Share

Trung Quốc sắp chế được radar lượng tử có thể phát hiện tiêm kích tàng hình?

Một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết đã phát triển thành công loại công nghệ radar lượng tử mới, có thể phát hiện tiêm kích tàng hình, bằng cách tạo ra một cơn bão điện từ nhỏ.

Hầu hết radar mà chúng ta biết hiện nay có đĩa cố định hoặc đĩa quay đều, nhưng radar lượng tử nhìn giống như một khẩu súng, và có thể gia tốc các electron đạt tới tốc độ gần bằng ánh sáng. Cách thức là đưa các electron đi qua một ống cuộn với từ trường cực mạnh, từ đó tạo nên một thứ giống như “cơn lốc xoáy vi sóng nhỏ”.

Radar lượng tử mới có cấu tạo và cách hoạt động phức tạp nhất trong tất cả các loại radar, và việc chế tạo nó cũng vô cùng khó khăn – theo giáo sư Zhang Chao và các cộng sự chuyên ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ, tại Đại học Thanh Hoa, cho biết trên một ấn phẩm khoa học Trung Quốc vào hôm thứ Ba vừa qua.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các hạt cơ bản trong “cơn bão điện từ nhân tạo” này, sở hữu một số đặc tính kỳ lạ. Ví dụ, mỗi hạt đều có động lượng xoắn ốc không giảm, bất chấp thời gian và khoảng cách. Theo lý thuyết của Einstein, điều này là không thể. Nhưng các nhà nghiên cứu đã giải thích hành vi dường như bất khả thi của các hạt năng lượng cao này, bằng quy luật vật lý lượng tử; và ứng dụng chúng để phát hiện các mục tiêu vô hình đối với radar truyền thống từ khoảng cách xa, ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu.

Hầu hết máy bay không thể trốn tránh radar, bởi chúng phản xạ sóng điện tử. Tuy nhiên, một tiêm kích tàng hình có thể khiến các sóng radar triệt tiêu lẫn nhau nhờ sử dụng thiết kế đặc biệt, đồng thời chất liệu của vỏ tiêm kích cũng hấp thụ một lượng đáng kể tín hiệu sóng. Ví dụ như, tiêm kích tàng hình tấn công F-35 có thể nhìn giống như một quả bóng chày nhỏ trên radar truyền thống, vì vậy rất mờ nhạt trên màn hình và dễ dàng bị bỏ qua.

Trong những năm gần đây, độ nhạy của radar quân sự đã tăng lên nhanh chóng. Một số ý kiến cho rằng chúng có thể phát hiện được máy bay tàng hình. Nhưng cùng lúc đó, các loại công nghệ phủ mới như siêu vật liệu, lại khiến cho máy bay tàng hình càng khó phát hiện hơn nữa. Nhiều người tin rằng, một ngày nào đó, công nghệ tàng hình có thể phát triển đến mức không thể bị phát hiện bởi radar truyền thống.

Khi đó, phải áp dụng radar lượng tử. Một số công nghệ lượng tử, chẳng hạn như loại công nghệ có tên “rối lượng tử” hay “vướng víu lượng tử”, về mặt lý thuyết có thể tăng độ nhạy của radar.

Năm 2016, các nhà khoa học quân sự Trung Quốc nói rằng họ đang thử nghiệm một nguyên mẫu radar lượng tử. Họ thậm chí cho biết đã bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang nhỏ, với việc tăng tốc thử nghiệm so với những nước khác. Tuy nhiên, giới khoa học nhìn chung tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố của Trung Quốc.

Giáo sư Jeffrey Shapiro từ Học viện Công nghệ Massachusetts, một nhà vật lý học lượng tử nổi tiếng thế giới, hồi năm ngoái bày tỏ quan điểm với tạp chí Science rằng: “Có rất nhiều vấn đề tồn đọng, khiến tôi khó tin là một hệ thống radar lượng tử có thể phát huy chức năng trên thực tế”.

Tuy nhiên, nếu quả thật Trung Quốc chế tạo được radar ưu việt có thể phát hiện tiêm kích tàng hình tối tân, đó sẽ một tin rất xấu với Mỹ và những đối thủ tiềm tàng khác của Bắc Kinh.

NGUỒN: https://fbncvietnam.com/trung-quoc-sap-che-duoc-radar-luong-tu-co-the-phat-hien-tiem-kich-tang-hinh

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *