Share

Trung Quốc quấy nhiễu dự án khí đốt của Malaysia trên Biển Đông

Các tàu tuần duyên Trung Quốc đã ngăn cản các hoạt động khai thác một mỏ khí đốt của Malaysia, và các chiến đấu cơ Trung Quốc đồng thời xâm nhập không phận của nước này. Trang web Energy Voice hôm nay 08/07/2021 dẫn báo cáo mới nhất của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết như trên.

Đây là lần thứ ba trong vòng 18 tháng qua các tàu tuần duyên Trung Quốc quấy nhiễu việc khai thác dầu khí của Malaysia. AMTI nhận định, sự kiện này thêm một lần nữa cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh ngăn trở các hoạt động dầu khí của các quốc gia láng giềng ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Và việc xâm nhập không phận cũng không phải là tình cờ, mà chứng tỏ Bắc Kinh sẵn sàng leo thang gây áp lực lên các nước yêu sách chủ quyền Biển Đông để họ phải lùi bước.

Energy Voice trích nhận xét của chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS, cho dù Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ kinh tế và duy trì quan hệ thân thiện với Malaysia, nhằm buộc Kuala Lumpur ký kết các thỏa thuận khai thác chung, tuần duyên Trung Quốc vẫn gia tăng áp lực qua việc quấy nhiễu các giàn khoan, tàu tiếp liệu và tàu thăm dò của Malaysia.

Căng thẳng gần đây nhất diễn ra tại mỏ khí đốt Kasawari thuộc lô SK316 ở ngoài khơi Sarawak, tại EEZ của Malaysia trên Biển Đông, do Petronas Carigali, chi nhánh của tập đoàn Petronas khai thác. Ngày 01/06, Bắc Kinh điều 16 chiến đấu cơ bay theo đội hình chiến thuật để áp sát vị trí chuẩn bị đặt giàn khoan, và phớt lờ những cảnh báo của Malaysia. Bộ Ngoại Giao Malaysia sau đó đã triệu mời đại sứ Trung Quốc để phản đối.

Song song đó, theo AMTI, các tàu tuần duyên Trung Quốc còn quấy rối các hoạt động ở mỏ Kasawari suốt từ đầu tháng Sáu đến ít nhất là ngày 05/07, bất chấp sự hiện diện của Hải quân hoàng gia Malaysia và mỏ khí này nằm cách vùng duyên hải Trung Quốc đến hơn 1.000 kilomet.

Kể từ 2013, tuần duyên Trung Quốc liên tục xuất hiện tại bãi cạn Luconia, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Đối với Việt Nam, Bắc Kinh gây áp lực khiến Việt Nam phải chấm dứt hợp đồng với Repsol tại lô 06-01, Bãi Tư Chính năm 2018. Đến năm 2019, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Địa Chất 8 đến quấy rối giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản tại EEZ của Việt Nam, và năm 2020 cho các tàu quân sự cỡ lớn đến đe dọa khu vực mỏ khí của Việt Nam ở lô 06-01, khiến Rosneft Vietnam phải hủy hợp đồng khoan với Noble Corporation.

Nguồn: RFI

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *