và phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Afghanistan.

Một quốc gia được coi là phụ thuộc vào viện trợ khi viện trợ nước ngoài chiếm từ 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trở lên. Trong trường hợp của Afghanistan, khoảng 40% GDP của nước này là viện trợ quốc tế. Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, các cường quốc phương Tây đã đình chỉ viện trợ cho đất nước này. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã tạm dừng thanh toán các khoản vay cho Afghanistan.

Thiếu sự ủng hộ của quốc tế, Taliban sẽ điều hành đất nước ra sao?

Trở lại nắm quyền sau 20 năm đã khó, nhưng làm thế nào để ổn định lại đất nước và giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội còn khó hơn nhiều lần, nhất là khi thế giới vẫn chưa tin tưởng và sẵn sàng giúp đỡ. Điều quan trọng là Taliban không có nhiều thời gian. Taliban cũng đã ý thức điều này kể từ khi tiến vào thủ đô Kabul.

Trước tiên là phải làm thế nào để có tiền chi tiêu cho một đất nước đang tê liệt vì xáo trộn an ninh và chính trị. Hiện chưa rõ Taliban làm thế nào để có thể tiếp cận với khoảng 9 tỷ USD tiền gửi của Ngân hàng Trung ương Afghanistan ở Mỹ và khoản tài trợ 450 triệu USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Các khoản dự trữ này đều do Mỹ và các thể chế tài chính quốc tế kiểm soát và nếu Taliban muốn sử dụng số tiền này phải nhận được ‘cái gật đầu’ của Mỹ.

IMF đã dừng giải ngân khoản tiền cho Afghanistan vì rắc rối liên quan tới việc công nhận chính quyền mới. Nhưng ngay cả khi Mỹ đã đồng ý, Taliban hiện cũng gặp khó trong việc nhận được tiền. Đó là bởi chính phủ mới hiện tại đang phải xây dựng lại được bộ máy thạo việc và thông suốt. Nền kinh tế hiện tại ở Afghanistan cũng đã thay đổi nhiều và có quy mô gấp 3 lần so với thời điểm Taliban cầm quyền hơn 20 năm trước. Kinh nghiệm điều hành là điều mà Taliban hoàn toàn thiếu. Sự lúng túng lúc này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và một thảm họa nhân đạo với 36 triệu người Afghanistan.

Một vấn đề nữa là khi nào thì Taliban sẽ thôi đóng cửa và để nền kinh tế Afghanistan giao thương với thế giới. Khi Taliban làm chủ đất nước Afghanistan 20 năm trước, thu nhập bình quân của người dân nước này chỉ chưa đến 1 USD/ngày. Còn giờ đây, theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người đã tăng gần gấp 3 lần sau 20 năm. Các sản phẩm và dịch vụ của thế giới hiện đại đều đã có mặt ở Afghanistan. Tất cả đều cần quyền tiếp cận với nền kinh tế toàn cầu. Chiến tranh và bất ổn cũng khiến đất nước này phụ thuộc nhiều vào thương mại với kim ngạch nhập khẩu 8 tỷ USD hàng năm, gấp gần 10 lần so với sản lượng xuất khẩu.

Nhiều người cho rằng Taliban vẫn sẽ ổn nhờ các khoản thu nhập họ có được trong suốt giai đoạn náu mình, giành giật lãnh thổ trước đây. Nhưng điều đó chắc chắn là không đủ đối với một chính phủ phải kiểm soát và điều hành đất nước. Ngoài ra, Taliban cũng sẽ phải cân bằng giữa việc được thế giới công nhận với việc duy trì sự ủng hộ trong nội bộ các chiến binh Hồi giáo cực đoan, những người đã đưa họ lên nắm quyền.

Bài toán khó với cộng đồng quốc tế

Vấn đề của đất nước Afghanistan giờ tùy thuộc vào hành động của Taliban. Với một nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ nhiều như Afghanistan, bất cứ một cú sốc nào như chiến tranh, bạo lực và biến động chính trị cũng khiến thảm họa xảy ra. Đây không chỉ là cảnh báo nữa mà đã là thực tế đang tồn tại.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết thảm họa đầu tiên là hơn 600.000 người Afghanistan mất nhà cửa từ đầu năm tới nay do bạo lực và khủng bố. 80% những người này là phụ nữ và trẻ em. Nỗi sợ hãi chính quyền Taliban và bạo lực buộc họ phải đổ sang các nước láng giềng như Iran và Pakistan xin tị nạn. Chưa kể, hơn 100.000 người đã phải rời bỏ đất nước sang Mỹ và các nước phương Tây trên các chuyến bay sơ tán cuối tháng 8.

Trong khi đó, ước tính của Chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc (WFP) cho biết 1/3 dân số Afghanistan, tương đương hơn 12,6 triệu người đang thiếu đói; trong số này có 2 triệu trẻ em. Thực tế, tình trạng khan hiếm lương thực trầm trọng xảy ra quốc gia này từ cuối tháng 7. Hạn hán đã lấy đi 40% sản lượng lương thực của nông dân Afghanistan trong năm nay, khiến đàn gia súc bị ảnh hưởng rất nhiều. Các chương trình hỗ trợ của WFP cho người dân Afghanistan sẽ dừng hoạt động trong tháng 9 này nếu không được cấp tiền bổ sung.

Hiện thế giới vẫn đang đợi phản ứng của Taliban để có thể triển khai các hoạt động cứu trợ. Trong khi Taliban vẫn đang còn loay hoay với việc phân chia quyền lực trong nội bộ và siết chặt các hành động phản kháng. Có lẽ, thế giới cần có một cách nào đó để sớm nối lại đối thoại với Taliban và tìm ra cách thức phù hợp cứu trợ người dân Afghanistan trước khi các nguy cơ trở thành thảm họa thực sự./.

nguồn: https://baomoi.com/the-gioi-ung-xu-the-nao-voi-chinh-phu-moi-cua-taliban/c/30082551.epi

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *