Share

Bão Ida phơi bày hai nửa thế giới đối lập ở tiểu bang Mỹ

Sau cơn bão Ida, bang Louisiana chia thành hai nửa đối lập. Đây là ví dụ điển hình cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của nước Mỹ trong công cuộc phòng chống thiên tai.

Sau thảm họa bão Katrina năm 2005, một hệ thống đê đập cùng máy bơm quy mô và tốn kém đã được lắp đặt xung quanh New Orleans để bảo vệ thành phố khỏi lũ lụt.

Mười sáu năm sau, hiệu quả đã thể hiện rõ khi cơn bão Ida mới đây tác động rất ít đến thành phố đông nam Louisiana.

Nhưng khi Ida di chuyển về phía bắc Louisiana, thương vong và thiệt hại lớn hơn đã xảy ra. Quận Lafourche và Terrebonne lo ngại khi những nơi nổi tiếng hơn như New Orleans ngày càng chiếm lợi thế trong cuộc cạnh tranh để được tài trợ phòng chống bão.

Tình trạng của Louisiana là ví dụ điển hình về tình thế tiến thoái lưỡng nan của nước Mỹ trong công cuộc phòng chống thiên tai: Nơi nào cần được cứu hơn?

Quyết định khó khăn

Khi Cơ quan Quản lý Thảm họa Mỹ giới thiệu một chương trình mới để giúp các thành phố và tiểu bang chuẩn bị cho thiên tai, yêu cầu tài trợ đã vượt xa số tiền hiện có.

Nhưng ngay cả khi tiền có thể được chi cho những nơi ít tiếng tăm như Larose, liệu đó có phải một quyết định đúng đắn?

Giáo sư Jesse Keenan tại Đại học Tulane cho biết: “Những nơi như Larose sẽ không tồn tại lâu nữa. Khi thiên tai ngày càng tồi tệ và đẩy nhiều người rời khỏi thị trấn, số lượng người được hưởng lợi từ các hệ thống phòng chống bão đang giảm dần”. Vì vậy, chính phủ không cảm thấy cần thiết để tiến hành các dự án tại đây.

Các quan chức ở Louisiana không nghĩ vậy. Họ lập luận rằng đầu tư ngay bây giờ vào các dự án ở Lafourche và Terrebonne sẽ tiết kiệm tiền cho chính phủ liên bang trong dài hạn. Theo họ, các dự án phòng chống bão sẽ giúp giảm chi phí dọn dẹp và yêu cầu cứu trợ thảm họa từ chính phủ.

Dự án phòng chống lũ ở Terrebonne có tên Morganza to the Gulf, được thiết kế để bảo vệ 250.000 người khỏi lũ lụt. Nhưng không giống như hệ thống ở New Orleans, Morganza vẫn chưa nhận được khoản tiền đáng kể nào từ liên bang mặc dù đã được Quốc hội phê duyệt từ năm 1992.

“Chúng tôi không muốn chờ đợi. Chúng tôi không muốn thấy túi đựng cơ thể ở khắp nơi”, ông Reggie Dupre, giám đốc điều hành của Đê Terrebonne nói.

Sau nhiều năm đấu tranh, hệ thống Morganza đã nhận được khoản tài trợ liên bang đầu tiên trị giá 12,5 triệu USD trong năm nay.

“Hai thế giới”

Theo ông Michael Jiles, một mục sư tại quận Plaquemine, kịch bản lũ từ năm này qua năm khác đều vậy: Các con đê do địa phương tài trợ không thể bảo vệ khu dân cư, khiến nhà dân ngập hết lần này đến lần khác.

Ông Jiles hiểu rõ tại sao khu phố của mình không nhận được sự bảo vệ vững chắc như New Orleans hay giáo xứ St. Bernard lân cận.

“Là do dân số và sức mạnh kinh tế”, ông nói.

Garret Graves, một nghị sĩ đảng Cộng hòa từ Louisiana, cho biết cách tiếp cận của chính phủ liên bang trong việc tài trợ cho các dự án bảo vệ sau bão Katrina là “tập trung vào các trung tâm dân cư”.

Trong khi đó, mật độ dân số của Plaquemines không đủ cao để được tài trợ.

Sự tương phản giữa hai Louisiana – bên trong và bên ngoài hệ thống bảo vệ – là rất rõ ràng. Ngay sau cơn bão Isaac năm 2012, ông Jiles đứng trên con đê ngăn cách Plaquemines với giáo xứ St. Bernard bên cạnh.

Một bên ngập trong nước lũ đến vài mét, một bên tạnh ráo như chưa từng có cơn bão nào đi qua.

Khi đứng trên con đê ấy, ông Jiles đã có thể “nhìn thấy 2 thế giới”.

Theo ông Jiles, nếu không được bảo vệ đúng nghĩa, khu dân cư của ông sẽ không tồn tại lâu nữa.

Thực tế, người dân bắt đầu rời khỏi Plaquemines sau cơn bão Katrina. Với mỗi cơn bão qua đi, khu dân cư ngày càng trở nên hoang vắng.

“Dần dần nó sẽ bị xóa sổ”, ông Jiles nói.

Điều tương tự cũng đang xảy ra ở các khu dân cư ven biển khác của Louisiana.

Giải pháp

Chính quyền bang Louisiana đã thừa nhận rằng không phải mọi cộng đồng đều có thể được nhận trợ giúp.

Thay vào đó, bang này đã đề ra một kế hoạch chi tiết để các cộng đồng ven biển di chuyển sâu hơn vào nội địa. Chính phủ sẽ trả tiền cho các dự án tái định cư này.

Năm 2016, các quan chức Louisiana bắt đầu quá trình di dời cư dân của Isle de Jean Charles, một ngôi làng ở phía nam Terrebonne, nơi đã mất phần lớn diện tích đất do nước biển dâng và xói mòn. Bang đang xây dựng một địa điểm mới cho ngôi làng, được gọi là The New Isle, cách đó khoảng 50 km về phía bắc.

Đây là dự án tái định cư đầu tiên do liên bang tài trợ để ứng phó với biến đổi khí hậu và được thiết kế để trở thành hình mẫu cho các cộng đồng khác noi theo.

“Chúng ta phải thực tế về những tác động hiện tại và tương lai của việc mất đất ven biển và lập kế hoạch ngay hôm nay để phát triển thế hệ cộng đồng tiếp theo của Louisiana”, thống đốc bang John Bel Edwards cho biết.

nguồn: https://baomoi.com/bao-ida-phoi-bay-hai-nua-the-gioi-doi-lap-o-tieu-bang-my/c/40121234.epi

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *