Vũ khí chống vệ tinh của Trung Cộng đặt ra cho Hoa Kỳ thách thức phức tạp
Trung Cộng đã tiếp tục phát triển một loạt vũ khí chống vệ tinh (ASAT) được thiết kế để áp đảo tài sản của Hoa Kỳ trong không gian vũ trụ, ngay cả khi các cố vấn của chính phủ ông Biden đưa ra lời kêu gọi hợp tác giữa hai quốc gia.
Kho vũ khí không gian ngày càng lớn của Trung Cộng hiện bao gồm hỏa tiễn, vũ khí mạng, thiết bị gây nhiễu vệ tinh, robot vũ trụ có cánh tay để chộp bắt và thiết bị phát laser cường độ cao được thiết kế để làm mù các vệ tinh từ mặt đất khi chúng bay qua trên không.
Những năng lực này đã và đang được tiếp tục phát triển ít nhất là kể từ năm 2007, khi Trung Cộng đã làm nổ thành công một vệ tinh bằng một hỏa tiễn quỹ đạo tầm thấp. Và hồi đầu năm nay, chỉ huy trưởng Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đã xác nhận rằng cả Nga và Trung Quốc đều đang tiếp tục phát triển các gói tác chiến điện tử, thiết bị gây nhiễu tín hiệu và vũ khí năng lượng định hướng.
Nhằm nhấn mạnh vai trò trung tâm của không gian trong học thuyết quân sự hiện đại, Trung Cộng đã tiếp tục các vụ phóng ASAT được ngụy trang dưới hình thức các vụ thử hỏa tiễn, tăng cường hợp tác Trung-Nga trong không gian, và phát triển các công nghệ mới, bao gồm cái gọi là vệ tinh giám sát có khả năng chộp lấy các vật thể khác trong không gian, và các hệ thống “búp bê Nga” bao gồm các vệ tinh dường như vô hại, sau đó chúng phóng ra các vệ tinh khác, nhỏ hơn với năng lực chưa xác định.
Các chuyên gia cho rằng các công nghệ ASAT mới nổi của Trung Quốc là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Hoa Kỳ và quốc tế, nhưng họ không đồng thuận về bản chất chính xác của mối đe dọa và về khả năng của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn và đối phó với mối đe doạ này một cách hiệu quả.
Mối đe dọa dai dẳng
Ông Bill Woolf, chủ tịch và là người sáng lập của Hiệp hội Lực lượng Không gian, nói với The Epoch Times rằng năng lực trong không gian là rất quan trọng đối với chiến lược an ninh đương đại, nhưng cảnh báo rằng sự gia tăng các công nghệ mới có nghĩa là Trung Cộng và các bên khác có khả năng tấn công cơ sở hạ tầng vũ trụ của Hoa Kỳ.
Ông Woolf nói: “Không gian là một năng lực quan trọng đối với tất cả các hoạt động quân sự của chúng ta ở Hoa Kỳ và với các đồng minh và đối tác của chúng ta. Vì vậy, khi nói về công nghệ, tôi tin rằng có công nghệ ngoài kia có thể làm gián đoạn, suy giảm hoặc ngăn chặn các năng lực không gian của chúng ta.”
Tuy nhiên, với suy nghĩ đó, ông Woolf nhấn mạnh rằng sự phát triển tập trung vào quân sự của các công nghệ ASAT trong không gian không phải là điều mới lạ gì và chỉ cho thấy thêm một tầng mức độ phức tạp trong không gian an ninh quốc tế.
Ông Woolf nói: “Mọi người trở nên khá sôi nổi khi họ nói rằng không gian đã trở thành một lĩnh vực quân sự. “[Nhưng] không gian đã là một lĩnh vực quân sự kể từ khi chúng ta khai triển các năng lực quân sự vào trong không gian.”
Việc quân sự hóa không gian vẫn đã và đang diễn ra từ Chiến tranh Lạnh cho đến nay. Chẳng hạn, vào những năm 1970, Liên Xô đã gắn thành công súng phòng thủ ném bom vào một vệ tinh và thực hiện vụ bắn thử vũ khí đạn đạo duy nhất được biết đến công khai này trong không gian. Tương tự, năm ngoái (2020), Nga đã bị bắt gặp đang thử nghiệm một loại vũ khí ASAT mới trên không gian.
Tương tự như vậy, Trung Cộng đã nhiều lần bị phát hiện đang phát triển các công nghệ ASAT bí mật kể từ màn trình diễn làm nổ vệ tinh của họ vào năm 2007, và vào năm 2019, Ngũ Giác Đài đã đưa ra một báo cáo thừa nhận rằng mục tiêu chính của Trung Cộng là nhắm vào Hoa Kỳ và các năng lực vệ tinh của đồng minh.
Ông Woolf giải thích rằng Trung Cộng đang đặc biệt theo đuổi một đường lối hành động nhằm phá hủy các tài sản không gian của Hoa Kỳ và các đồng minh, nhưng việc quân sự hóa không gian vũ trụ này là một bước tiến hóa tự nhiên của lĩnh vực này khi có sự hiện diện của các công nghệ ở đó.
“Trong học thuyết của họ, họ thảo luận rằng họ sẽ cố gắng làm suy giảm hoặc ngăn chặn tất cả các năng lực không gian của chúng ta,” ông Woolf nói về Trung Cộng.
Đối với ông Woolf, thách thức chính trong không gian mà Hoa Kỳ và các đồng minh của họ phải đối mặt là phải xác định được mối đe dọa nào gây ra mối nguy hiểm tức thời nhất, và làm thế nào để ngăn chặn và đối phó với chúng.
“Bất kể mối đe dọa này là gì, bởi vì mối đe dọa đang ở ngoài kia,” ông Woolf nói, “cho nên điều mấu chốt ở đây là lời cảnh báo gồm những gì?”
Việc ngăn chặn trở nên khó khăn trên ‘chiến trường mờ mịt nhất’
Vấn đề xác định điều gì hình thành nên một cảnh báo đáng tin cậy là điều mà ông Paul Szymanski thường nghĩ đến. Ông Szymanski là một tác giả và nhà nghiên cứu chuyên về chiến lược không gian, và đã dành 43 năm qua để nghiên cứu về chiến tranh không gian, trong thời gian đó, ông đã giúp phát triển các chỉ số tình báo để báo hiệu các hành động tiềm ẩn của kẻ địch trong không gian.
Theo ông Szymanski, những rủi ro đáng chú ý mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong không gian là vấn đề tương đối khó xác định ai đang làm gì trong không gian và lý do tại sao.
Đặc biệt là trong thời đại chiến tranh mạng và các cuộc tấn công với cờ hiệu giả, hoặc những cuộc tấn công được thiết kế để trông giống như chúng được gây ra bởi một ai đó không phải là thủ phạm thực sự, ông Szymanski lo lắng rằng các công nghệ hiện tại chỉ đơn giản là không có cảm biến và thuật toán đủ chính xác để xác định hiệu quả những gì đang xảy ra với cơ sở hạ tầng không gian trong thời gian thực.
“Đó là chiến trường mờ mịt nhất,” ông nói.
Hơn nữa, ông Szymanki lưu ý rằng có khó khăn rất lớn trong việc hình thành khái niệm xung đột không gian, bởi vì các tài sản trên quỹ đạo có thể ở khoảng cách xa về mặt vật lý nhưng lại gần về mặt toán học đối với mục đích thực hiện các cuộc tấn công. Và một khi một hệ thống quan trọng sụp đổ, có thể đã quá muộn để một quốc gia có thể phục hồi.
“Đó là điều rất quan trọng về không gian,” ông Szymanski nói, “vấn đề này luôn hiện diện trên toàn thế giới.”
Ông nói thêm, “Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể phòng ngự trong không gian. Có thể chỉ là ai bắn trước thì sẽ thắng.”
Về việc mở rộng kho vũ khí công nghệ ASAT của Trung Cộng, ông Szymanski nói rằng các vệ tinh “thanh tra” được trang bị vũ khí có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn so với công nghệ laser, vì việc sử dụng laser ASAT sẽ mất thời gian để nhắm mục tiêu chính xác các vệ tinh trên quỹ đạo, trong khi các vệ tinh thanh tra do con người điều khiển có thể dễ dàng được sử dụng để đánh bật các vệ tinh của đối thủ ra khỏi quỹ đạo.
Ông Szymanski nói: “Tôi thấy ngạc nhiên khi [Hoa Kỳ] thừa nhận rằng Trung Quốc có những vệ tinh thanh tra này với những cánh tay điều khiển. Nếu quý vị có một thứ gì đó như vậy, thì quý vị có thể làm bất cứ điều gì.”
“Tôi có thể nói rằng [Trung Cộng] chắc chắn sẽ theo hướng đó,” ông Szymanski nói. “Chắc chắn, vệ tinh điều khiển này là một ASAT, mặc dù họ có thể dễ dàng gọi nó là một ‘vệ tinh bảo trì.’”
Trung Cộng đã ngụy trang việc áp dụng những công nghệ này trong quân sự trong nhiều năm bằng cách phát triển các công nghệ có mục đích kép trong đó cung cấp một chức năng nghiên cứu vô hại để che giấu tính năng quân sự. Trước đây các chuyên gia đã gọi các công nghệ và chương trình lưỡng dụng như vậy là mối đe dọa trực tiếp đối với Hoa Kỳ.
Ông Szymanski cũng lưu ý rằng có những khó khăn lớn về mặt chính trị trong việc quyết định hệ thống không gian nào nên được cấp vốn đầu tiên, vì hầu hết các hệ thống không gian cung cấp thông tin chứ không phải là tài sản hữu hình và rất khó để xác định giá trị kinh tế hoặc giá trị chiến lược cụ thể của chúng.
“Vấn đề đối với không gian là ở chỗ tất cả đều là thông tin,” ông Szymanski nói. “Làm thế nào quý vị đo lường được giá trị của thông tin liên lạc so với hình ảnh?”
Nhiều mối đe dọa, nhưng lại hiếm đòn đánh trả
Cuối cùng, ông Woolf và ông Szymanski đã đưa ra những quan điểm trái ngược về hiện trạng của cuộc chạy đua không gian mới, và ý nghĩa của nó đối với tương lai của chiến lược Hoa Kỳ.
Đối với ông Woolf, câu trả lời chủ yếu nằm ở việc phát triển, hỗ trợ và thực thi một trật tự dựa trên luật lệ trong không gian vũ trụ để bổ sung cho trật tự thông thường được cộng đồng quốc tế công nhận.
Ông Woolf nói: “Cũng giống như mọi lĩnh vực khác, cần phải có các chuẩn mực hành vi được xác định, được trình bày rõ ràng, để nói lên rằng đây là cách mọi người hành xử trong không gian.
Trong khi đó, ông Szymanski bày tỏ sự không mặn mà với ý tưởng rằng Hoa Kỳ nên tiếp tục tìm kiếm một trật tự dựa trên luật lệ với một đối thủ rõ ràng là đã vi phạm các chuẩn mực dựa trên luật lệ. Ông cảm thấy rằng việc Hoa Kỳ tập trung ngăn chặn Trung Cộng thay vì đối đầu với họ có thể chỉ khiến Trung Cộng có thêm thời gian để chuẩn bị một đòn đánh đầu tiên và có lẽ là chí mạng.
“Tôi có ấn tượng rằng chúng ta sẽ tự ngăn chặn mình và cuộc chiến không gian sẽ kết thúc trước khi chúng ta có thể làm bất cứ điều gì với nó,” ông Szymanski nói.
“Mục đích duy nhất của Lực lượng Không gian là hỗ trợ các lực lượng trên mặt đất,” ông Szymanski nói thêm. “Nếu quý vị thua trong một cuộc chiến không gian, quý vị thậm chí không thể bắt đầu cuộc chiến trên mặt đất.”
“Họ muốn nói rằng, ‘chúng tôi có công nghệ, chúng tôi sẽ chiến thắng,’ nhưng chúng ta từng có công nghệ ở Afghanistan. Tại sao chúng ta không thắng?”
Vì vậy, ông Woolf lưu ý rằng các mối đe dọa dai dẳng luôn là một thực tế của chính trị và rằng nhiệm vụ của quân đội và chính phủ là duy trì các luật lệ bằng cách làm hết mình trong khả năng có thể dựa trên sự hiểu biết về các mối đe dọa hiện có và mới xuất hiện.
Ông Woolf nói, “Có một mối đe dọa. Chúng ta chỉ cần chuẩn bị cho tình huống đó và dựng lên các hệ thống để giảm thiểu tác động của mối đe dọa tiềm tàng đó.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của trang tin Quixote Hyperdrive.
nguồn: https://etviet.com/vu-khi-chong-ve-tinh-cua-trung-cong-dat-ra-cho-hoa-ky-thach-thuc-phuc-tap_237044.html