Share

Vì Covid dân Việt càng chống Trung Cộng

Kể từ tháng Tư khi bệnh dịch Covid-19 tái phát, số người mắc bệnh ở Việt Nam đã tăng lên tại 62 trong số 63 thành phố và tỉnh lỵ. Các nơi bị nặng nhất đều ở miền Nam, như Sài Gòn, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, và Tây Ninh. Những hình ảnh đường phố Sài Gòn vắng hoe, các nhân viên y tế mặc đồng phục che kín từ đầu tới chân nằm nghỉ ngay trước cửa phòng cấp cứu, làm não lòng người Việt ở nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tin vào các con số do chính phủ cộng sản đưa ra thì tỷ số người mắc bệnh và chết vì Covid-19 còn chưa cao lắm. Trong dân số 96 triệu người, ngày 11 tháng Tám 2021 mới có 232,937 bệnh nhân, với 4,145 người chết. Theo Bộ Y tế, tỷ số người chết vì bệnh còn thấp hơn tỷ số 9.6% trong cơn bệnh dịch SARS năm 2002-2003.

Các con số trên có thể làm dịu bớt nỗi lo lắng, nhưng không che giấu được trình độ chữa trị dịch Covid quá yếu kém. Hình ảnh những xác người chết cuốn trong bao nằm bên giường những bệnh nhân còn sống gây một ấn tượng thương tâm và kinh hoàng!

Các bệnh viện chật chội, thiếu thiết bị và thuốc men, các nhân viên y tế làm cật lực không hết việc. Nhiều nơi đã từ chối không nhận thêm bệnh nhân. Ban giám đốc bệnh viện không đủ nhân viên và xe, cáng di chuyển thi hài người đã chết. Những xác chết nằm cạnh người sống trong một căn phòng bừa bộn ngổn ngang; có lẽ vì khu nhà xác đã hết chỗ và phòng đó là nơi duy nhất có máy lạnh! Cảnh lúng túng, khốn khó ngay trong một bệnh viện là mối lo chính; vì mai mốt không biết những bệnh nhân sắp vào có được chữa trị hay không.

Bộ Y tế cho biết đã có 80,348 người khỏi bệnh. Nhưng theo hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei thì Việt Nam đã tụt xuống đứng hàng chót trong thành tích chữa trị Covid-19. Chỉ số Lành bệnh NCRI (Nikkei Covid-19 Recovery Index) đầu tháng Tám ghi Trung Quốc (74 điểm) đứng hàng đầu; vì họ có phương tiện y tế cho hàng tỷ dân mà số bệnh nhân rất ít. Đáng khen ngợi là hai nước đứng kế, New Zealand (69.5) và Hungary (69.0) mói lên thay Malta và Ba Lan trong tháng trước; đó là những quốc gia còn nhỏ hơn nước ta. Vào tháng Sáu, chỉ số NCRI của Việt Nam đứng hàng thứ 100 trong số 120 quốc gia trên thế giới. Đầu tháng Bảy đã tụt xuống hàng 114, và qua ngày 8 tháng Tám rơi xuống hàng 120 cùng với Thái Lan, cả hai được 22 điểm.

Trình độ phòng bệnh cũng thấp kém không khác gì việc trị bệnh; mặc dù không có một phong trào “chống vaccine” như ở Mỹ. Dân Mỹ được chích ngừa 57% đủ hai liều, còn ở Việt Nam tới đầu tháng Tám mới có gần 9 triệu rưỡi, tức 10% dân số, được chích thuốc chủng, trong đó chỉ có gần một triệu, một phần trăm được chích đầy đủ; đây là tỷ lệ thấp nhất so với các nước Đông Nam Á.

Chính quyền Hà Nội tuyên bố trong năm nay sẽ mua 120 triệu liều thuốc ngừa, vẫn thiếu 30 triệu liều mới đủ để phòng bệnh cho 3 phần tư người lớn, là tỷ số tối thiểu để đạt tình trạng “miễn nhiễm tập thể” (herd immunity).

Việt Nam đã được tặng 592,100 liều vaccine của Oxford-AstraZeneca, 38.9 triệu liều vaccine miễn phí từ COVAX, một quỹ hỗ tương do Y tế Thế giới tổ chức. Ngoài ra đã mua 30 triệu liều thuốc chủng AstraZeneca và 20 triệu liều Sputnik V của Nga.

Đầu tháng Sáu, Cộng sản Trung Quốc hứa tặng 500,000 liều vaccine do Công ty Sinopharm chế tạo. Lúc đó Trung Cộng đã cung cấp cho 80 nước trên thế giới 350 triệu liều thuốc chủng do các công ty Sinovac và Sinopharm sản xuất. Nhưng người Việt Nam không tin tưởng vào thuốc chủng làm ở nước đàn anh cộng sản.

Những tin tức sau đó càng tăng thêm mối nghi ngờ của người Việt. Nhiều nước sử dụng hai thứ vaccine của Trung Cộng đã phải lo tìm thứ thuốc chủng khác để chích lại lần nữa. Các nước Mongolia, Chile, và Seychelles, dùng vaccine của Trung Cộng đã chủng ngừa cho 50% dân chúng, nhưng nhiều người chích rồi vẫn mắc bệnh và chết.

Đầu tháng Bảy, chính phủ Mỹ gửi tặng Việt Nam 2 triệu liều Moderna. Loại vaccine của công ty này và công ty BioNTech Đức Quốc (hợp tác với Pfizer) theo phương pháp hoàn toàn mới, dùng mRNA kích thích cho hệ thống miễn nhiễm trong con người sản xuất các kháng thể. Việt Nam đang mặc cả mua 5 triệu liều của Moderna, 31 triệu của BioNTech Pfizer.

Từ đầu năm nay, Trung Cộng đã công kích phương pháp tân kỳ này. Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) mô tả việc sử dụng mRNA là rất nguy hiểm! Báo Nhân Dân ở Bắc Kinh kể lại chuyện những người già ở Na Uy đã chết sau khi chích thuốc chủng của BioNTech và Pfizer; một chuyện đồn đãi không chứng cớ.

Nhưng bây giờ Trung Cộng phải công nhận loại vaccine dùng mRNA hiệu quả gấp bội so với thuốc nội hóa. Vào tháng Năm, Công ty Fosun Pharma (Phục Tinh Y Dược, 复星医药) đã ký hợp đồng sản xuất vaccine của BioNTech cho thị trường Trung Quốc, 100 triệu liều trong năm 2021 và một tỷ liều mỗi năm sau.

Dân Sài Gòn cũng nhiệt liệt ủng hộ các thuốc chủng dùng mRNA của Moderna và BioNTech Pfizer. Hai tuần lễ sau khi 2 triệu liều thuốc Moderna được trao cho Việt Nam, chính phủ Mỹ lại gửi thêm 3 triệu liều vaccine dùng mRNA nữa, cả hai lần đều đi qua hệ thống COVAX. Một nửa số thuốc mới này tới Sài Gòn ngày 25 tháng Bảy, một nửa đi Hà Nội. Tổng thống Joe Biden công bố chương trình sẽ cung cấp 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech cho 92 nước nghèo; Việt Nam sẽ được thêm một số trong năm nay.

Ngoài các thuốc chủng ngừa, Chính phủ Mỹ đã tặng $17.7 triệu đô la giúp Việt Nam phòng chống Covid-19; đầu tư một tỷ mỹ kim vào các cơ sở y tế để gia tăng sức chống bệnh dịch. Từ năm 1998 Cơ quan Phòng Chống Bệnh Dịch của nước Mỹ, CDC đã giúp huấn luyện các chuyên viên chống bệnh dịch.

Nhưng không nước nào có thể viện trợ cho dân Việt Nam một chính quyền trong sạch và hữu hiệu. Một que “test swap” để thử nghiệm đáng giá một đô la, khi đem sử dụng dân Quảng Nam phải trả 734,000 đồng. Một lần xét nghiệm tại bệnh viện tỉnh Đồng Nai giá từ 300 lên 734 ngàn; người ở xa sẽ phải trả từ 600 ngàn tới 1 triệu 500 ngàn đồng!

Ai được chích ngừa trước? Nhiều người đã nêu lên những cảnh bất công. Danh sách Bản Phân Bố Vắc Xin Moderna và Pfizer của tỉnh Đồng Nai, ngày 24 tháng Bảy, cho thấy ưu tiên được chích dành cho các cán bộ, đảng viên. Một giáo sư Đại học Đà Nẵng than phiền rằng gần 3,000 người chưa ai được chích trong khi các đồng nghiệp ở Sài Gòn và Hà Nội được chích cả.

Tại Sài Gòn, trong số nhiều loại vaccine, có cả vaccine của Sinopharm. Công ty Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan nhập cảng năm triệu liều Vero Cell cho thành phố. Nhiều người dân cho đài RFA biết họ từ chối tiêm “vắc-xin Tàu” dù bị phạt. Ngày 3 tháng Tám, lãnh đạo thành phố phải giải thích rằng dân có quyền từ chối vaccine Sinopharm, không phạt!

Bà Trương Mỹ Lan đã nổi tiếng từ năm 2014 vì bị tố cáo hối lộ 20 tỷ đồng (1 triệu mỹ kim) cho Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ để chiếm một khu đất thuộc Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội. Năm 2014, 10 người trong gia đình bà Trương Mỹ Lan đã xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam, qua năm sau xin rút lại. Năm nay, công chúng trên mạng xã hội chuyển cho nhau xem những văn bản mà theo đó, người của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – nơi tài trợ vaccine do Sinopharm sản xuất – được chích ngừa bằng AstraZeneca tại Bệnh viện Thống Nhất, nơi dành cho cán bộ cao cấp.

Covid-19 khiến cho người Việt Nam thêm một dịp biểu lộ tinh thần chống Cộng sản Trung Quốc. Người ta chống đến cả vaccine Trung Cộng! Đây là một thành kiến không cần thiết. Chích bất cứ thứ vaccine nào, dù chỉ hiệu nghiệm 50% cũng tốt hơn là không chích! Nhưng người Việt đã chống cự 1000 năm Bắc thuộc và bốn năm lần quân xâm lăng tái chiếm để nô lê hóa dân mình; ký ức không thể nào xóa bỏ được!

You may also like...

3 Responses

  1. I found your blog web site on google and verify a few of your early posts. Continue to keep up the very good operate. I simply additional up your RSS feed to my MSN Information Reader. Looking for forward to studying more from you afterward!…

  2. venaino viết:

    Krall worked for four companies Lorex Pharmaceuticals, Abbott Laboratories, Zeneca AstraZeneca, and GlaxoSmithKline, holding a variety of positions responsible for drug development and safety of medicines precio priligy 30 mg

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *