Một lượng tiền khổng lồ của Mỹ và EU đã và sẽ bị cưỡng chế ‘hiến tặng’ cho ‘Thịnh vượng chung’ của ĐCSTQ
Alibaba vừa cam kết tặng ĐCSTQ 15,5 tỷ USD vào năm 2025, chính thức ghi danh mình vào danh sách (ít nhất) 73 tập đoàn kinh tế lớn hưởng ứng sáng kiến ‘Thịnh vượng chung’ mà ông Tập Cận Bình mới đề cập vào 2 tuần trước. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng tiền khổng lồ, trong số 2,1 nghìn tỷ USD mà các nhà đầu tư đã đổ vào các công ty Trung Quốc trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, đã và sẽ tiếp tục bị cưỡng chế hiến tặng ĐCSTQ vì sự thịnh vượng của đảng.
Theo nguồn tin từ Reuters (2/9), Tập đoàn Alibaba của Jack Ma vừa cam kết đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ (tương đương với khoảng 15,5 tỷ đô la) vào năm 2025 để ủng hộ chương trình “Thịnh vượng chung’. Với tuyên bố này, Alibaba chính thức ghi tên mình vào danh sách nối tiếp đang ngày một dài ra của các tập đoàn kinh tế tư nhân khổng lồ cam kết chia sẻ lợi nhuận cho sáng kiến mới của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo khảo sát của Bloomberg với các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán, ít nhất 73 công ty, bao gồm công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc Ping An Insurance (Group) Co., gã khổng lồ giao hàng thực phẩm Meituan và một số Ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc, đã đề cập khẩu hiệu “Thịnh vượng chung” trong các tuyên bố gửi cổ đông ở các sàn giao dịch Hồng Kông, Thượng Hải và Thâm Quyến, để giải thích các cam kết đóng góp vì ‘Thịnh vượng chung”.
Bloomberg nhấn mạnh, mặc dù 73 tập đoàn này chưa chiếm 2% trong số 4,000 doanh nghiệp niêm yết được khảo sát nhưng đây lại các các tập đoàn kinh tế tư nhân và nhà nước có ảnh hưởng lớn nhất đất nước.
Hồi báo công ơn của đảng và xã hội?
‘Thịnh vượng chung’ liên quan mật thiết tới ‘sinh tồn’ của các ông chủ tư nhân và sự thăng tiến của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
Ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc vào ngày 17/8 để nghiên cứu vấn đề thúc đẩy thịnh vượng chung. Hội nghị đề xuất các nhiệm vụ chính, bao gồm: xử lý chính xác mối quan hệ giữa hiệu quả và công bằng; xây dựng các sắp xếp thể chế cơ bản để điều tiết phân phối lần đầu, tái phân phối và phân phối lần ba; tăng cường điều chỉnh và cải thiện độ chính xác về thuế, an sinh xã hội và thanh toán chuyển nhượng…; mở rộng tỷ lệ của nhóm thu nhập tầm trung, tăng thu nhập của nhóm thu nhập thấp, điều chỉnh hợp lý thu nhập cao, cấm thu nhập bất hợp pháp và hình thành cơ cấu phân phối hình ô liu với phần giữa lớn và hai đầu nhỏ.
Trong các chính sách này, phân phối lần 3 là đáng kinh ngạc nhất, ĐCSTQ mô tả nó như một ‘lời kêu gọi’ nghĩa vụ và trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân giàu có phải san sẻ tài sản của mình một cách tự nguyện vì ‘thịnh vượng chung’, để dàn đều sự giàu có tương đối cho người dân Trung Quốc.
Để tự nguyện cắt phần tài sản của mình và đóng góp cho ĐCSTQ, giới quan sát bên ngoài cũng như người dân Trung Quốc không khỏi lo ngại rằng ĐCSTQ sẽ thực thi các ép buộc, trừng phạt ngấm ngầm vào các tập đoàn kinh tế giàu có, các cá nhân giàu có nếu họ không tự nguyện. Nhận định này được đúc rút ra từ rất nhiều cuộc thanh trừng lớn nhỏ và tịch thu, quốc hữu hóa tài sản trong suốt 70 năm cầm quyền của đảng.
Quả thật là vậy. Ngay sau phát biểu của ông Tập, các kênh truyền thông chính thống nước này đã đăng tải hàng loạt bài báo. Vào ngày 19/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc Chứng khoán Nhật báo (Securities Daily) đã đăng một bài báo trên trang nhất nêu rõ: “Trong một thời gian dài, đã có nhiều vấn đề và mâu thuẫn trong lĩnh vực phân phối thu nhập. Khoảng cách trong phân phối thu nhập khá lớn. Tỷ lệ của nhóm thu nhập tầm trung rất thấp, điều này đã trở thành sự cản trở đối với tiến trình thịnh vượng chung”.
Bài viết trên tờ Báo Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân đăng ngày 20/8 đặt câu hỏi: “Các doanh nhân tư nhân trong thời đại mới nên hiểu và thực hiện trách nhiệm lịch sử của [kế hoạch] thịnh vượng chung như thế nào?”.
Bài báo nói với các doanh nghiệp tư nhân rằng: “Trước hết, lập trường phải cao. Phải hiểu rõ xu thế lịch sử của công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc và những yêu cầu thiết yếu của chủ nghĩa xã hội. Thứ hai, nhận thức phải sâu sắc. Cần nhận thức đầy đủ rằng thịnh vượng chung là một tiến trình lịch sử, là một quá trình không ngừng hoàn thiện và đề cao. Cuối cùng, phải đầy đủ chắc chắn. Trong 3 phân phối, phải tìm ra hình thức phát triển bền vững phù hợp với từng doanh nghiệp”.
Tencent đã nhanh nhảu phản hồi, gần như ngay lập tức với “Thịnh vượng chung”. Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) cho biết Tencent sẽ dành 15,5 tỷ USD để hưởng ứng lời kêu gọi của ông Tập về sự thịnh vượng chung. Trong đó, một nửa là đóng góp để khởi động chiến lược “đổi mới giá trị xã hội bền vững”, một nửa còn lại sẽ tiếp tục rót thêm để khởi động “kế hoạch thịnh vượng chung”.
Tuyên bố của Tencent bị ngoại giới cho là thể hiện lòng trung thành với ông Tập Cận Bình và bỏ tiền ra để mua bình an.
Và chẳng phải một mình Tencent cần bình an. Chỉ sau lời tuyên bố 2 tuần ngắn ngủi, 73 tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước vội vã cam kết đầu tư vào chương trình “Thịnh vượng chung” của Đảng, trong đó có Alibaba, gã khổng lồ công nghệ khốn khổ nhất ở Bắc Kinh trong một năm vừa qua.
Sống còn
Mới tháng 4/2021, Alibaba vừa bày tỏ lòng biết ơn với đảng sau khi nộp phạt 2,8 tỷ USD vì các tội danh liên quan đến độc quyền. Trong suốt hơn một năm qua, Alibaba và nhà sáng lập tập đoàn Jack Ma (Mã Vân) bị giám sát chặt chẽ bên cạnh hàng loạt chính sách trừng phạt nặng nề. Alibaba được cho là trường hợp mở màn điển hình mà Bắc Kinh muốn sử dụng để “giết gà dọa khỉ” trong công cuộc đàn áp doanh nghiệp tư nhân.
Sau một một năm khởi nguồn từ Alibaba, hàng loạt các động thái đàn áp khác đã và đang diễn ra khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoảng sợ. Và giờ đây, ‘Thịnh vượng chung’ được tuyên bố đúng thời điểm mà các ông chủ, nhà lãnh đạo của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước đều có ‘nhu cầu’ muốn chứng minh lòng trung thành, lòng biết ơn của họ với đảng.
Meituan, một trong những công ty giao thực phẩm lớn nhất của Bắc Kinh, vốn đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ trong chương trình cải cách kinh tế của ông Tập, cho biết công ty sẵn sàng “thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho xã hội”. Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh Hai vừa qua, người sáng lập công ty ông Wang Xing đã giải thích tên của Meituan được dịch theo nghĩa đen là “cùng nhau tốt hơn”, cho thấy ‘Thịnh vượng chung’ nằm trong lập trình DNA của nó. Ông cũng cho biết công ty có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt đáng kể trong bối cảnh một cuộc điều tra chống độc quyền về hoạt động của mình.
Công ty dịch vụ bất động sản Greentown Service Group Co. đã công bố kế hoạch thịnh vượng chung cho nhân viên trong báo cáo của mình.
Nhà sản xuất chai Zhejiang Haers Vacuum Container Co. cho biết khẩu hiệu “Thịnh vượng chung” sẽ giúp phát triển thị trường mà không cần giải thích chi tiết về cách thức tại sao nó thị trường lại phát triển khi công ty hiến tiền lợi nhuận của cổ đông cho “Thịnh vượng chung”.
Một số công ty thuyết phục cổ đông và nhân viên của họ rằng thuật ngữ này liên quan đến động lực hồi sinh nông thôn của Trung Quốc và một số công ty định nghĩa khoản tiền đóng góp vào ‘Thịnh vượng chung’ là khoản chi tiêu tiền vì môi trường, xã hội và quản trị.
Pinduoduo Inc., gã khổng lồ thương mại trực tuyến đang phát triển nhanh, hiện đang là đối thủ lớn nhất của Alibaba ở vùng nông thôn, đã đi xa khi cam kết dành 1,5 tỷ USD lợi nhuận năm tiếp theo để góp vào quỹ phúc lợi của nông dân, thuộc chương trình “thịnh vượng chung”.
Sự đổi mới của ông Tập đối với khẩu hiệu thịnh vượng chung, có từ khi Đảng Cộng sản được thành lập, đang thúc đẩy một loạt các chính sách kinh tế dự kiến sẽ định hình trong thập kỷ tới. Năm ngoái, ông Tập đã cam kết đạt được “tiến bộ đáng kể về sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người” vào năm 2035; đây cũng là năm mà Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” và tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế năm 2020.
Lượng tiền khổng lồ của Mỹ, EU đã và sẽ bị cưỡng chế hiến tặng ĐCSTQ vì sự thịnh vượng của nó
Nhưng các công ty lớn (cả khối tư nhân và DNNN) đều là các công ty niêm yết, đều phải có trách nhiệm với cổ đông trong và ngoài nước. Việc chia sẻ lợi nhuận, tài sản vì “Thịnh vượng chung” của ĐCSTQ có thể giúp ông chủ sinh tồn tốt hơn, nhưng lợi ích của cổ đông thì sao? Đặc biệt, hầu hết các ông lớn này đều có niêm yết trên thị trường chứng khoán New York, London, hoặc ít nhất, bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành bằng USD ra các thị trường này.
Chỉ riêng trên thị trường chứng khoán Mỹ, theo báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ – Trung (USCC), một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, tính đến ngày 5/5/2021, “đã có tới 248 công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ với tổng giá trị vốn hóa thị trường là 2,1 nghìn tỷ USD”.
Các sàn giao dịch bao gồm NASDAQ, sàn giao dịch chứng khoán New York, và sở giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ (NYSE American, trước đây là American Stock Exchange).
USCC cũng báo cáo rằng trong số 248 công ty Trung Quốc này có 8 công ty là “doanh nghiệp nhà nước cấp trung ương của Trung Quốc” với tổng giá trị vốn hóa thị trường hiện tại đã lên tới khoảng 350 tỷ USD.
Các công ty quốc doanh ở Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát. Trên thực tế, việc người Mỹ “vô tình” huy động tới 2,1 nghìn tỷ USD vốn cho các công ty thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi ĐCSTQ là chuyện không mấy vui vẻ.
Các công ty này không chỉ không phải kiểm toán theo luật Mỹ trong suốt 19 năm qua. Mà hiện nay với “Thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình, sẽ không có một công ty nào trong số 284 công ty kể trên nằm ngoài cuộc vận động này. Nghĩa là tiền của cổ đông Mỹ sẽ bị cưỡng chế hiến tặng cho ĐCSTQ, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, vì sự thịnh vượng của đảng. So với sự công bằng và trách nhiệm giải trình với các cổ đông Mỹ, sinh mệnh của họ quan trọng hơn.
Câu hỏi đặt ra là, bao nhiêu tài sản trong số 2,1 nghìn tỷ USD vốn đầu tư của người Mỹ đổ vào các doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ đã và sẽ bị cưỡng chế hiến tặng cho ĐCSTQ qua sáng kiến ‘Thịnh vượng chung’?
Một nhà quản lý quỹ phòng hộ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo các nhà đầu tư về việc chính quyền Bắc Kinh chiếm đoạt lợi nhuận từ gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent. Hội đồng Đầu tư Kế hoạch Hưu trí Canada (CPPIB) hiện đang nắm giữ một khối tài sản tương đối lớn ở Tencent.
Ông Kyle Bass, Giám đốc đầu tư của Hayman Capital Management đã tweet hôm 19/08: “Chính phủ Trung Quốc đang CƯỚP BÓC CỔ ĐÔNG TENCENT. Bắc Kinh buộc tập đoàn này phải ‘cống hiến’ hơn 15 tỷ USD (tương đương hơn 50% lợi nhuận) để phục vụ ‘sự thịnh vượng chung’ theo ‘chính sách quốc gia’ của ĐCSTQ”.
CPPIB hiện là nhà quản lý và giám sát các quỹ hưu trí cho 20 triệu người dân Canada.
CPPIB chỉ cập nhật thông tin đến công chúng về tình hình cổ phiếu mà họ nắm giữ mỗi năm một lần. Trước đó, tổ chức này đã nói với The Epoch Times rằng họ không bình luận về các cổ phiếu cụ thể. Trong lần cập nhật cuối cùng hôm 31/03, CPPIB tiết lộ họ đang nắm giữ gần 4,5 tỷ USD cổ phiếu Tencent.
Đó là Tencent và một quỹ hưu trí đơn lẻ của Canada. Còn ít nhất 72 tập đoàn kinh tế Trung Quốc đã cam kết, danh sách đang nối dài. Ít nhất, 284 công ty của Trung Quốc niêm yết trên TTCK Mỹ cũng sẽ không thể nằm ngoài cuộc với “Thịnh vượng chung”.
Tiền của cổ đông nước ngoài, tiền hưu trí của người Mỹ, người Canada, người Anh hay của bất kỳ quốc gia nào có thể sẽ mất trắng vì sự thịnh vượng của ĐCSTQ. Vấn đề ở chỗ, không ai trong chúng ta, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài có thiện cảm với Bắc Kinh biết được rằng họ sẽ bị cướp bóc bao nhiêu tiền vì sự thịnh vượng của ĐCSTQ, một thể chế đang diệt chủng lạnh hàng triệu người dân của nó.
Nghịch lý: ông lớn Phố Wall vẫn phát đi lời kêu gọi đầu tư vào Trung Quốc!
Tuần trước, BlackRock, nhà quản lý đầu tư lớn nhất thế giới ở Phố Wall với hơn 9 ngàn tỷ USD tài sản đang được quản lý, gần đây đã đưa ra một lời kêu gọi rất “lạ lùng”. Gã khổng lồ đầu tư lập luận rằng Trung Quốc không còn là một thị trường mới nổi và do đó, các nhà đầu tư cần tăng cường đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc.
Bà Wei Li, chiến lược gia đầu tư tại Viện Đầu tư BlackRock, nói với Financial Time hôm 17/08 rằng tỷ trọng đầu tư vào Trung Quốc hiện đang là thấp nhất trong danh mục của các nhà đầu tư.
Lời kêu gọi lạc quan mới nhất của BlackRock đối với Trung Quốc theo sau một báo cáo nghiên cứu mà họ phát hành vào tháng Năm, cũng cho rằng việc cơ cấu phân bổ cho cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc trong các chỉ số chuẩn toàn cầu là quá thấp. Trong báo cáo đó, BlackRock nói rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ngày càng trở nên lưỡng cực, dẫn đầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc ở hai đầu của quang phổ đó và các nhà đầu tư cần phân bổ đầu tư với cả hai cực theo các quy mô gần như ngang nhau.
Ông Bass sau đó đã lên tiếng chỉ trích gợi ý này.
Ông tweet: “Dưới vỏ bọc của cuộc khủng hoảng Afghanistan, bà Wei Li của BlackRock cho rằng đã đến lúc để GIA TĂNG RẤT NHIỀU LẦN nguồn đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc! Thật là vô căn cứ. Đây thực sự là CHIẾN TRANH TÀI CHÍNH đánh vào các nhà đầu tư Mỹ cả tin”.
Giám đốc điều hành của quỹ này, ông Laurence Douglas Fink, đã cố gắng vun đắp mối quan hệ bền chặt với Bắc Kinh trong nhiều năm. Vào tháng Sáu, BlackRock đã trở thành nhà quản lý tài sản đầu tiên của Hoa Kỳ nhận được sự chấp thuận thành lập một doanh nghiệp quỹ tương hỗ ở Trung Quốc, một vị trí mà “chúng tôi rất vinh dự khi được đảm nhận”, ông Fink cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó.
BlackRock cũng có một trong những danh sách lớn nhất của các quỹ đầu tư có phân bổ vào Trung Quốc, bao gồm các quỹ dành riêng cho Trung Quốc, cũng như các quỹ Á Châu và thị trường mới nổi có phân bổ vào Trung Quốc.
Quỹ BlackRock China Fund hàng đầu của công ty, có sở hữu trong Tencent, China Merchant Bank và nhà sản xuất xe điện Xpeng, có tài sản được quản lý hơn 1.5 tỷ USD (số liệu cập nhật vào ngày 20/08). BlackRock cũng điều hành một quỹ trái phiếu Trung Quốc, quỹ này đầu tư vào nhiều loại trái phiếu khác nhau của Trung Quốc, bao gồm trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ trong nước và ngoài nước, cũng như trái phiếu quốc tế phát hành bằng USD.
Có vẻ như, Bắc Kinh thực sự có mối quan hệ bạn bè thân thiết và rất lâu năm với Phố Wall, những người hết lòng ủng hộ chế độ này ngay cả khi Bắc Kinh ‘cướp bóc’ tiền của nhà đầu tư Mỹ cả trực tiếp và gián tiếp.
Những người bạn của Bắc Kinh ở Phố Wall, trong tim họ, không có đồng bào, không có nước Mỹ.
NGUỒN: https://www.ntdvn.com/kinh-te/mot-luong-tien-khong-lo-cua-my-va-eu-da-va-se-bi-cuong-che-hien-tang-cho-thinh-vuong-chung-cua-dcstq-242480.html