Share

Hong Kong nhanh chóng ‘Trung Quốc hóa’ sau 1 năm thực thi Luật An ninh Quốc gia

Ngày 1 tháng 7 năm nay đánh dấu cột mốc 1 năm Hong Kong thực thi Luật An ninh Quốc gia. Ông Trình Tường (Ching Cheong), một nhà báo thâm niên, nhà bình luận các vấn đề thời sự Hong Kong, đã viết một bài phân tích quá trình ‘Trung Quốc hóa’ nhanh chóng của xã hội Hong Kong trong một năm vừa qua.

Bài báo của ông Trình có tiêu đề “Sự thoái hóa của Hong Kong trong 1 năm vừa qua sau khi thực thi Luật An ninh Quốc gia”. Ông đã tổng kết 5 thay đổi mang tính lịch sử mà Luật An ninh Quốc gia đã mang lại cho Hong Kong:

Hong Kong đã thay đổi từ nơi tị nạn chính trị dành cho những người bất đồng chính kiến ​​đến từ Trung Quốc đại lục, trở thành nơi xuất khẩu những người tị nạn chính trị sang phần còn lại của thế giới.

Hong Kong đã thay đổi từ một nơi mà mọi người đều được hưởng cảm giác an toàn sang cảm giác bất an.

Hong Kong đã thay đổi từ một nơi tự do nhất trong khu vực người Hoa trở thành hoàn toàn mất tự do về chính trị như ở đại lục.

Hong Kong đã thay đổi từ một nơi được công nhận là có nền pháp quyền hoàn thiện nhất trên thế giới thành một nơi mà pháp quyền trực chờ sụp đổ.

Xã hội Hong Kong đã thay đổi từ việc tập trung vào lý tính của chế độ sang tính đúng đắn chính trị và chính trị lấn át mọi thứ.

Trong bài báo, ông Trình tập trung phân tích điểm đầu tiên và điểm thứ hai nêu trên.

Hong Kong đã thay đổi từ nhập khẩu người tị nạn sang xuất khẩu người tị nạn

Ông Trình chỉ ra rằng, kể từ khi Hong Kong bước lên vũ đài lịch sử vào năm 1842, Hong Kong đã tự nhiên trở thành nơi tị nạn chính trị cho những người bất đồng chính kiến ​​ở đại lục, bởi vì nó không còn bị ràng buộc bởi chế độ ở Trung Quốc. Từ Thái Bình Thiên Quốc, đến nhà khai sáng Vương Thao (Wang Tao), rồi Khang Hữu Vi (Kang Youwei), Lương Khởi Siêu (Liang Qichao) và Tôn Trung Sơn (Sun Yat-sen), v.v., tất cả đều đến Hong Kong để xin tị nạn.

Sau năm 1949, ngày càng có nhiều người chạy đến Hong Kong, bao gồm các sĩ quan và binh lính Quốc dân đảng không muốn đầu hàng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hay các doanh nhân, học giả và những người dân thường muốn thoát khỏi sự chuyên chế của ĐCSTQ, họ đều tận dụng địa vị đặc biệt của Hong Kong để có được nơi trú ẩn.

Trong những năm 1960 và 1970, Trung Quốc đại lục khởi phát một làn sóng đào thoát đến Hong Kong, khiến dân số Hong Kong gia tăng nhanh chóng. “Chiến dịch Hoàng Tước” (Operation Yellowbird, hay Operation Siskin) sau sự kiện Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 đã chứng kiến ​​cảnh người dân Hong Kong tích cực giải cứu các nạn nhân chính trị đang bị mắc kẹt ở đại lục.

Nhà báo Trình Tường chỉ ra rằng, đây là truyền thống vẻ vang của Hong Kong trong hơn 160 năm: Cung cấp một nơi ẩn náu chính trị an toàn cho những người bất đồng chính kiến ​​ở đại lục. Đáng tiếc là sau khi Luật An ninh Quốc gia Hong Kong năm 2020 được thi hành, truyền thống lịch sử vẻ vang này đã bị hủy hoại ngay lập tức, bản thân Hong Kong cũng không thể tự bảo vệ mình, người Hong Kong cũng phải chạy nạn. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Hong Kong trở thành nơi xuất khẩu những người tị nạn chính trị.

Theo số liệu từ South China Morning Post, bắt đầu từ khi diễn ra phong trào chống dẫn độ về Trung Quốc năm 2019, tính đến tháng 4/2021, có tổng cộng 10.260 người Hong Kong đã bị bắt giữ. Trong đó có 173 nhân vật hàng đầu của phe dân chủ. Ông Trình nói rằng, gần như tất cả những nhân vật chỉ cần có chút ảnh hưởng trong phe dân chủ thì đều bị quét sạch. Trước áp lực cao độ, nhiều nhà hoạt động chính trị sôi nổi, các nhà lãnh đạo dư luận và một số người bị bắt giữ buộc phải lao vào con đường thoát thân. “Làn sóng lưu vong chính trị” đã xuất hiện.

Hong Kong chuyển từ cảm giác an toàn sang cảm giác bất an

Nhà báo Trình Tường cho biết, bản thân ông và nhiều người bạn đều có một trải nghiệm chung: Trước kia sau khi từ đại lục nhập cảnh vào Hong Kong, mọi người đều có một loại cảm giác “thở phào nhẹ nhõm”. Tại sao lại như vậy? Đó là do bầu không khí chính trị sát khí đằng đằng ở đại lục. Cho dù bạn không phải là người địa phương, bạn không sinh sống ở đó nhưng cũng có thể cảm thấy nó. Vì vậy, ngay khi bước chân đến Hong Kong, hầu như mọi người đều bỗng chốc cảm thấy nhẹ nhõm vì được giải tỏa áp lực. Hồi đó, Hong Kong có thể mang lại cho mọi người cảm giác an toàn, và chính cảm giác an toàn chính trị này đã khiến Hong Kong trở thành ngôi nhà cho những người tị nạn chính trị đến từ đại lục

Tuy nhiên, sau khi làn sương mù mang tên “Luật An ninh Quốc gia” bao trùm lên mảnh đất này, cảm giác an toàn chính trị đang nhanh chóng mờ nhạt. Ông Trình cho rằng có hai lý do: Một là luật này đứng trên mọi luật lệ ở Hong Kong, bao gồm cả việc bảo vệ nhân quyền của Hong Kong. Hai là bộ luật hà khắc này khuyến khích mọi người báo tin, vạch trần và đấu tố lẫn nhau theo kiểu đại lục, khiến mọi người hoảng sợ.

Ví dụ, một giáo viên tiểu học ở Tin Shui Wai đã mua 10 tờ báo của Apple Daily và tặng cho các giáo viên thân quen trong trường. Có giáo viên đã báo cáo với nhà trường, sau đó Hiệu phó đã triệu tập vị giáo viên này và phê bình ông vì có “động cơ xấu”, còn yêu cầu ông thu hồi lại các tờ báo, nếu không sẽ báo cáo với tổ chức điều hành nhà trường và Ban giám hiệu. Cuối cùng, người giáo viên này đã bị đình chỉ dạy 5 tiết học trong ngày hôm đó. Các giáo viên khác cũng được lệnh trả lại báo cho thầy giáo này.

Một sự việc tương tự khác cũng xảy ra vào hồi tháng 7 năm nay. Khi hai học sinh trung học năm thứ 5 (tương đương lớp 11) của trường Trung học Tín Nghĩa Nguyên Lãng (ELCHK Yuen Long Lutheran Secondary School) tham gia một cuộc thi hát của trường, họ đã hát bài “Galactic Repairman” (tạm dịch: Người sửa chữa Ngân hà) của Dear Jane. Vì lời bài hát có những từ như “thời loạn” và “đối kháng”, nên bị nghi ẩn chứa hàm ý chính trị. Hai học sinh này đã bị nhà trường khiển trách và bị ghi lỗi lớn trong học bạ. Họ bị cấm tham gia bất kỳ cuộc thi hoặc hoạt động nào ngoài khuôn viên nhà trường với tư cách là học sinh của trường. Một trong 2 học sinh đã bị cắt chức chủ tịch hiệp hội trong trường, người còn lại là một vận động viên trong đội tuyển trường và đã bị cấm tham gia thi đấu.

Ông Trình chỉ ra rằng, hiện tượng này xảy ra ở các trường học vì Luật An ninh Quốc gia khuyến khích việc tố giác và giám sát lẫn nhau. Cơ quan An ninh Quốc gia Hong Kong đã mở đường dây nóng báo cáo vào ngày 5/11/2020. Theo báo cáo, tính đến ngày 10/5 năm nay, đường dây này đã nhận được hơn 100.000 báo cáo. Ông cho rằng, chính kiểu hành xử mang đặc trưng của ĐCSTQ đã khiến Hong Kong mất đi cảm giác an toàn chính trị.

Đông Phương

Theo Vision Times

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *